Thương hiệu là tài sản rất đặc biệt, thậm chí đối với nhiều doanh nghiệp, nó là tài sản quan trọng nhất. Thương hiệu ảnh hưởng rất lớn đến quyết định lựa chọn của người tiêu dùng, nhân viên, nhà đầu tư và chính quyền. Vì vậy, khi thế giới đầy ắp sự lựa chọn, những ảnh hưởng của thương hiệu bỗng trở nên vô cùng quan trọng góp phần tạo nên thành công cho công ty cũng như giá trị cho các cổ đông. Ngay cả những tổ chức phi lợi nhuận cũng bắt đầu chăm chút cho thương hiệu của mình như một tài sản then chốt nhằm thu hút các nhà hảo tâm, từ thiện và tình nguyện viên.
Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam vừa được Brand Finance – công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới công bố.
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lơ là trong phát triển thương hiệu mà chỉ tập trung phát triển kinh doanh, sản phẩm, khách hàng. Các doanh nghiệp tuy vẫn xây dựng thương hiệu hàng ngày nhưng chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi xuất khẩu vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị của nước ngoài. Mặt khác, cũng có tình trạng doanh nghiệp mạnh tay chi tiền để xây dựng thương hiệu, nhưng lại không xác định được giá trị thương hiệu.
Ở Việt Nam, hiện việc định giá thương hiệu mới chỉ mang tính tự phát và các bên thỏa thuận thực hiện giao dịch mà không theo tiêu chuẩn quốc tế. Rõ ràng, khi doanh nghiệp còn lơ mơ về cách định giá thương hiệu thì thật khó có thể có một chiến lược phát triển thương hiệu bài bản.
Nguyên nhân của việc tự định giá thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế thì có nhiều. Tuy nhiên, những yêu tố cơ bản có thể kể đến như việc giao dịch về nhãn hiệu chưa nhiều, chưa phổ biến như trên thế giới. Hơn nữa, tại Việt Nam, các quy định pháp lý trong lĩnh vực này còn sơ khai, Bộ Tài chính cũng chưa đưa ra được những hướng dẫn cụ thể, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi góp vốn thương hiệu và không tính đến giá trị tương lai.
Theo xếp hạng của Brand Finance, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam với hơn 4,3 tỷ USD. Giá trị thương hiệu của Viettel tăng 20%, tức hơn 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Viettel dẫn đầu bảng xếp hạng, thuộc Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Tiếp đến là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trong khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Công ty cổ phần Vinhomes xếp vị trí thứ 4, xếp thứ 5 là Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn.
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance – Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương cho biết, các thương hiệu thuộc Top 10 đang tạo nên 68% giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu Việt Nam. Giá trị thương hiệu là một khía cạnh để tăng trưởng giá trị kinh doanh cho doanh nghiêp.
Lúng túng trong định giá thương hiệu nếu nhìn dưới góc độ cổ phần hóa DNNN hiện nay còn là một nguy cơ của tình trạng thất thoát mà thực tế đã chỉ ra. Khi nền kinh tế Việt Nam đã bước hẳn sang hoạt động theo quy luật thị trường thì đây là vấn đề buộc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải hiểu và chủ động với nó.
Nguồn:https://enternews.vn/