10 đơn vị đã trả tiền. Chỉ riêng ca khúc Nhớ do công ty Biển Xanh khai thác, Mỹ Tâm đã được trả khoảng 99 triệu đồng.
Trên số báo ra ngày 16-10, Pháp Luật TP.HCM có bài “Ca sĩ Mỹ Tâm kiện nhạc chuông “xài” tiếng ca sĩ”.
Bài viết đề cập đến việc Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Mỹ Tâm đã gửi văn bản đến Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) và một số công ty dịch vụ viễn thông,
mạng điện thoại di động thông báo việc “thanh toán thù lao quyền liên quan” (tức quyền của người biểu diễn trong các bản ghi âm, ghi hình - gọi tắt là quyền của người biểu diễn). Bởi theo Mỹ Tâm, nhiều đơn vị đã xâm phạm quyền người biểu diễn của cô trong các dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ và một số dịch vụ khác để kinh doanh thương mại.
Một ca khúc trị giá gần 100 triệu đồng
Sau khi nhận được công văn của công ty Mỹ Tâm, các công ty dịch vụ viễn thông, mạng điện thoại di động đã gửi văn bản đến các đối tác cung cấp nhạc chuông, nhạc chờ yêu cầu bồi thường. Đặc biệt, Công ty Viễn thông Viettel còn đưa ra mức giá bồi thường cho các đối tác của Viettel với công ty Mỹ Tâm. Mức giá Viettel đưa ra là: 1.000 đồng/lượt tải với những ca khúc độc quyền do Mỹ Tâm sáng tác và biểu diễn, 500 đồng/lượt tải với những ca khúc Mỹ Tâm biểu diễn. Công ty Mỹ Tâm cũng căn cứ vào văn bản của Viettel đòi mức mồi thường với các đơn vị khác.
Chiều 18-11, luật sư Lê Quang Vy, đại diện cho ca sĩ Mỹ Tâm khẳng định công ty Mỹ Tâm đã nhận bồi thường của mười trong tổng số 11 đơn vị cung cấp nhạc chuông, nhạc chờ cho các công ty dịch vụ viễn thông, mạng điện thoại di động. Tất cả các đơn vị đều chịu bồi thường theo bảng giá công ty Viettel đưa ra. Ca khúc Nhớ do ca sĩ Mỹ Tâm sáng tác, biểu diễn; Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông Biển Xanh (một trong 11 đối tác cung cấp nhạc chuông, nhạc chờ) đã khai thác được gần 99.000 lượt tải. Với giá 1.000 đồng/lượt tải thì chỉ riêng ca khúc Nhớ do công ty Biển Xanh khai thác, Mỹ Tâm đã được trả khoảng 99 triệu đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phía công ty Mỹ Tâm vẫn chưa công bố tổng số tiền được bồi thường cho quyền của người biểu diễn. Ca sĩ Mỹ Tâm khẳng định với Pháp Luật TP.HCM sẽ dành toàn bộ số tiền được bồi hoàn góp vào quỹ từ thiện “Nâng bước ngày mai” do công ty Mỹ Tâm sáng lập.
Thiếu hiệp hội quyền của người biểu diễn
Có thể nói, Mỹ Tâm là ca sĩ đầu tiên đòi được quyền của người biểu diễn đối với các dịch vụ cung cấp nhạc chuông, nhạc chờ. Sau Mỹ Tâm, có thể nhiều ca sĩ khác sẽ “đâm đơn kiện” các nhà cung cấp dịch vụ này cũng như các nơi sử dụng bản ghi âm, ghi hình có tiếng ca sĩ.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, sở hữu trí tuệ gồm hai quyền: quyền tác giả và quyền liên quan (gồm quyền của đơn vị sản xuất thu âm, ghi hình và quyền của người biểu diễn). Thực tế ở các quốc gia phát triển, quyền tác giả và quyền liên quan đều có những tổ chức tập thể đứng ra đại diện cho người (hoặc tổ chức) sở hữu thu phí bản quyền. Ở Việt Nam hiện nay, với lĩnh vực bản quyền tác giả âm nhạc đã có Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC); quyền của đơn vị sản xuất thu âm, ghi hình đã có Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV). Thế nhưng vẫn thiếu một tổ chức tập thể đại diện cho quyền của người biểu diễn. Vì vậy, vẫn còn nhiều nhầm lẫn và nhập nhằng giữa quyền của đơn vị sản xuất bản ghi và quyền người biểu diễn.
“Đây có lẽ là kinh nghiệm thực tế nhất cho các công ty khi ký hợp đồng khai thác bản ghi với các tổ chức, hiệp hội bản quyền. Các công ty cần nắm rõ xem ca sĩ có ủy thác quyền người biểu diễn của mình cho các tổ chức, hiệp hội này không” - luật sư Vy khuyến cáo.
Theo phapluattp.vn