Lơ là việc tra cứu thông tin sáng chế (TTSC), nhiều doanh nghiệp lãng phí tiền bạc, công sức khi nghiên cứu sáng chế/giải pháp hữu ích mà người khác đã làm. Đây là nguyên nhân khiến 26% số đơn đăng ký của chủ đơn Việt Nam bị rút bỏ trong giai đoạn thẩm định nội dung.
Đó là tiết lộ của ông Lê Huy Anh - Trưởng phòng Sáng chế số 2, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Kỹ năng tra cứu còn yếu
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kỹ năng tra cứu TTSC của các doanh nghiệp Việt Nam?
Luật định yêu cầu TTSC phải được công bố công khai, bộc lộ đầy đủ sáng chế để chuyên gia trong lĩnh vực có thể căn cứ vào đó thực hiện sáng chế với kết quả như trong bản mô tả. Do đó, đây là nguồn thông tin KH&CN vô cùng quan trọng và tra cứu, khai thác nó là kỹ năng không thể thiếu với người làm nghiên cứu và phát triển (R&D). Để tra cứu hiệu quả, phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh kỹ thuật tốt, bởi phần lớn TTSC trên thế giới được thể hiện bằng ngôn ngữ này.
Kỹ năng tra cứu, khai thác TTSC của người làm R&D trong các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao. Những năm gần đây, Cục SHTT đã tích cực đào tạo kỹ năng này cho nhiều đối tượng bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao ý thức, kiến thức và kỹ năng tra cứu TTSC của công chúng. Cục cũng chia sẻ tư liệu sáng chế của Việt Nam với Tổ chức SHTT thế giới để tích hợp vào công cụ tra cứu tư liệu sáng chế Đông Nam Á (ASEAN Patent Scope) nhằm cung cấp thêm một công cụ tra cứu mới trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp hiểu biết hạn chế về TTSC có thể gặp những rủi ro gì, thưa ông?
Thứ nhất, doanh nghiệp có nguy cơ xâm phạm một cách vô thức độc quyền sáng chế của người khác đã được xác lập ở Việt Nam. Thực tế, trong một số trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm độc quyền sáng chế bởi không tra cứu xem giải pháp kỹ thuật mà mình áp dụng có được bảo hộ ở Việt Nam, có thuộc phạm vi quyền SHTT của người khác đã xác lập ở Việt Nam hay không; nói cách khác là có thuộc phạm vi tài sản trí tuệ của người khác đã được xác lập ở Việt Nam hay không.
Thứ hai, doanh nghiệp sẽ tốn chi phí, công sức, thời gian để có kiến thức kỹ thuật, thông tin kỹ thuật, thông tin KH&CN đã được mô tả trong TTSC. Với những giải pháp kỹ thuật như vậy, sau khi tra cứu và thấy chúng không được bảo hộ ở Việt Nam, doanh nghiệp có thể tự do áp dụng ở Việt Nam và thậm chí xuất khẩu đến những nước mà giải pháp đó không được bảo hộ.
Nhiều nguồn tra cứu thông tin
Ông có thể đưa ra ví dụ về sự thiệt hại của doanh nghiệp do không tra cứu?
Thanh tra Bộ KH&CN đã phải giải quyết một số ca tranh chấp liên quan đến sáng chế trong lĩnh vực dược giữa doanh nghiệp trong nước và chủ bằng độc quyền sáng chế nước ngoài. Đó là do doanh nghiệp không tra cứu tình trạng bảo hộ ở Việt Nam trước khi sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, khoảng 26,1% số đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam bị rút bỏ trong giai đoạn thẩm định nội dung, một phần do người nộp đơn chưa chú trọng việc tra cứu trước khi tạo lập và phát triển sáng chế.
Ông có lời khuyên nào về việc tra cứu TTSC từ các cơ sở dữ liệu trên mạng?
Mỗi cơ sở dữ liệu đều có phạm vi dữ liệu, tính năng, ưu - nhược điểm riêng, người tra cứu chọn theo nhu cầu và lĩnh vực kỹ thuật của mình. Để tra cứu hiệu quả, cần nắm vững tính năng, cấu trúc, ưu nhược điểm của từng cơ sở dữ liệu và các hệ thống phân loại sáng chế. Ví dụ: Nếu xác định một sáng chế đã đăng ký ở Mỹ nhưng không được đăng ký ở Việt Nam, thì việc sử dụng nó ở Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp.
Thời gian để đăng ký sáng chế ở Việt Nam là bao lâu; các thủ tục và chi phí cho việc này thế nào, thưa ông?
Theo quy định, thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích là không quá 18 tháng kể từ ngày nộp yêu cầu thẩm định nội dung hoặc công bố đơn. Tuy nhiên, thời gian thực tế có thể lâu hơn do việc tuân thủ thời hạn thẩm định của Cục SHTT còn bất cập. Cục đang thực hiện nhiều giải pháp khắc phục. Thủ tục đăng ký sáng chế ở Việt Nam về cơ bản là tương đồng với thế giới. Khâu phức tạp nhất là soạn thảo bản mô tả sao cho bộc lộ sáng chế một cách đầy đủ và rõ ràng. Đây là khâu mà các chủ đơn Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Chi phí đăng ký sáng chế ở Việt Nam phụ thuộc nhiều thông số như số trang của bản mô tả, số điểm yêu cầu bảo hộ độc lập... Đối với sáng chế không quá phức tạp, mức phí, lệ phí nộp cho Cục SHTT từ khi nộp đơn đến khi cấp văn bằng bảo hộ thường ở mức vài triệu đồng.
Xin cảm ơn ông!
Hiện mọi người có thể tra cứu TTSC miễn phí trên nhiều cơ sở dữ liệu về đơn và bằng độc quyền sáng chế trên Internet, chẳng hạn cơ sở dữ liệu Patent Scope (https://patentscope.wipo.int/search/en/structuredSearch.jsf) của Tổ chức SHTT thế giới, cơ sở dữ liệu https://worldwide.espacenet.com của Cơ quan Sáng chế châu Âu, thư viện số về bằng sáng chế Việt Nam (http://digipat.noip.gov.vn) và thư viện số về sở hữu công nghiệp (http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WLogin.php) của Cục SHTT.
theo khoahocphattrien.vn
»