Lễ trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê "Sơn La"
Trong khuôn khổ Ngày hội cà phê Mai Sơn 2017, tối ngày 27/10/2017, tại huyện Mai Sơn, Sơn La, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với UBND tỉnh Sơn La công bố chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê của Tỉnh.
Tham dự Lễ công bố có đồng chí Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh Sơn La; đại diện của Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đại diện Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam. Đồng chí Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tham dự và trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho địa phương.
Chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý số 00056 ngày 05/7/2017. Đây là sản phẩm thứ 3 của tỉnh sau chè Shan Tuyết Mộc Châu và xoài tròn Yên Châu được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đưa Sơn Là trở thành một trong những địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất cả nước.
Phát biểu tại Lễ công bố, đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, sản phẩm cà phê Sơn La được công nhận chỉ dẫn địa lý là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một sản phẩm đặc sản của tỉnh, là cơ sở giúp doanh nghiệp, người dân bảo vệ và phát triển những giá trị về chất lượng, nguồn gốc, góp phần nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường cho sản phẩm cà phê đặc sản của tỉnh Sơn La. Tuy vậy, đây chỉ là bước khởi đầu, vì vậy hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La cần được quan tâm đẩy mạnh và tập trung hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xem xét để có những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn lực để quản lý các chỉ dẫn địa lý nói chung và chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La nói riêng một cách hiệu quả nhằm phát huy được hết giá trị của chỉ dẫn địa lý.
Thay mặt tỉnh Sơn La, đồng chí Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch UBND Tỉnh, cho biết: sau 20 năm đầu tư phát triển cây cà phê, mặc dù trải qua những ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, sương muối, biến động của thị trường, nhưng với sự quyết tâm của Tỉnh, nỗ lực của các ngành chức năng và người dân, vùng cà phê của Tỉnh đã phát triển thành vùng khá tập trung. Cây cà phê đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, một bộ phận người dân trồng cà phê không những xoá được đói, giảm được nghèo, mà còn vươn lên giàu có, nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/hộ/năm. Định hướng phát triển cây cà phê Sơn La đến 2020 là tiếp tục tập trung điều chỉnh theo hướng đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, mở rộng quy mô diện tích một cách hợp lý, đảm bảo sự phát triển bền vững vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến; xây dựng xuất xứ nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cà phê “Sơn La” có lịch sử nguồn gốc từ năm 1945, khi người dân địa phương xin về trồng tại vườn nhà, sau đó được chuyển lên trồng ở các sườn đồi. Trải qua hơn 70 năm hình thành, phát triển đến nay cà phê Sơn La trở thành một đặc sản của Sơn La và từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường. Cà phê “Sơn La” được sản xuất từ giống cà phê Arabica, bao gồm các sản phẩm là cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Nước cà phê “Sơn La” khi pha có nàu nâu cánh gián, trong và có vị chua thanh, đắng nhẹ, hậu vị lâu. Vị ngọt và hương trái cây cũng tạo nên đặc trưng của cà phê “Sơn La” được nhiều người tiêu dùng biết đến. Có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với giống cà phê Arabica, đặc biệt là kinh nghiệm trồng trọt gắn với phong tục tập quán văn hóa sản xuất của người dân địa phương. Chính vì vây, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý Sơn La” cho sản phẩm cà phê của tỉnh sẽ tạo cơ hội phát triển bền vững sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập nhiều thị trường trong nước và khu vực.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, tính đến tháng 9 năm 2017, diện tích cà phê Arabica toàn tỉnh đạt 12.696 ha, với sản lượng khoảng trên 10.000 tấn, đứng thứ 2 trong các địa phương trồng cà phê Arabica (cà phê chè) của Việt Nam. Trên 90% tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh tập trung tại thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu. Sản phẩm cà phê nhân của Sơn La đã được xuất khẩu đến Mỹ, EU, Nhật Bản và một số nước khác.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN