(DĐDN) Nhãn mác và chỉ dẫn địa lý khác biệt ở chỗ một bên là tài sản DN, một bên là tài sản của cộng đồng. Trước vấn đề chỉ dẫn địa lý của hàng loạt Phú Quốc và Buôn Ma Thuột bị các Cty nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ, chúng ta cần bình tĩnh cân nhắc các khía cạnh của bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Nếu VN muốn ngăn chặn đăng ký nhãn hiệu bao gồm cả dấu hiệu địa lý cho các sản phẩm không phải của VN, cần nâng cao nhận thức về sự tồn tại của dấu hiệu nhận biết vùng địa lý của mình ở nước ngoài
Thông thường có hai cách để nâng cao giá trị gia tăng các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Cách thứ nhất là, tăng cường chế biến, với các sản phẩm phổ thông, là đóng gói để xuất khẩu sản phẩm cuối cùng đến tận người tiêu dùng trong và ngoài nước với số lượng lớn. Với loại chuỗi thương mại này, nhãn má#c thương mại (trade mark) của DN là yếu tố quan trọng để xây dựng thị trường.
Nhãn mác và chỉ dẫn địa lý
Một DN nông sản, thực phẩm chỉ thành công về xây dựng thương hiệu qua nhãn mác có bảo hộ của mình, khi có sản phẩm phân phối đến tận người tiêu dùng. Còn nếu chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu cho các DN chế biến quốc tế như phần lớn các Cty chè, cà phê, gạo, thủy sản... của VN hiện nay, thì việc xây dựng thương hiệu có nhãn mác bảo hộ đến người tiêu dùng là rất khó khăn, không khả thi.
Cách thứ hai là, chỉ dẫn địa lý (GIS), được định nghĩa trong điều 21 của WTO về thỏa thuận TRIPs (thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ) năm 1995, có thể tóm tắt là sự kết hợp giữa chất lượng, sự nổi tiếng, những đặc tính đặc trưng của sản phẩm gắn với vùng địa lý nào đó. Châu Âu đi đầu trong xây dựng các chuỗi ngành hàng riêng biệt có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, với sản phẩm đóng gói cho người tiêu dùng, có nhãn mác ghi tên địa phương sản xuất. Nhiều nước đã xây dựng logo quốc gia về chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Để sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý trên nhãn mác, nhà sản xuất phải tuân thủ điều kiện nhất định, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm đúng với yêu cầu bảo hộ, nhất là tính đặc trưng, nguồn gốc bản địa. Tên chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trở thành tài sản chung của cộng đồng, vùng, thậm chí quốc gia, là di sản văn hóa nếu sản phẩm đó gắn với các truyền thống văn hóa. Do đó, tất cả mọi nhà sản xuất, tuân thủ điều kiện sản xuất và phân phối của yêu cầu chỉ dẫn địa lý, đều có quyền đề nghị được sử dụng tên chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm của mình. Đây là điểm khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý: một bên là tài sản DN, một bên là tài sản của cộng đồng.
Liệu có thể mất chỉ dẫn địa lý của VN?
Trước vấn đề chỉ dẫn địa lý như Phú Quốc, Buôn Ma Thuột... bị các Cty nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ, chúng ta cần bình tĩnh cân nhắc các khía cạnh của chỉ dẫn địa lý.
Việc một DN đăng ký tên nhãn mác trùng với tên địa lý được bảo hộ đã diễn ra cả ở VN cũng như nước ngoài, và xử lý vấn đề này phức tạp, tùy hệ thống bảo hộ tại từng nước. Nhìn chung, hệ thống bảo hộ sử dụng chỉ dẫn địa lý và nhãn mác thương mại có quan hệ chặt chẽ, nhưng khác biệt.
Nếu giữa hai nước, ví dụ VN và Trung Quốc, có hiệp định công nhận bảo bộ chỉ dẫn địa lý lẫn nhau, như VN và Pháp đã làm, thì dù có nhãn mác thương mại đăng ký tên Buôn Ma Thuột, thì sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý VN vẫn có thể được lưu hành ở Trung Quốc dưới dạng sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Tất nhiên, lúc này người tiêu dùng sẽ bị lẫn lộn và sản phẩm chỉ dẫn địa lý thật sẽ thiệt thòi. Hiện nay, trừ Pháp, VN chưa xúc tiến các hiệp định song phương về công nhận hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của nhau và bảo hộ sản phẩm trên thị trường của nhau.
Trong hầu hết luật về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên thế giới và trong những thỏa thuận TRIPs của WTO, mà cả Trung Quốc và Việt Nam là thành viên, đã chỉ ra rằng việc đăng ký một nhãn hiệu bao gồm hay chứa đựng dấu hiệu địa lý đối với hàng hóa không có nguồn gốc tại nơi địa lý được nêu, sẽ bị từ chối hoặc không có hiệu lực, nếu việc sử dụng nhãn hiệu có thể làm cho công chúng hiểu sai về xuất xứ thực sự của hàng hóa.
Nguyên tắc quan trọng là người tiêu dùng sẽ không bị nhầm lẫn về xuất xứ của hàng hóa. Nếu luật của Trung Quốc, Hồng Kông tuân theo những nguyên tắc chung này, có nghĩa rằng, nhãn hiệu BuonMaThuot và PhuQuoc mà DN Trung Quốc đăng ký không thể được sử dụng đối với cà phê, nước mắm không phải xuất xứ và tuân thủ điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ VN.
Trong trường hợp này, người tiêu dùng Trung Quốc có thể hiểu nhầm về xuất xứ thực sự của sản phẩm. Việc sử dụng nhãn hiệu này cho cà phê, nước mắm không phải xuất xứ từ VN sẽ bị cấm. Sự ngăn cấm chỉ có thể được quyết định bởi tòa án Trung Quốc, vì không tòa án quốc tế nào có thẩm quyền đối với vấn đề này. Để chứng minh rằng người tiêu dùng hiểu sai, điều quan trọng là nâng cao nhận thức người tiêu dùng tại Trung Quốc là Buon Ma Thuot là một chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê VN.
Bên cạnh đó, nếu VN muốn ngăn chặn đăng ký nhãn hiệu bao gồm cả dấu hiệu địa lý cho các sản phẩm không phải của VN, cần nâng cao nhận thức về sự tồn tại của dấu hiệu nhận biết vùng địa lý của mình ở nước ngoài. Ví dụ, trao đổi ký các hiệp định công nhận lẫn nhau, vì hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý các nước rất khác nhau, hoặc thông báo chính thức cho cơ quan quản lý Trung Quốc, các nước khác về các chỉ dẫn địa lý VN. Khi có thể, VN nên bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mình, không chỉ đăng ký tại VN mà còn đăng ký tại những nước xuất khẩu chính (thông qua Luật Chỉ dẫn địa lý nếu có hoặc qua Luật nhãn hiệu thương mại). Cách khác là đẩy mạnh bảo hộ quốc tế về chỉ dẫn địa lý ngay tại các cuộc thương thảo đang diễn ra tại WTO.
Đơn cử với chỉ dẫn địa lý về cà phê, với thị trường Trung Quốc, thật sự cà phê có nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cũng chưa phân phối đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, mà chủ yếu dùng làm nguyên liệu cho các Cty quốc tế. Với Trung Quốc, nơi dùng nước chấm hơn nước mắm, liệu có phải là thị trường chiến lược của nước mắm Phú Quốc không? Do đó các DN, hiệp hội cần cân nhắc trước khi hành động.