Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "MÈO VẠC" cho sản phẩm mật ong bạc hà

SBLAW thông tin về bảo hộ chỉ dẫn địa lý "MÈO VẠC" cho sản phẩm mật ong bạc hà.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Ngày 01 tháng 3 năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00035 cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc nổi tiếng. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây nguồn mật được phân bố theo những vùng địa lý nhất định. Sở dĩ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có tên gọi là mật ong bạc hà do được sản xuất từ cây nguồn mật bạc hà dại có nguồn gốc duy nhất tại Cao nguyên đá Đồng Văn.

Các nước xuất khẩu mật ong lớn trên thế giới cũng không có loại mật ong bạc hà, ngoại trừ Trung Quốc – khu vực giáp ranh với cao nguyên đá Đồng Văn. Mật ong Mèo Vạc có nguồn gốc thực vật hoa bạc hà quý hiếm, không những có lợi cho sức khỏe mà còn có nhiều đặc tính biệt dược quý. Sản phẩm gắn liền với đời sống của người Mông và các hoạt động văn hóa du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn – công viên địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận.

Mật ong bạc hà Mèo Vạc có màu sắc từ vàng đỏ đến vàng chanh, không bị biến đổi màu theo thời gian. Vị ngọt mát và dịu, không khé. Sản phẩm tồn tại dưới dạng lỏng hoặc kết tinh nếu bảo quản lâu ngày. Tỷ lệ hạt phấn bạc hà trong mật ong Mèo Vạc là từ 0,338% đến 0,381% tương ứng với màu sắc từ vàng đỏ - vàng chanh nhạt đến vàng chanh - vàng chanh đậm.

Sản phẩm có các chỉ tiêu chất lượng như: hàm lượng nước dưới 21%, hàm lượng Fructoza dưới 65g/100g mật, hàm lượng Glucoza dưới 65g/100g mật, hàm lượng Sacoraza dưới 5mg/100g mật, hàm lượng HMF (Hydroxymethylfurfuran) 40-60mg/kg mật, hàm lượng chất không tan: dưới 0,1g/100g mật.

Mật ông Bạc Hà dạng dung dịch lỏng

Mật ông Bạc Hà dạng dung dịch lỏng

Mật ông Bạc Hà dạng kết tinh

Mật ông Bạc Hà dạng kết tinh

Khu vực địa lý là nơi có các điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nguồn mật bạc hà dại, bao gồm các xã Tả Lủng, xã Sủng Trà, xã Sủng Máng, xã Lũng Chinh, xã Lũng Pù, xã Cán Chu Phìn, xã Giàng Chu Phìn, thị trấn Mèo Vạc, xã Pả Vi, xã Thượng Phùng, xã Pải Lủng, xã Xín Cái, xã Sơn Vỹ thuộc huyện Mèo Vạc; xã Lũng Cú, xã Má Lé, xã Lũng Táo, xã Đồng Văn, xã Sà Phìn, xã Sủng Là, xã Phố Bảng, xã Phố Là, xã Phố Cáo, xã Lũng Thầu, xã Vần Chải, xã Thài Phìn Tủng, xã Tả Phìn, xã Tả Lủng, xã Sinh Lủng, xã Sảng Tủng, xã Lũng Phìn, xã Hồ Quáng Phìn, xã Sủng Trái thuộc huyện Đồng Văn; xã Hữu Vinh, xã Sủng Thài, xã Đường Thượng, xã Sủng Tráng, xã Lao Và Chải, xã Thắng Mố thuộc huyện Yên Minh; xã Tùng Vài, xã Thanh Vân, xã Tam Sơn, xã Cán Tỷ, xã Quyết Tiến, xã Đông Hà, xã Thái An, xã Lùng Tám, xã Quản Bạ thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đây là khu vực gắn liền với cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc rất lớn, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đá, thung lũng sông suối… Độ cao trung bình của khu vực địa lý từ 1.000m đến 1.600m, là nơi phân bố của cây nguồn mật bạc hà dại. Về thổ nhưỡng, khu vực này có loại đất núi đá, tầng mặt có kết cấu tơi xốp và thoát nước tốt, đất nghèo chất hữu cơ và ẩm, phù hợp với đặc điểm sinh vật học của cây nguồn mật bạc hà. Về khí hậu, nơi đây có lượng mưa từ tháng Năm đến tháng Mười từ 1200mm đến 1600mm thích hợp với thời gian sinh trưởng của cây nguồn mật bạc hà mọc từ tháng Bảy và bắt đầu ra hoa từ tháng Mười.

Những điều kiện tự nhiên nói trên đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nguồn mật bạc hà là yếu tố tiên quyết để có được sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc. Ngoài ra, do tính chất đặc thù của nghề nuôi ong tại Cao nguyên đá Đồng Văn có tính chất thời vụ, do đó Quy trình kỹ thuật nuôi ong lấy mật được xây dựng dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa các kiến thức bản địa nuôi ong tại Cao nguyên đá Đồng Văn và các kỹ thuật nuôi ong tiên tiến đang áp dụng tại Việt Nam cũng góp phần đảm bảo duy trì tính ổn định về chất lượng của sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc. Quy trình này có các quy định chính, khác với các quy trình nuôi ong khác như: chỉ sử dụng giống ong Nội (Apris ceranna), hay còn gọi là ong châu Á; các biện pháp phòng chống bệnh cho ong tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh và để đảm bảo tỷ lệ thủy phần đã được quy định, việc quay mật không dựa trên tần suất quay thông thường mà phải căn cứ vào độ vít nắp của cầu mật (từ 95%).

Với tính chất quý hiếm và đặc trưng nói trên cùng với việc gắn liền với vùng đất cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng, có thể nói mật ong bạc hà Mèo Vạc không chỉ là niềm tự hào của riêng tỉnh Hà Giang mà còn là một trong những sản phẩm chỉ dẫn địa lý tiêu biểu của Việt Nam.

 

Theo Phòng Chỉ dẫn địa lý cục sở hữu trí tuệ

 

» Dịch vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan