Hai bên đều dựa trên Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) để tranh luận về quyền lợi, tuy nhiên, ngay chính luật này đã bộc lộ nhược điểm và mâu thuẫn.
|
Ca sĩ Mỹ Tâm kiên quyết đi đến cùng vụ việc này
|
Mỹ Tâm quyết kiện vụ này
Từ đầu năm 2009, Công ty TNHH Dịch vụ Giải trí Mỹ Tâm đã gửi thư đến các nhà mạng (telcos) như Mobifone, Vinaphone, Viettel đề nghị không sử dụng các bài hát có giọng hát Mỹ Tâm làm nhạc chuông chờ và yêu cầu trả tiền bản quyền liên quan. Các công ty nội dung số đã cung cấp những bài có giọng hát của Mỹ Tâm khá lúng túng trước sự việc này vì những bài hát đó được cung cấp bởi Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN (RIAV).
Trong một lần phỏng vấn gần đây với ca sĩ Mỹ Tâm, cô khẳng định quyết tâm của mình: "Về nhạc chờ, tôi chưa hề làm với bất kỳ công ty nào. Thực ra tôi muốn giải quyết một cách ôn hoà nhưng quan trọng là để họ nhận ra họ đang làm điều sai, phải chấn chỉnh điều này và đền bù nhất định. Không cần nhiều nhưng họ phải tự thấy rằng họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình".
Cuối cùng, công ty của ca sĩ Mỹ Tâm đã gửi thẳng công văn chínnh thức đến RIAV vào ngày 20/8/2009 yêu cầu: "Thanh toán thù lao quyền liên quan theo yêu cầu của pháp luật". Trong công văn có ghi: "Theo quy định tại điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, thì tổ chức cá nhân sử dụng quyền liên quan (nhằm mục đích kinh doanh, thương mại hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào) không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình, tổ chức phát sóng.
...Trong quá trình làm việc với các tổ chức, cá nhân có sử dụng quyền liên quan của ca sĩ Mỹ Tâm chúng tôi phát hiện có một số hãng băng đĩa tự ý khẳng quyền liên quan (trong đó có quyền liên quan của ca sĩ Mỹ Tâm) thuộc quyền sở hữu của họ.... Chúng tôi khẳng định trong quá trình hợp tác ghi âm với một số hãng băng đĩa, ca sĩ Mỹ Tâm chưa bao giờ ký hợp đồng chuyển giao quyền liên quan của mình cho bất kỳ hãng băng đĩa nào. Do đó việc các hãng băng đĩa thanh toán thù lao ghi âm để sản xuất băng đĩa không đồng nghĩa với việc ca sĩ Mỹ Tâm mất đi quyền liên quan của mình.
Pháp luật thừa nhận các hãng băng đĩa là chủ sở hữu đối với bản ghi âm ghi hình do chính mình sản xuất. Do đó các hãng băng đĩa được tự do kinh doanh và thu lợi nhuận từ chính mình làm ra. Do vậy các hãng băng đĩa yêu cầu các tổ chức cá nhân sử dụng quyền liên quan phải thanh toán thù lao cho mình là phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, đó chỉ là quyền liên quan của các nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình. Riêng quyền ghi âm của người biểu diễn vẫn thuộc về quyền tài sản của ca sĩ thể hiện".
Hiệp hội Ghi âm muốn thắng phải... sửa luật
Chiều ngày 13/10/2009, RIAV tổ chức buổi Tọa đàm về quyền liên quan của nhà sản xuất và ca sĩ với mục đích chủ yếu giải quyết tranh chấp này với công ty của ca sĩ Mỹ Tâm. Trước đó, vào ngày 28/9/2009, RIAV đã chính thức gửi công văn trả lời đến công ty của ca sĩ Mỹ Tâm. Theo công văn, RIAV lại vận dụng Điều 29 và 30 của Luật SHTT và đang xem xét lại từng câu chữ của Điều 33.
|
Quang cảnh tọa đàm về Quyền liên quan của nhà sản xuất và ca sĩ
|
"Căn cứ Điều 29, khoản 1 của Luật SHTT, người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không phải là chủ đầu tư thì người biểu diễn chỉ có quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
... Tất cả các bản ghi âm ghi hình do các nhà sản xuất (hội viên RIAV) đầu tư toàn bộ, họ chỉ mời ca sĩ Mỹ Tâm đến thực hiện biểu diễn để ghi âm, ghi hình và đã nhận đủ tiền thù lao, vì vậy toàn bộ các bản ghi âm ghi hình này là tài sản thuộc quyền sở hữu của các nhà sản xuất mà ca sĩ Mỹ Tâm chỉ còn lại các quyền nhân thân. Do đó các nhà sản xuất có đủ toàn quyền ký uỷ thác quyền cho RIAV với các đối tác có chức năng khai thác kinh doanh để thu hồi vốn của chính họ đã bỏ ra đầu tư".
