Chi phí phát sinh khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức cá nhân khác nhau”. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bển vững của doanh nghiệp với những lợi ích như (1) xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu; (2) bảo vệ nhãn hiệu khỏi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác; (3) tăng độ nhận diện nhãn hiệu với khách hàng; (4) khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được bảo hộ. Do đó, các cá nhân, tổ chức cần phải đăng ký nhãn hiệu để tránh bị các tổ chức, cá nhân khác sao chép, bắt chước nhãn hiệu.

Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu
Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một quy trình quan trọng giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp. Khi thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, người nộp đơn sẽ phải chi trả phí đăng ký nhãn hiệu cho Cục sở hữu trí tuệ, mỗi quá trình sẽ có một khoản phí riêng biệt. Dưới đây là các chi phí phát sinh khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cần lưu ý.

Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu

Đây là chi phí bắt buộc và quan trọng nhất khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Chi phí này được tính dựa trên số lượng nhóm hàng hóa hoặc dịch vụ mà Chủ đơn đăng ký bảo hộ. Chi phí này thường được tính theo mức phí cơ bản của cơ quan đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và có thể khác nhau tùy theo địa điểm đăng ký.

Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu
Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu

Căn cứ vào Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp; phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu được quy định như sau:

  • Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ/01 đơn đăng ký
  • Phí công bố đơn: 120.000VNĐ/01 đơn đăng ký
  • Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
  • Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ
  • Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
  • Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ

Căn cứ vào khoản 1 Điều 1 Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2023 Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, mức thu một số khoản phí, lệ phí được quy định như sau: “Đối với lệ phí sở hữu công nghiệp, mức thu bằng 50% mức thu quy định tại Mục A Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.”

Như vậy, theo quy định trên, lệ phí nộp đơn sẽ được giảm xuống còn 75.000VNĐ/ 01 đơn đăng ký và mức phí này sẽ được áp dụng tới ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Phí cấp Văn bằng bảo hộ

Sau khi quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu kết thúc, nếu nhãn hiệu đăng ký đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo về việc dự định cấp văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí. Lúc này, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn cần nộp các khoản phí, lệ phí như sau:

  • Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000VNĐ/ 01 đơn đăng ký
  • Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ cho nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ hai trở đi: 100.000VNĐ/ 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ
  • Phí đăng bạ: 120.000VNĐ/ 01 đơn đăng ký
  • Phí công bố: 120.000VNĐ/ 01 đơn đăng ký

Áp dụng mức phí giảm theo khoản 1 Điều 1 Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2023 Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thì lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ sẽ được giảm xuống còn 60.000VNĐ/ 01 đơn đăng ký, lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ cho nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ hai trở đi được giảm xuống còn 50.000VNĐ/ 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ và mức phí này sẽ được áp dụng tới ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Phí duy trì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực trong vòng 10 năm, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm và có thể được bảo hộ mãi mãi nếu Văn bằng bảo hộ được gia hạn đúng hạn. Phí duy trì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là khoản phí này phát sinh khi văn bằng bảo hộ hết hạn và chủ sở hữu cần gia hạn văn bằng. Khi gia hạn văn bằng chủ đơn cần trả một khoản phí theo quy định của cơ quan nhà nước. Khoản phí này có thể thay đổi tùy từng thời điểm.

Phí duy trì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Phí duy trì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
  • Lệ phí gia hạn hiệu lực: 100.000 VNĐ/01 nhóm sản phẩm/dịch vụ (Mức phí từ ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023 là 50.000 VNĐ/01 nhóm sản phẩm/dịch vụ)

- Lệ phí gia hạn hiệu lực muộn: 10% lệ phí gia hạn/mỗi tháng nộp muộn

- Phí thẩm định yêu cầu gia hạn: 160.000 VNĐ/01 Văn bằng bảo hộ

- Phí sử dụng VBBH: 700.000 VNĐ/ 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ

- Phí công bố Quyết định ghi nhận gia hạn: 120.000 VNĐ/ 01 đơn đăng ký

- Phí đăng bạ Quyết định gia hạn hiệu lực VBBH: 120.000 VNĐ/ 01 Văn bằng bảo hộ

Ngoài các khoản phí được Nhà nước quy định cụ thể nêu trên, chi phí tư vấn và xử lý hồ sơ đăng ký, gia hạn nhãn hiệu cũng là một khoản chi phí đáng nhắc tới. Trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không có kinh nghiệm hoặc đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này thì có thể ủy quyền cho một tổ chức đại diện nào đó làm đại diện cho mình thực hiện thủ tục đăng ký. Tùy vào từng Công ty cung cấp dịch vụ dẽ có mức giá khác nhau.

Một dịch vụ khác nằm ngoài phạm vi các thủ tục bắt buộc khi đăng ký nhãn hiệu đó là tra cứu nhãn hiệu. Đây là thủ tục không bắt buộc, nên tiến hành trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ lên Cục SHTT, giúp chủ sở hữu kiểm tra được nhãn hiệu dự định đăng ký có trùng hoặc có gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã đăng ký trước đó. Dù không bắt buộc nhưng để hạn chế khả năng bị từ chối đơn đăng ký thì chủ sở hữu nên tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký. Hoạt động tiến hành tra cứu nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu, từ đó thay đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp để nâng cao khả năng đăng ký bảo hộ thành công.

-           Đối với trường hợp tra cứu nhãn hiệu sơ bộ thì có thể tự tra cứu trên website của Cục sở hữu trí tuệ, tra cứu bằng phương pháp này sẽ không mất phí tuy nhiên khả năng tra cứu thường không cao.

-           Tra cứu nhãn hiệu chuyên sâu: khách hàng sẽ ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền Sở hữu trí tuệ làm việc với chuyên viên để tiến hành gửi hồ sơ tra cứu nhãn hiệu cho chuyên viên, chuyên viên sẽ trực tiếp tra cứu trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ. Hình thức tra này sẽ mất phí và tùy từng đơn vị cung cấp dịch vụ thì phí tra cứu này có thể khác nhau và do các bên tự thỏa thuận.

Tổng kết lại, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ có một số chi phí phát sinh, tuy nhiên, đây là một khoản đầu tư đáng giá để bảo vệ nhãn hiệu của chủ đơn và đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Nếu cần hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về chi phí phát sinh, hãy liên hệ với chúng tôi.

 

 

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan