SBLAW thông tin về chỉ dẫn địa lý Vân Đồn cho đặc sản Sá sùng.
Chương trình nghiệm thu dự án Chỉ dẫn địa lý Vân Đồn cho sản phẩm sá sùng vốn rất nổi tiếng ở địa danh này. Vào sáng 23/11, tại xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện dự án là Trường Cao đẳng Thủy sản (Bắc Ninh). Đại diện pháp lý dự án là ông Nguyễn Văn Việt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản. Cá nhân đăng ký chủ nhiệm dự án là TS. Thái Thanh Bình, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Trường Cao đẳng Thủy sản. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1 tỷ 460 triệu đồng từ ngân sách Trung ương.
Thuyết minh dự án quan trọng này, Chủ nhiệm dự án – TS.Thái Thanh Bình cho biết sá sùng là một loại hải sản thuộc ngành sá sùng, đôi khi còn được gọi là giun biển. Các tên gọi phổ biến cho các loại này là sá sùng, sa sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai hay địa sâm tại miền Nam.
Sá sùng là loại thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Sá sùng có thân tròn và dài từ 120-220mm, cá biệt có những cá thể dài tới 350mm, rộng từ 9-13mm, có màu hồng sáng, các cơ trên thân thắt lại đan chéo với cơ vòng trở thành hoa văn hình vuông, không có núm vú nổi lên.
Sá sùng ăn sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ trong nươc nên không cần phải cho ăn. Chúng thường sống ở vùng bãi triều, đáy cát pha bùn (đào lỗ sâu 40cm) nơi có nhiều sinh vật phù du, chất hữu cơ do thủy triều mang tới. Sá sùng sinh trưởng nhanh, sau 6-8 tháng đã đạt cỡ thương phẩm 10-12cm.
Ở Việt Nam thường gặp sá sùng ở vùng biển huyện Vân Đồn và thị xã Móng Cái (Quản Ninh); ở Nha Trang (Cửa Bé, Hòn Rùa…); Côn Đảo, Cần Giờ…
Theo quan niệm của đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, chỉ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí, sinh tân dịch. Sá sùng khô rất tốt cho sức khỏe, mùi vị thơm ngon, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng… Hiện nay, sá sùng được coi là món ăn đặc sản của người Trung Quốc.
Nguồn lợi sá sùng được phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sá sùng tươi có giá từ 200.000-220.000 đồng/kg và khô từ 800.000-1 triệu đồng/kg đối với sá sùng Nha Trang. Do các đặc điểm khác biệt của sá sùng Vân Đồn mà giá của sản phẩm này tại của địa phương đắt gấp nhiều lần nơi khác với giá bán từ 3,5 triệu-4 triệu đồng/kg khô. Chính vì có sự chênh lệch về giá mà hiện nay đã có hiện tượng pha trộn sá sùng nơi khác vào sá sùng Vân Đồn và hoạt động Chỉ dẫn địa lý sẽ giúp hạn chế tiêu cực cho loại đặc sản này.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh, năm 2010 toàn tỉnh có diện tích 3.500 ha có thể khai thác sá sùng, cho sản lượng khai thác 300 tấn tươi, tương đương 30 tấn khô; giá trị sản lượng tươi đạt 60 tỷ đồng và qua chế biến đạt 105 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, việc khai thác sá sùng giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên thành hộ giàu.
Mùa khai thác sá sùng từ tháng 3 đến tháng 7. Do đánh bắt quá mức nên số lượng loài vật này đã giảm đáng kể và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhận thức được vai trò quan trọng của sá sùng đóng góp vào nâng cao đời sống kinh tế người dân, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện dự án “bảo tồn và khai thác nguồn lợi bền vững sá sùng Minh Châu”.
Tuy nhiên, việc khai thác sá sùng Vân Đồn đứng trước khó khăn: Chưa có cơ sở khoa học về phân loại sá sùng Vân Đồn với các nơi khác; chưa biết rõ giá trị dinh dưỡng sá sùng Vân Đồn so với các địa phương khác; sản lượng giảm sút do khai thác quá mức; chưa có mô hình tổ chức khai thác tập thể; giá đắt nên có hiện tượng trà trộn.
Từ những khó khăn này, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sá sùng Vân Đồn là một việc cấp thiết và cấp bách. Kết quả của dự án là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm.
Là người trực tiếp thực hiện dự án chỉ dẫn địa lý Vân Đồn cho sá sùng, TS Thái Thanh Bình kỳ vọng, hoạt động chỉ dẫn địa lý sẽ giúp bảo vệ thương hiệu sá sùng Vân Đồn, nâng cao giá trị của sản phẩm đặc biệt này và từng bước cải thiện đời sống người khai thác.
Sau khi Chủ nhiệm dự án trình bày những kết quả đạt được khi xây dựng dự án với 7 nội dung chính: Điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu và đánh giá xác định vùng xây dựng chỉ dẫn địa lý; xây dựng cơ sở khoa học xác định vùng địa danh tương ứng với chỉ dẫn địa lý; xây dựng hồ sơ đăng ký; xây dựng các điều kiện để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống các phương tiện, điều kiện để quản lý, giới thiệu, quảng bá; xây dựng mô hình tổ chức tập thể; đánh giá, xác định thị trường tiêu thụ, Hội đồng phản biện nhất trí với báo cáo này và trên cơ sở đó, chỉ có góp ý giúp dự án hoàn thiện hơn về mặt giải thích câu từ chưa chính xác.
Chương trình nghiệm thu dự án kỳ vọng sau đó sẽ mở ra một hướng đi mới cho con sá sùng Vân Đồn. Tuy nhiên, Hội đồng phản biện dự án Chỉ dẫn địa lý Vân Đồn cho sá sùng khuyến nghị, cần đánh giá, phân tích kỹ hơn thành phần giá trị dinh dưỡng cho sản phẩm này, làm nổi bật khác biệt của nó so với các địa phương khác để khẳng định thương hiệu.
theo vietq.vn