RIAV đã dựa trên điều 30, khoản 1, mục a-b và khoản 2 và điều 44, khoản 1, 2 của Luật SHTT để đi đến kết luận trong công văn phúc đáp: "Với chức năng và quyền hạn của mình, RIAV đã được các nhà sản xuất, hội viên ký uỷ thác và cung cấp bản ghi âm, ghi hình thuộc quyền sở hữu của họ. RIAV luôn tuân thủ và thực hiện đúng các điều khoản quy định của Luật SHTT ban hành, luôn mong muốn mang lại quyền lợi và sự công bằng cho các nhà sản xuất bản ghi âm và anh chị em ca sĩ, nghệ sĩ.
Căn cứ các điều khoản của Luật SHTT ban hành như đã nêu trên, việc Công ty TNHH Thương mại Mỹ Tâm gửi thông báo cho các đối tác của RIAV đòi phải thanh toán tiền cho ca sĩ Mỹ Tâm mà họ đã ký hợp đồng với RIAV khai thác kinh doanh các bản ghi do ca sĩ Mỹ Tâm thực hiện biểu diễn là không có đủ cơ sở pháp lý.
Để đảm bảo quyền lợi chung cho các nhà sản xuất bản ghi (hội viên của RIAV) trong việc khai thác quyền liên quan, để giữ uy tín của RIAV đối với các đối tác, để giữ mối quan hệ lâu dài giữa ca sĩ và các nhà sản xuất bản ghi, RIAV yêu cầu Công ty TNHH DV Thuơng mại Mỹ Tâm nghiên cứu và áp dụng thực hiện đúng theo các điều khoản quy định về quyền liên quan của Lật SHTT ban hành, đồng thời dừng và thu hồi ngay các văn bản thông báo đã gửi đến các đối tác khách hàng của RIAV. Việc làm của Công ty TNHH DV Thuơng mại Mỹ Tâm vừa qua đã làm trở ngại, gây thất thu và làm ảnh huởng đến quyền lợi trong việc kinh doanh khai thác bản quyền của các nhà sản xuất bản ghi và ảnh huởng đến uy tín của RIAV".
|
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn giải thích những vấn đề liên quan đến Luật SHTT trong vụ tranh chấp giữa công ty Mỹ Tâm và RIAV.
|
Tuy nhiên, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Văn phòng luật sư Phạm và Liên Doanh là luật sư đại diện của RIAV - đã chỉ ra những điểm chưa thống nhất của các điều luật: "Pháp luật chưa từng bảo hộ giọng ca, trên thế giới cũng vậy. Nếu nhà đầu tư là các hãng băng đĩa thì có quyền tài sản được ghi trong luật là "độc quyền" là rất quan trọng. Có nghĩa, người biểu diễn chỉ có duy nhất quyền nhân thân không còn quyền tài sản nào khác. Những người biểu diễn không có quyền gì khác trong trường hợp này trừ khi hai bên có thỏa thuận.
Điều 33 nói lên hạn chế quyền không phải của người sáng tạo mà của người có quyền tài sản. Ai có quyền tài sản thì trả cho người đó, ai không có thì thôi. Tác giả chỉ có quyền khi còn giữ quyền tác phẩm. Trong điều 33 sử dụng cụm từ “quyền liên quan” là không đúng. Tôi cho rằng Hiệp hội nên đề xuất sửa chữa chỗ này cho phù hợp".
Bà Kim Phương - Giám đốc Hãng Phim Trẻ - lại cho rằng: "Điều 33 rắc rối ở chỗ thêm chữ "người biểu diễn". Phải trả tiền nhuận bút thù lao cho người biểu diễn thì dễ bị nhầm với điều 29".
Bà Trương Thị Thu Dung - Phó Chủ tịch RIAV - cũng cho rằng: "Điều 33 tôi cũng không hiểu viết cái gì! Chúng tôi sẽ có kiến nghị để giải thích. Vì điều 33 không rõ sẽ mâu thuẫn với điều 29. Còn luật sư của ca sĩ Mỹ Tâm căn cứ điều 33 để đòi quyền lợi là đúng nhưng nếu so với điều 29 thì lại thấy... luẩn quẩn".
Bà Dung khẳng định: "Một lần nữa chúng tôi khẳng định và chịu trách nhiệm khi có bất cứ sự tranh chấp nào đối với những bài hát do chúng tôi cung cấp trong hợp đồng. Nếu chúng tôi cung cấp sai bài hát và nhà sản xuất, cũng như các vấn đề về hợp tác thì chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm và ra hầu tòa".
Buổi toạ đàm đã vỡ ra khá nhiều vấn đề với nhiều ý kiến tranh luận, tiếc rằng ca sĩ Mỹ Tâm không tham gia vì không nhận được thư mời.
Bài: Thanh Chung - Ảnh: Ngọc Mai - nguồn VietNamNet