[Baohothuonghieu.com] - Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ dẫn địa lý thuộc quyền sở hữu của nhà nước, vì vậy, nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý thông qua các cơ quan chức năng như (Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và công nghệ (KHCN)…) hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (Luật SHTT, điều 121.4). Đó có thể là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơ icó vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hoặc Cơquan được UBND cấp tỉnh xác định và trao quyền quản lý.
Hiện nay, những quy định về chủ thể cũng như nội dung quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa cụ thể, vì vậy mặc dù đã có 15 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ[3]nhưng mỗi chỉ dẫn địa lý lại được quản lý theo một hướng khác nhau. Đánh giá hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam sẽ dựa trên thực trạng hoạt động của tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhân tố được coi là có tính chất quyết định đến sự thành công của việc quản lý chỉ dẫn địa lý.
Nhóm 1: Các chỉ dẫn địa lý chưa có tổ chức tập thể
Đối với một số chỉ dẫn địa lý chưa có tổ chức tập thể, việc quản lý chỉ dẫn địa lý hầu như chưa được thực hiện. Đối với các chỉ dẫn địa lý này, việc tiến hành các thủ tục yêu cầu đăng ký bảo hộ quyền SHCN do Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện như UBND tỉnh Đắk Lắk (cà phê Buôn Ma Thuột), Sở KHCN Phú Thọ (bưởi Đoan Hùng), Sở KHCN Lạng Sơn (hồi Lạng Sơn), Chi cục Tổng cục đo lường chất lượng tỉnh Bình Thuận (nước mắm Phan Thiết), Sở KHCN Nghệ An (cam Vinh), UBND tỉnh Thái Nguyên (chè Tân Cương), UBND tỉnh Bắc Giang (vải thiều Lục Ngạn), UBND tỉnh bạc Liêu (gạo Hồng dân). Điều này có nghĩa là cơ quan quản lý, lẽ ra phải thực hiện chức năng quản lý bên ngoài lại thực hiện trực tiếp hoạt động liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, chưa có hoạt động quản lý nhà nước theo đúng bản chất là quản lý từ bên ngoài đối với các chỉ dẫn địa lý này. Điều này đã dẫn đến rất nhiều hạn chế, cụ thể là:
- Các chỉ dẫn địa lý chưa xây dựng được quy trình chuẩn về sản xuất và kinh doanh do không có tổ chức tập thể những nhà sản xuất, kinh doanh của khu vực tham gia. Do vậy, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chưa được thực hiện theo một quy trình chuẩn chung, chưa có cơ chế đảm bảo chất lượng đồng đều cho sản phẩm.
- Chưa có cơ quan kiểm soát bên ngoài chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Cơ quan quản lý nhà nước vừa là chủ thể quản lý, kiểm soát chất lượng đồng thời thực hiện cả những hoạt động như tổ chức tập thể dẫn đến tình trạng không phân biệt hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm soát ngoại vi chất lượng sản phẩm.
- Chưa triển khai các hoạt động nhằm phát triển các kênh thương mại, các hoạt động quảng bá sản phẩm do đó, chưa tạo ra sự khác biệt về giá trị kinh tế của sản phẩm trước và sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng bạ.
- Chưa có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chỉ dẫn địa lý nên các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm chưa nhận thức rõ vai trò của chỉ dẫn địa lý trong việc phát triển nâng cao giá trị cho sản phẩm.
- Chưa có chỉ dẫn địa lý nào triển khai hoạt động cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, do đó, mặc dù đã được đăng ký bảo hộ nhưng trên thực tế, về mặt pháp lý, chưa nhà sản xuất nào được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Nhóm 2: Đã thành lập tổ chức tập thể nhưng tổ chức này chưa thực sự tham gia vào quá trình quản lý chỉ dẫn địa lý. Đó là trường hợp của Hiệp hội thanh long Bình Thuận và Hội nước mắm Phú Quốc.
Hiệp hội thanh long Bình Thuận được thành lập từ năm 2003 với mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh thanh long nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả,tăng thu nhập cho hội viên. Ngoài ra, Hiệp hội có trách nhiệm phối hợp với Ban Kiểm soát (do Sở KHCN tỉnh Bình Thuận thành lập) thực hiện việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thông thường mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý hợp lý cần phân bổ một cách cân đối vai trò, trách nhiệm của Cơ quan Kiểm soát và của Tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, từ đó, các hoạt động kiểm soát từ bên ngoài và trong nội bộ được tiến hành song song. Đối với chỉ dẫn địa lý Bình Thuận, Hiệp hội hầu như không hình thành cơ cấu kiểm soát nội bộ, không có các nhân viên kiểm soát quá trình trồng, thu hoạch thanh long của các hội viên. Như vậy, hoạt động kiểm tra nội bộ, giám sát hiện trạng sản xuất, kinh doanh lẽ ra phải được thực hiện bởi tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh chưa được thực hiện. Điều này dẫn tới hậu quả không xác định được số lượng thực tế thanh long được sản xuất và lưu thông ra thị trường, gây khó khăn cho quá trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây có thể coi là kết quả trực tiếp của cơ cấu tổ chức hệ thống kiểm soát chất lượng đơn giản, lỏng lẻo, chỉ tập trung vào Ban Kiểm soát mà UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng. Trên thực tế, hoạt động của Ban Kiểm soát chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận cũng bộc lộ nhiều sơ hở như việc trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (thể hiện bằng việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý và Giấy phép sử dụng chỉ dẫn địa lý) chỉ thực hiện thông qua đánh giá hồ sơ và xem xét hiện trạng sản xuất, lấy mẫu sản phẩm trong vòng 30 ngày mà không có các hoạt động kiểm soát thường xuyên như lập sổ theo dõi hiện trạng canh tác, thu hoạch thực tế của các hộ nông dân...Việc phát hiện sai phạm chủ yếu được thực hiện sau khi sản phẩm đã lưu thông trên thị trường.
Sự tham gia nhiều và sâu của các cơ quan chức năng Nhà nước, nhiều Bộ, Ban ngành trong việc kiểm soát chất lượng đối với nước mắm Phú Quốc làm cho hệ thống trở nên cồng kềnh, chồng chéo, chính vì vậy, hiệu quả thực tế vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, cũng giống như thanh long Bình Thuận, mô hình vẫn đặt nặng trách nhiệm của Ban Kiểm soát, tất cả các hoạt động kiểm soát hiện trạng sản xuất, chế biến, tình hình kinh doanh, vốn dĩ nên thuộc trách nhiệm kiểm soát nội bộ của Hiệp hội sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc, hiện nay đều do Ban Kiểm soát đảm nhiệm.
Như vậy, có thể thấy mặc dù Tổ chức tập thể của hai chỉ dẫn địa lý này được thành lập, tuy nhiên vai trò của họ khá mờ nhạt. Trên thực tế, hoạt động của hai tổ chức tập thể này bị hành chính hoá và chính trị hoá, chỉ dừng lại ở các quy định do các Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương ban hành, hoạt động quản lý bên ngoài và hoạt động quản lý bên trong bị lẫn lộn.
Nhóm 3:Tổ chức tập thể đóng vai trò nòng cốt, xuyên suốt quá trình xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý. Đó là trường hợp gạo tám xoan Hải Hậu và vải thiều Thanh Hà.
Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu được thành lập tháng 10/2005 với mục đích khôi phục lại các giống lúa tám truyền thống, có chất lượng cao dưới sự hộ trợ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp. Tiếp đó, Hiệp hội tiến hành nghiên cứu chất lượng đặc thù của gạo tám xoan, xác định điều kiện địa lý đặc trưng ảnh hưởng đến đặc thù chất lượng, từ đó, khoanh vùng khu vực địa lý. Hiệp hội cũng tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm bón, thu hoạch và quy trình công nghệ sau thu hoạch kết hợp áp dụng các kinh nghiệm truyền thống với kỹ thuật hiện đại. Hiệp hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế và tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng quy trình kỹ thuật chuẩn trong canh tác, chế biến gạo tám xoan Hải Hậu.
Sau khi xây dựng và vận hành ổn định hệ thống quản lý, Hiệp hội tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý Hải Hậu. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tập hợp những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ (437 hộ xã viên) tham gia vào thị trường với khối lượng sản phẩm lớn và ổn định (sản xuất 54 ha theo một quy trình, hộ nông dân sản xuất và thương mại cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận). Nhờ đó, gạo tám xoan Hải Hậu truyền thống đã được khôi phục và có chất lượng đồng nhất khi đưa ra thị trường. Đặc biệt, Hiệp hội đã chủ động tìm kiếm kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm thông qua các đại lý chính thức tại Hà Nội và một số thị trường khác. Điều này không chỉ giúp người sản xuất yên tâm về đầu ra cho sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được sản phẩm mang chỉ dẫn gạo tám xoan Hải Hậu.
Đối với Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải Thiều Thanh Hà, công việc đầu tiên của Hiệp hội là xây dựng quy trình kỹ thuật tập thể kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất truyền thống của nông dân và những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và tổ chức áp dụng quy chế giám sát chất lượng nội bộ từ sản xuất đến tiêu thụ. Năm 2006, với sự hỗ trợ của Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật Đức (GTZ), Hiệp hội đã tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao năng lực tổ chức và quản lí chất lượng ngành hàng và tiến hành các thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Sau khi chỉ dẫn địa lý Thanh Hà được bảo hộ, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm mở rộng vùng sản xuất, nâng cao sản lượng vải. Sản phẩm vải thiều mang chỉ dẫn địa lý đã được xuất khẩu chuyến đầu tiên sang CHLB Đức tháng 6/2007 mở đầu cho xuất khẩu lô hàng 20-25 tấn vải thiều sơ chế, đóng gói với giá cao hơn từ 30 đến 40% giá vải cùng loại đang bán trên thị trường trong nước. Năm 2007, một số công ty đã thu mua lượng vải thiều gấp 8 lần so với năm 2006, góp phần giải quyết khó khăn đầu ra cho vùng vải truyền thống nổi tiếng này.
Mặc dù hai sản phẩm vải thiều Thanh Hà và gạo tám xoan Hải Hậu có số lượng hạn chế vì vậy việc quản lý không quá khó khăn, tuy nhiên thành công bước đầu của các tổ chức tập thể này đã khẳng định vai trò không thể thiếu của tổ chức tập thể trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý.
Nguồn: Tổng hợp