Liên minh phần mềm kinh doanh (BSA) vừa công bố báo cáo nghiên cứu hàng năm, cho biết vi phạm bản quyền phần mềm đã gây thiệt hại kỷ lục tới 63,4 tỷ USD năm 2011, tăng 8% so với mức tương ứng 58,8 tỷ USD năm 2010, trong đó chủ yếu xẩy ra ở các nền kinh tế đang nổi.
Theo BSA, Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều nền kinh tế đang nổi, bao gồm cả Trung Quốc, là nơi có tình trạng sử dụng phần mềm lậu phổ biến nhất và gây thiệt hại nhiều nhất với 21 tỷ USD năm 2011, tăng 12% so với năm 2010.
Trên cơ sở khảo sát khoảng 15.000 người sử dụng máy tính ở 33 nước và vùng lãnh thổ trong hai tháng đầu năm nay, BSA cho biết tỷ lệ vi phạm bản quyền trung bình ở các thị trường đang nổi là 68%, vượt xa mức trung bình toàn cầu 42% và 24% tại các nền kinh tế phát triển. Trong khi các thị trường này chiếm tới 82% thị trường máy tính toàn cầu.
Các nền kinh tế đang nổi -hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển, đã chiếm tới 56% doanh số bán máy tính mới và chiếm hơn 50% số lượng máy tính đang sử dụng, song vì vậy mà cũng là động lực cho tình trạng gia tăng vi phạm bản quyền trong những năm gần đây.
Microsoft là một trong những phần mềm bị dùng lậu nhiều nhất. Nguồn: Internet
|
Theo BSA, Trung Quốc là nơi tồi tệ nhất ở châu Á khi nói đến vi phạm bản quyền phần mềm, với các chương trình máy tính bất hợp pháp trị giá ước tới 9,0 tỷ USD năm 2011 so với thị trường phần mềm hợp pháp 2,65 tỷ USD tại đây.
Tuy nhiên, xét trên toàn cầu, Mỹ là nơi có tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm lớn nhất, ước khoảng 9,8 tỷ USD, song cũng là thị trường đạt doanh số bán phần mềm hợp pháp lớn nhất, với trên 41 tỷ USD.
Giám đốc tiếp thị của BSA, ông Roland Chan, cho biết nhờ nỗ lực của các chính phủ mà thị trường máy tính của Châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng trung bình 9%/năm, trong khi vi phạm bản quyền lại giảm trung bình 1%/năm.
BSA là một tổ chức thương mại phi lợi nhuận, có trụ sở tại Oasinhtơn (Mỹ), hoạt động vì mục tiêu Bảo hộ quyền tác giả, và trong số các thành viên của BSA có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng công nghệ thế giới như Apple, Microsoft, Symantec và Adobe.
Theo Việt Tú baomoi.com