Skull island bị phát tán lậu, có xử lý hình sự?

Kong: Skull island bị phát tán lậu, có xử lý hình sự?

Kong: Skull island bị phát tán lậu, tùy vào tính chất và mục đích có những cách xử phạt khác nhau.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngay sau khi ra mắt ngày 9/3, chỉ 2 ngày sau đó, trên nhiều trang web đã lan truyền bản lậu của phim điện ảnh Kong: Skull island với thời lượng gần như đầy đủ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với  Luật sư, Thạc sỹ Phạm Duy Khương - Giám đốc công ty luật SB Law để tìm hiểu rõ hơn về cách thức xử lý khi phim bom tấn nước ngoài bị phát tán lậu.

Với những phim nước ngoài công chiếu tại Việt Nam, chính sách về bản quyền tại Việt Nam được áp dụng như thế nào, thưa ông?

Trước tiên, xin được khẳng định là luật sở hữu trí tuệ không có sự phân biệt giữa chủ thể quyền phim nước

ngoài và phim Việt Nam. Nghĩa là, dù bộ phim do ai sở hữu cũng được đảm bảo đối xử công bằng về mặt luật pháp. Vì vậy, việc phát tán bản lậu của phim điện ảnh Kong: Skull Island khi vừa ra mắt tại Việt Nam trên một số website chỉ sau vài ngày ra mắt có thể coi là hành vi vi phạm bản quyền đặc biệt nghiêm trọng đối với chủ thể quyền của bộ phim này.

Theo quy định của Luật SHTT Việt Nam và các công ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia, một tác phẩm điện ảnh nói riêng và một tác phẩm nói chúng sẽ được bảo hộ đầy đủ và trọn vẹn tất cả các quyền bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản kể từ thời điểm được công bố lần đầu. 

Hành vi phát tán bản lậu của phim điện ảnh Kong: Skull Island có thể bị coi là hành vi “Phân phối trái phép tác phẩm đến công chúng”theo quy định tại Khoản 3, Điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ hoặc hành vi “Truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả” theo quy định tại Khoản 10, Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc hãng luật SB Law

Luật sư Phạm Duy Khương (Baohothuonghieu.com) - Giám đốc hãng luật SB Law

Cụ thể, chế tài xử lý việc phát tán lậu những phim nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? 

Các hành vi vi phạm này tuỳ vào mục đích và mức ảnh hưởng có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí hình sự.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 23 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, “Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

Đối với tác phẩm tạo hình, tác phẩm nhiếp ảnh thì quyền phân phối còn bao gồm cả việc trưng bày, triển lãm trước công chúng”.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 23 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, “Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn”

Có thể thấy, hành vi phân phối và hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng sẽ khác nhau ở mục đích của hành vi. Trong đó, hành vi phân phối phải nhằm đến mục đích để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Trong khi hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng chỉ nhằm mục đích để  công chúng có thể tiếp cận được tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm tại thời gian và địa điểm do họ lựa chọn.

Với hai hành vi trên, theo quy định của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan thì đều bị xử phạt, với khung hình phạt tiền từ 10.000.000 – 30.000.000 VNĐ với hành vi phân phối, và từ 15.000.000 – 30.000.000 VNĐ với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc phải gỡ bỏ bản sao tác phẩm hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Đặc biệt nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 170a của Bộ luật hình sự năm 1999 đã  sửa đổi, bổ sung năm 2009,hành vi phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi vi phạm được thực hiện với quy mô thương mại. Tuy nhiên hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về “quy mô thương mại” nên việc xử lý đối với hành vi này theo thủ tục hình sự còn đang rất hạn chế.

Theo quy định tại Điều 225 của Bộ luật hình sự 2015 (hiện đang được xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều và sẽ có hiệu lực thời gian tới) thì hành vi phân phối tác phẩm trái phép cũng sẽ bị xử lý hình sự nếu:

- Hành vi được thực hiện không được phép của chủ thể quyền;

- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Như vậy, nếu theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, việc xử lý hình sự đối với hành vi phân phối trái phép tác phẩm đến công chúng sẽ dễ dàng hơn.

Hiện nay, có nhiều website chiếu lậu phim nước ngoài vẫn hoạt động công khai. Theo anh, đâu là lý do?

Về vấn đề này, có nhiều lý do khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, nên các website chiếu phim lậu một cách công khai vẫn chưa được xử lý dứt điểm và triệt để. Phải nói rõ rằng, không phải là các website này không bị xử phạt, mà trên thực tế, đã có rất nhiều chủ thể quản lý, vận hành các website này đã bị xử phạt theo các quy định hiện hành.

Việc xử lý không triệt để được các website này có nhiều lý do, lý do lớn nhất phải kể đến chính là việc xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường Internet rất khó khăn. Nếu như trước đây, khi việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa nghiêm, các chủ thể vi phạm thường thuê vị trí đặt server (máy chủ) ở Việt Nam, nhưng sau một thời gian bị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý mạnh tay thì các chủ thể này đã đối phó lại bằng cách chuyển server ra nước ngoài và đặt tại các nước còn lỏng lẻo trong quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Một biện pháp khác mà chủ thể vi phạm có thể thực hiện là thay tên, đổi họ. Có công ty, sau khi bị xử phạt đã tiến hành thủ tục thay đổi tên, địa chỉ để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.

Nguyên nhân khác nữa chính là việc chưa thực sự quyết liệt của chủ thể quyền trong việc bảo vệ các quyền của mình. Các hành vi vi phạm của các website phim lậu đã diễn ra từ lâu, nhưng chỉ vài năm gần đây, các chủ thể quyền mới bắt đầu thực hiện các hành vi pháp lý để bảo vệ quyền của mình. Chủ yếu họ làm bằng cách yêu cầu các cơ quan thanh tra, đặc biệt là thanh tra Bộ văn hóa thể thao và du lịch phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc thanh tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý lại không có các hành vi nào khác, chẳng hạn như khởi kiện để bảo vệ quyền của mình hoặc tiếp tục yêu cầu xử lý vi phạm đối với các hành vi tái phạm.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong thời gian sắp tới, nếu Bộ luật hình sự năm 2015 sau khi được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành thì chế tài áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan sẽ nghiêm khắc hơn và sẽ xử lý được triệt để các hành vi vi phạm tại Việt Nam.

Theo Hồ An baogiaothong.vn

»

»

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan