Thương hiệu vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Sáng 20/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2013 với chủ đề Phát triển thương hiệu ngành cho sản phẩm và doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại TP.HCM.
Các chuyên gia cho rằng, trong một thị trường toàn cầu hóa và bùng nổ cạnh tranh, để tồn tại các DN phải tạo ra được sự khác biệt để xây dựng được thương hiệu của riêng mình vì thương hiệu không chỉ đem lại cho DN những khách hàng trung thành và lợi nhuận cao hơn mà còn giúp DN hợp tác dễ hơn, truyền thông hiệu quả hơn.
Đối với DN Việt Nam, xây dựng thương hiệu cũng đang là vấn đề sống còn nhưng có rất ít thương hiệu của Việt Nam khẳng định được vị trí của mình ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Cụ thể, ở thị trường nội địa, hơn 10 năm trước, hàng may mặc Việt Nam đã có những thương hiệu được đánh giá là có triển vọng và khả năng cạnh tranh tốt dựa như Legafashion, Việt Thắng, Việt Tiến, Ninomaxx, Nhà Bè…Tuy nhiên đến nay có những thương hiệu vẫn giữ được thị phần nhưng có những thương hiệu đã đánh mất năng lực dẫn dắt thị trường.
Trên thị trường quốc tế, mặc dù đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo nhưng gạo của Việt Nam tại nhiều thị trường lại mang thương hiệu của Thái Lan. Tương tự, Việt Nam cũng đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè nhưng giá chè của Việt Nam chỉ bằng ½ giá chè bình quân trên thế giới, đồng thời có tới 98% lượng chè xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc xây dựng chiến lược thương hiệu của DN Việt Nam còn rất kém, chỉ có 32% DN trong tổng số các DN xuất khẩu nông sản có chiến lược cụ thể về xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, tính chủ động của các DN Việt Nam cũng còn thấp, theo số liệu thống kê của Trường đại học Thương mại có tới 80% số hợp đồng mà các DN Việt Nam đã ký kết với nước ngoài là do đối tác tự tìm đến.
Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT MASSO Group cho biết: "Chúng ta đều biết tại sao chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới và cũng có rất nhiều ý tưởng để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới có ý tưởng nhưng chưa làm hoặc đã làm nhưng làm chưa tới. Chúng ta chỉ khởi động ý tưởng, khởi động chương trình chứ không thực thi hoặc không thực thi đến kết quả cuối cùng do vậy tất cả các nỗ lực trước đó đều không mang lại kết quả".
Đế xây dựng thương hiệu, ông Lê Phước Vũ- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen- cho rằng, từng DN phải có chiến lược riêng của mình và cơ quan quản lí nhà nước đặc biệt là Cục Xúc tiến Thương mại phải có chiến lược rõ ràng và quyết tâm và có hỗ trợ mạnh mẽ cho DN.
Theo baocongthuong.com.vn