Bảo hộ Chương trình máy tính như đối tượng độc lập của quyền Sở hữu trí tuệ
BẢO HỘ CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH NHƯ ĐỐI TƯỢNG ĐỘC LẬP CỦA QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Bài đã đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, ISSN 0866-7446, số 11 (295)/2012, tr. 33-42
Trần Văn Hải
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Dẫn nhập
Khoản 1 điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định: “Chương trình máy tính (CTMT) là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. CTMT được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”, đồng thời khoản 2 điều 59 Luật SHTT quy định loại trừ cấp bằng độc quyền sáng chế (patent) cho CTMT, như vậy pháp luật Việt Nam quy định chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT.
Nhưng có lẽ còn nhiều vấn đề phải bàn xung quanh quy định này. Bởi vậy, trên diễn đàn khoa học đã có nhiều quan điểm khác nhau về bảo hộ CTMT, có thể phân loại các quan điểm này theo các hướng:
1.1. Phân tích những bất cập của việc bảo hộ quyền tác giả đối với phần mềm máy tính (PMMT):
1.2. Cấp patent cho CTMT
Tiếp theo là các đề xuất cấp patent cho CTMT, có thể điểm:
1.3. Cần có quy định riêng để bảo hộ CTMT
Như vậy, điểm qua một số nghiên cứu có liên quan đến CTMT có thể đã nhận rõ đang tồn tại các quan điểm khác nhau. Một câu hỏi được đặt ra là: Bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT hoặc cấp patent cho CTMT? Hay nên coi CTMT là một đối tượng độc lập của quyền SHTT? Bài viết này sẽ trả lời câu hỏi vừa đặt ra.
2. Thống nhất thuật ngữ
Trong các tài liệu nghiên cứu về SHTT, thuật ngữ “phần mềm máy tính” (Software) và “chương trình máy tính” (Computer Program) được sử dụng không thống nhất, để thống nhất cách sử dụng thuật ngữ, chúng tôi xin trích dẫn các định nghĩa sau đây:
- Khoản 1 điều 2 Quyết định 128/2000/QĐ-TTg Về một số chính sách và biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển công nghiệp phần mềm định nghĩa: “Phần mềm được hiểu là chương trình, tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, nội dung thông tin số hóa”.
- Luật 10.5.1994 của Pháp định nghĩa: "Phần mềm máy tính là toàn bộ các chương trình được tiến hành và các quy tắc, có thể cả tư liệu liên quan đến việc vận hành của một tổng thể dữ liệu”.
Qua các định nghĩa trên, có thể thấy rằng khái niệm “phần mềm máy tính” có nội hàm rộng hơn khái niệm “chương trình máy tính”, phải nêu lên mục này là cần thiết, bởi vì tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, nội dung thông tin số hóa như quy định tại Quyết định 128/2000/QĐ-TTg thuộc PMMT nhưng lại không thuộc CTMT. Mà tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ… có thể coi là tác phẩm khoa học và đương nhiên được bảo hộ quyền tác giả.
Do đó trong bài viết này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ CTMT mà không dùng thuật ngữ PMMT cho phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 22 Luật SHTT. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Hiệp định TRIPS sử dụng thuật ngữ Computer Programs mà không sử dụng thuật ngữ Computer Software.
3. Các quy định quốc tế và nước ngoài về bảo hộ CTMT
3.1. Các quy định quốc tế về bảo hộ CTMT
WCT không định nghĩa CTMT, mà CTMT tại văn bản này được hiểu như tại Quy định mẫu của WIPO về bảo hộ CTMT.
Điểm đáng chú ý là, mặc dù Hiệp định TRIPS quy định như đã nêu tại khoản 1 điều 10, nhưng tại điều 27, TRIPS cũng không loại trừ việc cấp patent cho CTMT nếu nó là một giải pháp kỹ thuật đáp ứng tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Patent Coorporation Treaty - PCT) tại quy tắc 39/67 (vi) cho phép loại trừ CTMT được cấp patent.
Điều 52 Công ước châu Âu về sáng chế (European Patent Convention - EPC) loại trừ khả năng CTMT được cấp patent. Nhưng vào năm 1985, Văn phòng sáng chế châu Âu (European Patent Office - EPO) lại đề nghị loại bỏ hạn chế đã được nêu tại điều 52 EPC, nhiều tổ chức phần mềm miễn phí đã phản đối đề nghị này của EPO.
3.2. Các quy định nước ngoài về bảo hộ CTMT
Ấn Độ - một trong những quốc gia có nền công nghiệp phần mềm phát triển trên thế giới, đã ban hành đạo luật quyền tác giả 1957 (Copyrights Act, 1957), sửa đổi 1999 quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT, nhưng đạo luật bằng sáng chế 1970 (Patents Act, 1970) quy định có thể cấp patent cho CTMT khi nó được liên kết với một cấu trúc vật lý.
Như vậy, qua phân tích tại mục 3 cho thấy mặc dù pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia khác quy định bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT nhưng vẫn không loại trừ khả năng cấp patent cho CTMT.
Phần tiếp theo của bài viết, bằng cách so sánh giữa việc bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT và việc cấp patent cho CTMT, tác giả sẽ chỉ ra những bất cập và những lợi thế của hai cơ chế bảo hộ này, trên cơ sở đó đề xuất bảo hộ CTMT như đối tượng độc lập của quyền SHTT.
4. Bất cập của việc bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT
4.1. Vi phạm nguyên tắc tính nguyên gốc của tác phẩm
Mục này sẽ phân tích để thấy việc bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT đã vi phạm nguyên tắc tính nguyên gốc của tác phẩm.
Điều kiện tiên quyết để bảo hộ quyền tác giả đối với một tác phẩm là tính nguyên gốc của tác phẩm đó, có nghĩa là tác phẩm phải thể hiện là sự sáng tạo của tác giả, hay nói cách khác tác giả phải tự mình sáng tạo nên tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác.
Nhưng trong thực tế thì nhiều CTMT được phát triển trên cơ sở chương trình phần mềm nguồn mở. Mà chương trình phần mềm nguồn mở cho phép người khác quyền tự do sử dụng, quyền nghiên cứu và sửa đổi chương trình, quyền sao chép và tái phát hành phần mềm gốc hoặc phần mềm đã sửa đổi mà không phải trả phí bản quyền cho những người lập trình trước. Như vậy, CTMT được phát triển trên cơ sở chương trình phần mềm nguồn mở không đảm bảo tính nguyên gốc của tác phẩm.
Trong thực tiễn những phần mềm nguồn mở và ứng dụng thay thế hiện có tại Việt Nam, như: Hệ điều hành nguồn mở có Vietkey Linux, CMC Linux, Hacao Linux... (thay thế hệ điều hành Windows); Bộ ứng dụng văn phòng mở có Open Office (thay thế Microsoft Office); Ứng dụng thay thế khác có Unikey (thay Vietkey), 7-zip (thay Winzip), Mozilla FireFox và Mozilla FireFox ThunderBird (thay thế Internet Explorer và Outlook Express), Gimpshop (thay thế Photoshop), Gaim (thay thế Yahoo Massenger)... Các hệ điều hành nguồn mở, bộ ứng dụng văn phòng, ứng dụng thay thế vừa nêu được dựa trên hệ điều hành gốc, bởi vậy chúng không đảm bảo tính nguyên gốc, nhưng pháp luật quyền tác giả vẫn bảo hộ chúng như những tác phẩm văn học.
Nhưng nếu xem xét CTMT như một đối tượng của sáng chế thì không cần xét đến tính nguyên gốc của CTMT, mà trước hết CTMT phải là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định, bởi vậy câu hỏi quan trọng nhất là: CTMT có đáp ứng tiêu chí là giải pháp kỹ thuật không? Có ý kiến cho rằng CTMT là những thuật toán (algorithm - đối tượng loại trừ của sáng chế) nên nó không được bảo hộ như một sáng chế. Nhưng thuật toán chỉ đóng vai trò là ngôn ngữ lập trình để xây dựng nên CTMT, chứ CTMT không phải là tập hợp của những thuật toán thuần túy. Bởi vậy, có thể nói bất kỳ một CTMT nếu là giải pháp kỹ thuật, liên quan đến việc tạo ra một sản phẩm hoặc một quy trình mà đáp ứng đủ các tiêu chí tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp thì đều có thể được cấp patent.
Nhận định này có thể gây hiểu lầm vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 điều 22 Luật SHTT, nhưng tác giả muốn nhấn mạnh cụm từ “giải pháp kỹ thuật” và xin lưu ý nếu CTMT mà không phải là giải pháp thuật thì nó chỉ được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại khoản 1 điều 22 Luật SHTT.
Như vậy, mục này cho thấy việc cấp patent cho CTMT là hợp lý hơn so với việc bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT, nó có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của công nghiệp phần mềm.
4.2. Xâm phạm quyền nhân thân của tác giả CTMT
Khi bảo hộ CTMT như một tác phẩm văn học, đồng nghĩa với việc đã công nhận việc vi phạm pháp luật quyền tác giả là tất yếu, xin dẫn chứng: việc sửa đổi chương trình phần mềm nguồn mở (mà không cần sự cho phép của những người lập trình trước) đã vi phạm quyền nhân thân được quy định tại khoản 4 điều 19 Luật SHTT vì xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của người khác.
Trái ngược với khoản 4 điều 19 Luật SHTT, khoản 2 điều 122 Luật SHTT không coi người sử dụng CTMT (nếu được cấp patent) khi cải tiến CTMT là xâm phạm quyền nhân thân của những người lập trình trước (khoản 2 điều 122 Luật SHTT không quy định tác giả sáng chế có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của sáng chế).
Bởi vậy, nếu xem CTMT như một đối tượng của sáng chế thì người phát triển phần mềm nguồn mở thành CTMT mới không vi phạm khoản 4 điều 19 Luật SHTT.
4.3. Khó thực thi việc bảo hộ quyền tài sản đối với CTMT
Đối với quyền tài sản của CTMT, quyền sao chép là quyền quan trọng nhất trong nhóm quyền tài sản đối với việc bảo hộ một CTMT, nhưng khoản 10 điều 4 Luật SHTT lại quy định: Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử. Quy định này đã bộc lộ hạn chế nhất định, đó là nó ngăn cản người sử dụng máy tính làm một bản sao CTMT đề phòng sự cố kỹ thuật máy tính khi sử dụng bản gốc CTMT.
Do đặc tính số hóa, mà việc thực thi quyền tài sản đối với CTMT rất khó vì:
- CTMT dễ bị sao chép, hơn nữa khác biệt với bản sao tác phẩm mỹ thuật (có chất lượng thấp hơn so với bản gốc), bản sao CTMT có chất lượng ngang bằng với bản gốc CTMT, từ một bản sao CTMT người ta có thể tạo thành nhiều bản sao khác.
- CTMT dễ phổ biến: việc phổ biến CTMT có thể thực hiện từ cấu trúc hữu hình (như đĩa CD-ROM, USB…) hoặc cấu trúc vô hình (qua mạng interrnet) với tốc độ cao.
- CTMT dễ lưu trữ: do đặc tính vô hình của CTMT, việc lưu trữ nó là dễ dàng, trong nhiều trường hợp ngay cả chủ sở hữu của CTMT cũng khó có thể nhận ra chủ thể khác đang lưu trữ tài sản của mình.
Bởi vậy, có thể nói việc thực thi quyền tài sản đối với CTMT là rất khó khăn.
5. Lợi thế của việc bảo hộ quyền tác giả và bất cập của việc cấp patent cho CTMT thể hiện qua nguyên tắc bảo hộ
5.1. Lợi thế của việc bảo hộ quyền tác giả qua nguyên tắc bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng
Pháp luật quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm chứ không bảo hộ ý tưởng của tác phẩm. CTMT sẽ vô nghĩa khi bị đánh cắp ý tưởng, nhưng chủ sở hữu CTMT sẽ bị thiệt hại về kinh tế khi nó bị sao chép bất hợp pháp. Trong khi đó quyền tài sản quan trọng nhất đối với một tác phẩm là quyền sao chép tác phẩm, do đó bảo hộ CTMT theo quyền tác giả là cơ chế mạnh nhất nhằm ngăn cản sự sao chép bất hợp pháp CTMT.
Qua phân tích này, chúng ta thấy bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT là hợp lý.
5.2. Bất cập của việc cấp patent cho CTMT qua nguyên tắc bảo hộ nội dung của ý tưởng
Cũng cần phải nói thêm rằng phân tích ngược CTMT được cấp patent là một việc thừa, vô nghĩa. Bởi vì, điểm a, khoản 2 điều 102 Luật SHTT quy định khi một chủ thể nộp đơn yêu cầu cấp patent cho CTMT thì kèm theo đơn phải có bản mô tả sáng chế đáp ứng điều kiện: “Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó”. Những thông tin này được lưu giữ tại sổ đăng ký quốc gia. Tại Việt Nam, theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 19 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN: “Các sổ đăng ký quốc gia do Cục SHTT lập và lưu giữ dưới dạng giấy, điện tử hoặc các phương tiện khác. Bất kỳ người nào cũng có thể tra cứu sổ đăng ký điện tử hoặc yêu cầu Cục SHTT cấp bản sao hoặc bản trích lục sổ đăng ký, với điều kiện phải nộp phí cấp bản sao”. Đối với các sáng chế không được bảo hộ tại Việt Nam, có thể tra cứu các thông tin về chúng trên các website của WIPO hoặc của chính cơ quan sáng chế quốc gia – nơi bảo hộ sáng chế đó.
Khi phân tích nguyên tắc này, chúng ta cũng thấy bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT là hợp lý.
5.3. Bất cập của việc cấp patent cho CTMT qua nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Khi có đồng thời nhiều chủ thể cùng nghiên cứu và sáng tạo thành công một CTMT thì patent chỉ được cấp cho chủ thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ đầu tiên, CTMT bị coi là mất tính mới nếu chủ thể sáng tạo nên nó nộp đơn sau.
Tính mới là tiêu chí quan trọng nhất để một CTMT được cấp patent, nhưng việc xác định tính mới của CTMT trong thời đại công nghệ thông tin là một điều khó khăn, mỗi ngày trên thế giới có thể cho ra đời nhiều CTMT, bởi vậy có thể kéo dài thời gian hơn so với luật định để xét cấp patent cho một CTMT.
Một người độc lập nghiên cứu mà sáng tạo nên CTMT (đã được cấp patent cho người khác) sẽ không được công nhận là chủ sở hữu của CTMT do mình sáng tạo nên, bởi vì CTMT đã mất tính mới. Cơ chế cấp patent cho CTMT đã không cho phép một người làm chủ sở hữu thành quả sáng tạo của mình nếu có một người khác “nhanh chân” hơn đăng ký yêu cầu cấp patent cho CTMT.
Như vậy, qua phân tích tại mục 5, chúng ta thấy bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT là hợp lý. Nhưng việc bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT cũng bộc lộ những bất cập dưới đây.
6. Bất cập của việc cấp patent và bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT thể hiện qua thời hạn bảo hộ
6.1. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân của tác giả CTMT được quy định tại khoản 1, 2, 4 điều 19 Luật SHTT là vĩnh viễn. Như đã phân tích ở trên, quy định này là không cần thiết vì nó ngăn cản quyền của người sử dụng khi cải tiến, nâng cấp CTMT. Thực tế thì quy định này không được thực hiện đối với CTMT.
Quyền tài sản đối với CTMT được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả cộng với 50 năm kể từ thời điểm tác giả chết là quá dài đối với vòng đời của CTMT.
6.2. Thời hạn bảo hộ sáng chế
Hiệu lực của sáng chế bắt đầu kể từ thời điểm patent được cấp cho CTMT và kéo dài 20 năm kể từ thời điểm nộp đơn hợp lệ. Thời hạn bảo hộ này cũng được coi là quá dài đối với vòng đời của CTMT.
Qua phân tích về thời hạn bảo hộ quá dài đối với vòng đời của CTMT khi nó được bảo hộ quyền tác giả hoặc được cấp patent đều là không hợp lý.
Như vậy, việc bảo hộ quyền tác giả hay cấp patent cho CTMT đều thể hiện sự bất cập nhất định như đã phân tích. Khác với ý kiến của một số nhà nghiên cứu là nên cấp patent cho CTMT (như đã nêu tại mục 1.2.), chúng tôi cho rằng CTMT là khác biệt với tác phẩm văn học và cũng khác biệt với sáng chế, bởi vậy cần phân loại CTMT để có thể tìm cơ chế bảo hộ đối với mỗi loại CTMT khác nhau.
7. Giải pháp cho việc bảo hộ CTMT
7.1. Giải pháp trước mắt: phân loại CTMT để bảo hộ
7.1.1. Cấp patent cho CTMT
Tham khảo kinh nghiệm của hai quốc gia có nền công nghiệp phần mềm phát triển, có thể lấy ví dụ trường hợp của Ấn Độ và Hoa Kỳ. Đạo luật bằng sáng chế 1970 (Patents Act, 1970) của Ấn Độ quy định có thể cấp patent cho CTMT khi nó được kết hợp với một cấu trúc vật lý. Án lệ số 450 U.S. 175 (1981) của Hoa Kỳ công nhận phần mềm được liên kết với một cấu trúc vật lý thì có thể được cấp patent.
Nhưng trong thực tế, cơ quan Sáng chế Hoa Kỳ đã cấp patent cho CTMT khi nó không liên kết với một cấu trúc vật lý. Có thể dẫn chứng, ngày 05.06.2012 cơ quan Sáng chế Hoa Kỳ đã cấp:
Tại Việt Nam, mặc dù khoản 1 điều 22 Luật SHTT quy định như đã nêu, nhưng Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế do Cục SHTT ban hành cũng vận dụng việc cấp patent cho CTMT được gắn với một cấu trúc vật lý, có thể dẫn chứng:
- Patent số 4341 cấp ngày 26.07.2004 (số đơn 1-2000-01144 nộp ngày 14/04/1999, số đơn quốc tế là PCT/JP00/02229) có tên: “Thiết bị quản lý dữ liệu, phương pháp quản lý dữ liệu và vật ghi chương trình quản lý dữ liệu”.
- Patent số 9570 cấp ngày 27.09.2011 (số đơn 1-2008-1027 nộp ngày 28/09/2006, số đơn quốc tế là PCT/IB06/002693) có tên: “Thiết bị, phương pháp và vật ghi chương trình máy tính để yêu cầu tăng tốc độ dữ liệu dựa vào khả năng truyền thêm ít nhất một khối dữ liệu được chọn”.
Qua kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Ấn Độ và thực tế ở Việt Nam đã xem CTMT là giải pháp kỹ thuật ở dạng vật thể, khi nó liên kết với một cấu trúc vật lý. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã cấp patent cho CTMT khi nó không liên kết với bất kỳ một cấu trúc vật lý nào, hay nói cách khác patent có thể cấp cho CTMT ngay cả khi nó tồn tại ở dạng vô hình.
Bởi vậy, tác giả đề xuất có thể ban hành quy định bảo hộ sáng chế đối với ba loại CTMT sau:
1. Hệ điều hành (Operating System), bởi vì nó là một phần mềm cần thiết để người dùng quản lý hệ thống và chạy các phần mềm ứng dụng khác trên hệ thống. Nó không chỉ có nghĩa là "phần lõi" tương tác trực tiếp với phần cứng mà còn cả các thư viện cần thiết để các chương trình quản lý và điều chỉnh hệ thống.
2. Hệ thống nhúng (Embedded System), bởi vì nó là một hệ thống có khả năng tự trị được nhúng vào trong một môi trường hay một hệ thống mẹ. Đó là các hệ thống tích hợp cả phần cứng và phần mềm phục vụ các bài toán chuyên dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, tự động hóa điều khiển, quan trắc và truyền tin.
7.1.2. Bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT
Ban hành quy định bảo hộ quyền tác giả đối với Phần mềm ứng dụng (Application Software), bởi vì đâylà một loại chương trình có khả năng làm cho máy tính thực hiện trực tiếp một công việc nào đó theo yêu cầu của người dùng. Phần mềm ứng dụng không liên kết với phần cứng của máy tính.
7.2. Giải pháp lâu dài
Nên coi CTMT là đối tượng độc lập của quyền SHTT, bởi vì bảo hộ quyền tác giả cho CTMT hay cấp patent cho nó đều bộc lộ những bất cập như đã phân tích. Khi coi CTMT là đối tượng độc lập của quyền SHTT thì phải có quy định riêng để bảo hộ nó, quy định này không phải là bản sao các quy định của pháp luật quyền tác giả và pháp luật về sáng chế, nhưng nó phải loại bỏ được những bất hợp lý trong các mục như đã phân tích ở trên, trong đó nên có những quy định đáp ứng các điểm sau:
- Tách CTMT như một đối tượng độc lập được bảo hộ quyền SHTT. Thực tế cho thấy, do sự phát triển của khoa học và công nghệ, nên những năm gần đây mới xuất hiện thêm các đối tượng mới của quyền SHTT như chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… Bởi vậy, CTMT được xuất hiện như một đối tượng mới của quyền SHTT cũng là điều bình thường.
- Tham khảo điều 117 Luật quyền tác giả của Hoa Kỳ để sửa đổi khoản 10 điều 4 Luật SHTT quy định về sao chép, pháp luật phải cho phép người sử dụng CTMT được quyền lưu giữ bản sao CTMT đề phòng sự cố kỹ thuật của máy tính. Đề xuất này nên được coi là hiển nhiên, vì trên thế giới có nhiều nước đã ban hành quy định này, ví dụ điều 26g Luật quyền tác giả của Thụy Điển quy định: “Bất kỳ người nào có quyền sử dụng CTMT thì được quyền làm bản sao dự phòng của chương trình đó, nếu điều này là cần thiết cho mục đích sử dụng chương trình”.
Trên diễn đàn pháp luật quốc tế, Việt Nam nên đóng góp tiếng nói của mình vào việc yêu cầu phê chuẩn một văn bản pháp luật đa phương quy định các quốc gia phải tôn trọng quyền tài sản đối với CTMT do tổ chức hoặc cá nhân của một quốc gia khác làm chủ sở hữu.
*
* *
Trên đây là các phân tích và đề xuất bước đầu, tác giả biết rằng đây là vấn đề pháp lý phức tạp ngay cả đối với các quốc gia có nền công nghiệp phần mềm tiên tiến. Bởi vậy, vấn đề này nên tiếp tục được các nhà chuyên môn nghiên cứu sâu thêm.
Tác giả trân trọng và tiếp thu tất cả các ý kiến khác với quan điểm của bài viết này.,.
Trần Văn Hải
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội