Dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung Luật Sở hữu Trí tuệ lần này nâng thời hạn bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh lên 75 năm (luật hiện hành quy định 50 năm).
Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như vậy đảm bảo cân bằng lợi ích của các chủ thể trong điều kiện phát triển
Tăng thời hạn bảo vệ tác quyền tránh thiệt thòi cho các tác giả, nhà sản xuất Ảnh: Phạm Yên
|
nền kinh tế thị trường, khuyến khích lao động sáng tạo; tạo sự bình đẳng giữa công dân, tổ chức Việt Nam với công dân, tổ chức các nước có quan hệ điều ước với Việt Nam, tránh thiệt thòi cho các tác giả, nhà sản xuất Việt Nam.
"Tốt nhất nên quy định thống nhất là 75 năm, như các nước trên thế giới, nếu thấy không có gì cần phải hạn chế"- Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị.
Dự thảo luật này sẽ được chỉnh sửa, trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Phạt nặng vi phạm về sở hữu trí tuệ
Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ (hôm qua 24/2), tại phiên họp thứ 17 UBTV Quốc hội, nhiều ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị phạt nặng vi phạm trong lĩnh vực này.
Theo dự thảo luật do Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh trình tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị "Tịch thu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ".
Một số ý kiến đề nghị cần có quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ&Môi trường của Quốc hội, ông Đặng Vũ Minh cho rằng, với vi phạm về sở hữu trí tuệ là phần mềm, người vi phạm trục lợi rất lớn, mức xử phạt hành chính hiện nay không đủ răn đe.
"Nếu quy định mức phạt từ ba đến năm chục triệu đồng, nhiều trường hợp sẽ chấp nhận nộp phạt. Nên quy định mức xử phạt nặng từ một đến năm lần giá trị hàng hóa xâm phạm mới có tác dụng" - Ông Minh nói.
Liên quan đến vấn đề giám định sở hữu trí tuệ, một số ý kiến không đồng tình với quy định giao cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ thực hiện hoạt động giám định, như quy định tại dự thảo.
Nghiêng về quan điểm này, Thường trực Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự luật - cho biết: "Nếu giao cho cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ thực hiện giám định sẽ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Theo Ủy ban, việc giám định sở hữu trí tuệ phải được coi là một dịch vụ công và cần nghiên cứu thành lập các trung tâm hoạt động giám định độc lập.
Phải trả tác quyền
Cũng theo dự thảo luật, một số trường hợp tổ chức phát sóng, sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả theo quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả, người sử dụng và công chúng, khuyến khích được người sáng tác.
Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị quy định vấn đề này theo hướng, tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng vì mục đích thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, trường hợp phát sóng không vì mục đích thương mại, việc trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu không thể giống như trường hợp vì mục đích thương mại. Luồng ý kiến này cho rằng, mức thù lao cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.
Nhiều ưu đãi cho người cao tuổi
Trong phiên họp hôm qua, UBTVQH xem xét dự án Luật Người cao tuổi, với nhiều chế độ ưu đãi cho người cao tuổi: giảm viện phí cho bệnh nhân chưa tham gia bảo hiểm y tế, giảm giá một số dịch vụ (vé máy bay, dịch vụ vui chơi, giải trí…), hỗ trợ kinh phí hỏa táng, ưu tiên khám bệnh trước (trừ trường hợp cấp cứu, người tàn tật, trẻ em dưới sáu tuổi).
Người cao tuổi bị ốm đau không thể đến khám, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì trạm y tế xã, phường, thị trấn phải cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú.
Một số ý kiến cho rằng, ưu đãi cho người cao tuổi là cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc quy định sao cho phù hợp, khả thi với điều kiện thực tế ở nước ta.
|
theo thienphong.vn