Khi kết thúc thanh tra, cần tiến hành những công việc gì?
Trả lời : Giai đoạn kết thúc thanh tra xử lý vi phạm (nếu có): Căn cứ kết quả thanh tra tại chỗ và các tài liệu chính thức khác,
căn cứ kết quả tham vấn các cơ quan có trách nhiệm về chuyên môn, căn cứ kết quả phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý khác, Trưởng đoàn thanh tra cần chuẩn bị báo cáo kết quả thanh tra trình cho cấp đã ký quyết định thanh tra để làm căn cứ cho việc ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Báo cáo kết quả thanh tra: Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra là sản phẩm tập trung và quan trọng thể hiện kết quả làm việc của đoàn. Báo cáo cần kịp thời, trong thời hạn cho phép, cần ngắn gọn, nêu được hiện trạng chấp hành pháp luật của cơ sở được thanh tra. Nếu có vi phạm thì cần nêu mức độ, tình tiết và các biện pháp cơ sở đã áp dụng để khắc phục. Các kiến nghị, đề nghị và các biện pháp đoàn đã áp dụng. Kết luận sự vi phạm phải rõ ràng, dứt khoát, phân tích được nguyên nhân và hậu quả làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền ra các quyết định xử lý. Kết luận về sự vi phạm phải nêu trên cơ sở số liệu, tình trạng, không suy luận. Cần có sự nhất trí của cả đoàn khi kết luận hành vi vi phạm của cơ sở.
Quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp khác: Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra và các biên bản thanh tra, kiểm tra và biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, người có thẩm quyền ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc ra quyết định phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức, nội dung của một văn bản áp dụng pháp luật như đúng thẩm quyền, đủ các điều kiện cần và đủ của việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng đúng văn bản nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hoặc lĩnh vực thương mại, ghi đầy đủ các điều khoản về quyền và địa chỉ khiếu nại, thời gian có hiệu lực.
Kết thúc cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đoàn cần đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp và chống hàng hoá giả mạo. Thông qua kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tổng kết tình hình để nêu thành các vấn đề có tính chất nổi cộm, xuất hiện đại trà ở nhiều địa phương, nhiều cơ sở, hoặc hiện tượng xuất hiện lặp lại, nêu thành chuyên đề báo cáo đề xuất các biện pháp để cấp có thẩm quyền giải quyết (Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP).
thanhtra.most.gov.vn.