
Điều kiện hành nghề Luật sư Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Hiện tại, trong Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và Luật Luật sư, khái niệm Luật sư sở hữu trí tuệ chưa được đề cập tới, tuy nhiên, căn cứ vào nội dung 2 luật nói trên, có thể đưa ra khái niệm về Luật sư sở hữu trí tuệ như sau:
Luật sư sở hữu trí tuệ trước hết phải là một luật sư theo quy định của Luật luật sư, để trở thành Luật sư tại Việt Nam, một cử nhân Luật phải trải qua một khóa đào tạo nghề luật sư, khóa đào tạo này sẽ kéo dài 1 năm.
Sau khi nhận chứng chỉ từ khóa đào tạo nghề luật sư, người tập sự hành nghề luật sư sẽ trải qua 1 năm thực tập tại các tổ chức hành nghề luật sư, là các công ty luật, các văn phòng luật sư, dưới sự hướng dẫn của các luật sư có kinh nghiệm hành nghề. Trong giai đoạn này, người tập sự hành nghề luật sư có thể định hướng cho mình mảng luật nào mà mình sẽ hành nghề trong tương lai, phù hợp với niềm đam mê và sở trường của mình. Ví dụ luật sở hữu trí tuệ, luật hình sự…
Sau khi thực tập trong thời gian 12 tháng, người thực tập hành nghề luật sư sẽ trải qua một kỳ thi quốc gia do Bộ Tư Pháp tổ chức, nếu vượt qua kỳ thi này, thực tập hành nghề luật sư sẽ trở thành luật sư chính thức và có chứng chỉ hành nghề.
– Người đó phải có bằng cử nhân ở bất kỳ ngành học nào, ví dụ như kỹ sư hóa dầu, cử nhân công nghệ thông tin…
– Người đó phải hành nghề tư vấn sở hữu trí tuệ trong một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp tối thiểu 5 năm.
– Nếu không hành nghề đủ 5 năm, người đó phải tốt nghiệp chuyên ngành đại học về sở hữu trí tuệ hoặc theo một khóa học về sở hữu trí tuệ, hoặc có luận văn tốt nghiệp đại học hoặc cao học về sở hữu trí tuệ.
Sau khi đã hội đủ các điều kiện trên, để chính thức trở thành đại diện sở hữu công nghiệp, người đó phải trải qua và đủ điểm đạt trong kỳ thi quốc gia về sở hữu trí tuệ, được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức, sau đó, người đó sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề người đại diện sở hữu công nghiệp và có thể hành nghề đại diện trong một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.
Như vậy là để trở thành Luật sư sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, một cá nhân phải có hai chứng chỉ hành nghề, đó là chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư Pháp cấp và chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học công nghệ cấp.
Có thể nói, Luật sư sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là những người phải theo học một quá trình rất dài và trải qua rất nhiều kỳ thi, sát hạch.
Vai trò của Luật sư sở hữu trí tuệ tại Việt Nam ngày nay rất quan trọng, họ là những người hiểu biết luật pháp nói chung và nghiệp vụ sở hữu trí tuệ nói riêng, vì vậy họ sẽ giúp cho các doanh nghiệp, cá nhân xác lập quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Luật sư sở hữu trí tuệ còn là cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân và các cơ quan công quyền, ví dụ như Cục sở hữu trí tuệ, tòa án, tạo thuận lợi cho việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền như sáng chế, nhãn hiệu, được xử lý nhanh chóng, hạn chế sai sót.
Vì vậy, một lời khuyên cho các doanh nghiệp khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình, đó là nên tìm đến các luật sư có uy tín trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, để được tư vấn và bảo hộ thỏa đáng tài sản sở hữu trí tuệ của mình.
» Thông báo về việc áp dụng quy định pháp luật về quốc tịch, địa chỉ và đại diện của cá nhân
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Baohothuonghieu.com