Sở hữu trí tuệ và vấn đề quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực thi hiệp định thương mại EVFTA

Sở hữu trí tuệ và vấn đề quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực thi hiệp định thương mại EVFTA

Sở hữu trí tuệ và vấn đề quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực thi hiệp định thương mại EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước EU đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng thương mại song phương. 

 

Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích đối với tăng trưởng kinh tế nước ta.

Đây là cơ hội song cũng là một thách thức với các doanh nghiệp trong nước bởi sự cạnh tranh tăng lên, bên cạnh đó là những hàng rào pháp lý của quốc tế mà các doanh nghiệp cần hiểu và tuân thủ.

Một trong những vấn đề đó là việc thực thi Sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt khi hội nhập. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã dành thời gian trả lời chương trình bạn và pháp luật Đài tiếng nói Việt Nam.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Câu hỏi 1: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU là cơ hội song cũng là một thách thức với các doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Theo luật sư, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những gì về mặt pháp lý để tránh những rủi ro trong quá trình tham gia hợp tác cũng như định vị thương hiệu trong khối EU?

Luật sư trả lời:

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam. EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU.

Tuy nhiên, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Nó đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trên thực tế, thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU có mức chi phí khá cao; điều kiện để được bảo hộ khắt khe nên trên thực tế các DN khá e dè tính toán để thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, sau khi gia nhập EVFTA thì việc chú trọng tới SHTT là điều không thể tránh khỏi, giúp doanh nghiệp tránh được các vấn đề tranh chấp mà mất rất nhiều chi phí để theo đuổi vụ việc cũng như ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam 

Ngoài ra, liên quan đến việc khai thác thị trường EU, việc 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Song để khai thác hiệu quả thị trường và cơ hội mà EVFTA mang lại, cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và nhất là của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường EU.

Câu hỏi 2: Lâu nay vấn đề bảo vệ thương hiệu, thực thi sở hữu trí tuệ vẫn được đánh giá là “gót chân Asin” của các doanh nghiệp Việt. Trong môi trường kinh tế thị trường hiện nay, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực trong kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nhưng, trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ 20% là của doanh nghiệp Việt Nam. Đa số nhãn hiệu đăng ký lại là của các doanh nghiệp tư nhân, rất ít doanh nghiệp nhà nước tham gia. Tình trạng tranh chấp thương hiệu, vi phạm bản quyền, nhãn hiệu ở nước ta ngày càng gia tăng, trong đó xảy ra cả ở doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế và cả đối với doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia hoạt động trên thị trường Việt Nam. Thưa luật sư… thương hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có được bảo hộ ở các nước trong khối EU không- doanh nghiệp cần làm gì để được bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài?

Luật sư trả lời:

Pháp luật các quốc gia đều cho phép cá nhân, pháp nhân nước ngoài được phép tiến hành đăng ký quyền SHTT, trong đó có nhãn hiệu. Do Việt Nam và EU đều tuân thủ theo nguyên tắc “First to file” – “ai nộp đơn trước người đó có quyền” nên việc đăng ký trước khi đưa sản phẩm vào thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, tránh các tranh chấp về nhãn hiệu không đáng có.

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Bên cạnh đó, xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Do đó, chỉ khi nắm vững được các quy định pháp lý về mặt SHTT, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.

Câu hỏi 3: Nếu thương hiệu/ nhãn hiệu đó đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thì việc bảo hộ thương hiệu có phụ thuộc luật pháp của nước khác không?

Luật sư trả lời:

Nguyên tắc chung về bảo hộ nhãn hiệu là nguyên tắc lãnh thổ, nhãn hiệu sẽ chỉ được bảo hộ tại quốc gia đã được đăng ký và chấp thuận. Do đó, việc một nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam không đồng nghĩa với việc nhãn hiêu đó sẽ được bảo hộ tại thị trường EU và ngược lại.

Pháp luật về SHTT ở hầu hết các quốc gia có sự tương đồng, tuy nhiên, sẽ vẫn có những yêu cầu đặc biệt về cả mặt hình thức lẫn nội dung để đảm bảo nhãn hiệu được bảo hộ. Do đó, không chỉ khi đưa nhãn hiệu vào thị trường EU mà cả các thị trường quốc tế khác, doanh nghiệp cần nắm vững những quy định của các quốc gia nhằm đảm bảo việc bảo  hộ và thực thi quyền SHTT đối với nhãn hiệu của doanh nghiệp được thuận lợi

Câu hỏi 4: Vậy còn việc bảo hộ thương hiệu/ nhãn hiệu của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam thì sao?

Luật sư trả lời: 

Cũng tương tự như các doanh nghiệp Việt Nam, việc bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam cũng chiếm vị trí hết sức quan trọng. Không ít doanh nghiệp nước ngoài khi đưa thương hiệu vào thị trường Việt Nam cũng phải đối mặt với khó khăn khi đã bị “Đăng ký trước”.

Thủ tục hủy/chấm dứt hiệu lực của một văn bằng bảo hộ tại Việt Nam thường bị kéo dài (thông thường ít nhất khoảng 3 – 4 năm) nên ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.

Câu hỏi 5: Có ý kiến cho rằng việc bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam từ việc bị làm giả, làm nhái sản phẩm hiện khó khăn vì quy định pháp luật không rõ ràng hay do chế tài xử lý còn nhẹ, chưa phù hợp với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp. Quan điểm của luật sư?

Luật sư trả lời:

Tình trạng hàng hóa giả mạo tại thị trường Việt Nam ngày càng diễn ra phổ biến, tinh vi hơn. Trong số đó, xuất phát từ tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng, lượng hàng hóa hóa giả mạo nhãn hiệu đối với sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm số lượng lớn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc xử lý vi phạm đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu mới chủ yếu dừng lại ở xử phạt hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt tối đa vẫn có thể được coi là “nhẹ”, tối đa 250 triệu đối với cá nhân và 500 triệu đối với pháp nhân. Mức phạt này được coi là chưa tương tích với mức thiệt hại của các doanh nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm có thể được tiến hành thông qua Tòa án. Tuy nhiên, việc xử lý tranh chấp tại tòa án hiện nay cũng đang gặp không ít vướng mắc, đặc biệt là thời gian xử lý chậm cũng như tính hiệu quả của vụ việc chưa cao và khả năng thực thi phán quyết của tòa án sau khi giải quyết tranh chấp cũng như hiệu quả nên gây ra rào cản tâm lý cho các doanh nghiệp ngại ngần khi theo đuổi các vụ việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Câu hỏi 6 : “Tôi xem trên mạng thấy quảng cáo một sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tên như một nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế và tôi cũng tưởng lầm là một nhãn hàng của hãng đó. Khi mua hàng về sử dụng, xem kỹ hướng dẫn xuất xứ thấy không phải, dù cũng là sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài bán ở Việt Nam. Tôi đã đề nghị trả lại sản phẩm nhưng không được cơ sở bán hàng chấp thuận. Như vậy tôi có thể yêu cầu Hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi không? Doanh nghiệp bán hàng nhái thế sẽ bị xử lý thế nào?...”

Luật sư trả lời:

Trong trường hợp này, người tiêu dùng có thể yêu cầu Hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của mình hay gọi đến tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hội bảo vệ người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 389, tổ công tác đặc biệt 334 (Bộ Công Thương) hoặc thông qua các cơ quan báo chí thông tấn…

Theo quy định, hành vi sản xuất, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể căn cứ Điều 12 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ lên tới 250 triệu đồng. Đồng thời có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung cũng như khắc phục hậu quả như:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm

- Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng

- Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp

 


 


 


 


 




- Buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa



- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này






 


 


 


 


 




Ngoài ra, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa cũng có thể bị xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền SHCN theo qy định tại khoản 1, Điều 226 BLHS năm 2015 thì: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

 


 


 


 


 


 



Câu hỏi 7: Vi phạm về bản quyền đang là dạng vi phạm phổ biến nhất liên quan đến sở hữu trí tuệ, khi thực hiện tự do thương mại, gia nhập WTO và EVFTA. Tranh chấp trong lĩnh vực này sẽ được giải quyết như thế nào để tránh thiệt hại của doanh nghiệp và người tiêu dùng khi sau này có thể bị nhầm lẫn hàng hóa, dịch vụ có cùng tên gọi/ kiểu dáng hoặc tên gọi tương tự dễ gây hiểu lầm?Luật sư trả lời:


 


 


 

 


 


 



Tranh chấp trong lĩnh vực này thường có hai hướng giải quyết chính:


 

 


 



Thứ nhất là bên bị vi phạm sẽ gửi cảnh báo cho bên nghi ngờ vi phạm về các hành vi xâm phạm. Sau khi nhận được cảnh báo, các bên có thể tiến hành thương lượng, hòa giải để bên bị nghi ngờ vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. Con đường tự đàm phán giữa các bên là con đường tốt nhất (nếu thành công) để tránh được thiệt hại cho các doanh nghiệp vì tiết kiệm thời gian, tránh việc kiện tụng tại tòa án.


 


 

 



Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào cũng có thể tiến hành bằng phương án trên. Do đó phương hướng giải quyết thứ hai là: nhờ đến sự can thiệp về mặt pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền. Tranh chấp lúc này được giải quyết theo một trình tự, thủ tục nhất định theo luật.


 


 


EVFTA đòi hỏi nghiêm khắc, trao quyền cao hơn cho các chủ thể thực thi (Đặc biệt tại biên giới) và chủ thể quyền, nâng cao mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm quyền. Vì vậy các doanh nghiệp khi đói diện với tranh chấp cần chuẩn bị cho mình cơ sở pháp lý vững chắc theo quy định của quốc gia sở tại để đảm bảo việc xử lý tranh chấp được giải quyết hiệu quả.

 

Đối với người tiêu dùng thì cần chủ động tìm kiếm từ các nguồn đáng tin cậy, các nguồn thông tin chính thức để hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đảm bảo tiếp cận được với sản phẩm chất lượng, uy tín.

Câu hỏi 8: Khi xảy ra tranh chấp đối với các bên có liên quan về sở hữu trí tuệ mà luật Việt Nam chưa quy định thì sẽ phải làm gì, thưa luật sư?

Trả lời:

Không chỉ đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ và ở tất cả các lĩnh vực đều có thể xảy ra những tranh chấp mà luật chưa có quy định điều chỉnh hoặc có nhưng quy định chưa đầy đủ và rõ ràng. Lúc này nguyên tắc sẽ là áp dụng tương tự pháp luật, nghĩa là các quy định có bản chất tương tự để đối chiếu, áp dụng cách thức giải quyết giống như các quy định ấy. Ngoài ra, áp dụng án lệ (phán quyết đã có hiệu lực trước đây) cũng là một trong các cách giải quyết tranh chấp. Trong quá trình xét xử các tranh chấp, đặc biệt đối với những tranh chấp chưa có quy định cụ thể sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của thẩm phán.

Câu hỏi 9Nếu cá nhân/ tổ chức đăng ký tên miền có tên trùng với nhãn hiệu, thương hiệu đã định vị trên thị trường nhưng doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó lại chưa đăng ký mua tên miền của nhãn hiệu, thương hiệu đó thì có vi phạm pháp luật không?”.

Trả lời:

Việc xác định xem hành vi sử dụng tên miền trùng nhãn hiệu hiệu đã định vị trên thị trường có vi phạm pháp luật không còn căn cứ vào nhiều yếu tố. Một là xác định nhãn hiệu đã “định vị” nghĩa là được nộp đơn đăng ký tại Cục Sỡ hữu trí tuệ chưa?

Đã được cấp văn bằng bảo hộ và có quyền sở hữu đối với nhãn hiệu (thương hiệu) đó hay chưa và được bảo hộ cho những sản phẩm, dịch vụ nào? Chỉ khi tên miền đó được sử dụng cho các sản phẩm trùng hoặc tương tự với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được bảo hộ thì mới có thể coi là hành vi xâm phạm quyền SHTT và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 10: Sau khi nước ta tham gia các hiệp định về tự do thương mại thì việc thực hiện cam kết về sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có gì thuận lợi hay khó khăn so với trước đây?

Trả lời: 

Riêng về SHTT, những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT, cùng với nguyên tắc tối huệ quốc nhằm bảo đảm cho DN của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba, được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể, nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ SHTT.

Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực SHTT, EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Bên cạnh thách thức sửa đổi pháp luật, các cam kết về SHTT cũng sẽ mang lại những thách thức nhất định cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam, có thể khiến DN Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.

Chính vì vậy, DN cần phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, DN mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.

Câu hỏi 11Luật Sở hữu trí tuệ của nước ta hiện nay đã phù hợp với hoạt động thương mại tự do như EVFTA chưa, thưa luật sư?

Trả lời:

Về cơ bản, Luật SHTT Việt Nam hiện hành đã khá tương thích với đa số các cam kết về SHTT trong EVFTA, ở cả 03 định chế lớn của chương về SHTT: các nguyên tắc chung về bảo hộ SHTT, các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT và các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nhiều nghĩa vụ trong EVFTA đòi hỏi rất cao trong việc yêu cầu bảo hộ “đầy đủ” và “hiệu quả” trong khi thực tế thực thi bảo hộ SHTT ở Việt Nam hiện có nhiều bất cập và mức độ hiệu quả chưa cao. Do đó, việc nâng cao hiệu quả cảu công tác thực thi trên thực tiễn để đảm bảo thi hành hiệu quả các nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam “đã tương thích” là hết sức quan trọng.

Đối với các cam kết “chưa tương thích”, hiện chỉ có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 Chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm.

Bên cạnh đó, một nhóm tương đối các cam kết trong EVFTA mà pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có quy định nhưng chưa hoàn toàn tương thích, bao gồm: một số quyền phải ghi nhận đối với người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; một số biện pháp bảo hộ chi tiết nhằm chống lại hành vi xâm phạm các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền hay các thông tin quản lý quyền; một số tiêu chuẩn bảo hộ mới đối với kiểu dáng công nghiệp; một số yêu cầu tăng cường thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong triển khai các biện pháp dân sự trong thực thi quyền SHTT.

Việt Nam đã có lộ trình để sửa đổi, bổ sung các điều khoản “Chưa tương thích” và “tương tích một phần” đối với EVFTA. Theo kế hoạch, Luật SHTT này cũng sẽ cần phải được sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Hiệp định CPTPP và theo đó sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2 năm 2021 (do có thời gian chuyển đổi là 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực). Do vậy, để bảo đảm việc sửa đổi luật được tổng thể, toàn diện và nhất quán, Chính phủ dự kiến sẽ kết hợp việc sửa đổi, bổ sung này với cả những nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA để trình Quốc hội xem xét vào năm 2021.

Như vậy, trong thời gian từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cho đến khi Luật sửa đổi của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 chính thức có hiệu lực, các nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA sẽ được áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA. Bên cạnh đó, những cam kết dự kiến đưa vào Nghị quyết của Quốc hội để áp dụng trực tiếp trong thời gian sửa Luật (cụ thể là các nội dung liên quan đến hiệu lực của nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, quy định liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm là bộ phận của sản phẩm phức hợp, bù đắp cho chủ sở hữu sáng chế do chậm chễ trong thủ tục cấp phép đăng ký thuốc) sẽ được chi tiết hóa để bảo đảm việc thực thi được nhất quán, rõ ràng, thuận lợi.

Câu hỏi 12Có ý kiến cho rằng cách tốt nhất để doanh nghiệp bảo vệ mình, không tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác có thể làm giả hoặc đăng ký thương hiệu/quyền sở hữu trí tuệ là đăng ký xác lập Quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam cũng như tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng, của doanh nghiệp. Quan điểm của luật sư về vấn đề này?

Trả lời:

Điều này là hoàn toàn chính xác. Việc xác định thị trường tiềm năng và tiến hành bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường quốc gia sở tại và quốc gia tiềm năng mà Doanh nghiệp hướng tới là hết sức cần thiết.

Thủ tục đăng ký tại mỗi quốc gia đều có những quy định riêng, thời gian đăng ký mất khá nhiều thời gian nên việc tiến hành đăng ký trước là hoàn toàn hợp lý. Nó giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý vững chắc trước khi đưa thương hiệu chính thức ra mắt thị trường, tránh các trường hợp bị “Đăng ký chiếm quyền”, mất thương hiệu gây ra tổn thất nặng nề.

 

 

 

 

 

 

 

 

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan