SBLAW thông tin về bảo hộ chỉ dẫn địa lý Luận Văn cho sản phẩm bưởi.
Ngày 18/12/2013 Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 3462/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00039 cho sản phẩm bưởi “Luận Văn” nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Thọ Xuân là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Bưởi Luận Văn là cây thân gỗ thuộc họ Rutaceae, họ phụ aurantioideae, tên khoa học Citrus grandis(L) Obeck hoặc Citrus Maxima có nguồn gốc từ thôn Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân. Đây là sản phẩm gắn liền với khu di tích lịch sử Lam Kinh. Năm 1418 – 1428, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, vua Lê Thái Tổ đã đóng quân tại đây và lấy tên làng Luận Văn đặt cho sản phẩm bưởi của làng. Từ đó, hàng năm người dân địa phương chọn bưởi Luận Văn làm sản phẩm tiến vua.
Bưởi Luận Văn rất được ưa chuộng trên thị trường, nhất là vào các dịp ngày rằm, mùng một và đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán do bưởi có màu đỏ và tỏa ra một mùi thơm rất đặc trưng không giống bất kỳ một loại bưởi nào khác.
Một đặc điểm nữa khiến cho bưởi Luận Văn được ưa chuộng đó là mặc dù bưởi chín từ khoảng tháng 9 – 10 âm lịch nhưng lại có thể neo trái trên cây đến dịp Tết Nguyên Đán nên người dân trồng bưởi thường để dành bán vào dịp Tết. Đây cũng chính là một đặc điểm riêng biệt của bưởi Luận Văn mà nhiều giống bưởi khác không có được.
Bưởi Luận Văn là giống bưởi quý, hình bầu dục, đỉnh quả lồi, đường kính quả từ 15cm đến 15,62 cm, chiều cao quả từ 15cm đến 15,82cm. Bưởi Luận Văn là khi nhỏ có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu đỏ rất đẹp mắt, có mùi thơm đặc trưng, cùi màu phớt hồng, múi quả khá đều, tép màu đỏ tươi có vị ngọt nhẹ, chua dịu. Ưu thế nổi bật của bưởi Luận Văn là màu sắc vỏ hấp dẫn, có mùi thơm, bảo quản được lâu, thời gian thu hoạch lại trùng vào đúng tết âm lịch nên nhu cầu tiêu thụ rất cao.
Bưởi Luận Văn có hàm lượng Brix từ 11,05 đến 15,40%, Vitamin C từ 43,52 đến 45,22mg/100g, đường tổng số 6,86 đến 9,63%, Axít hữu cơ từ 0,90 đến 1,34%, Caroten cao từ 2.532 – 2.582mg/100g mà không sản phẩm bưởi nào có được.
Hàm lượng Caroten là chỉ tiêu hóa học đặc thù của bưởi Luận Văn quyết định đến màu sắc vỏ, cùi và thịt quả, tạo nên đặc trưng của loại bưởi này. Bởi vậy, bưởi Luận Văn thường được người dân chọn để bày bàn thờ nhân dịp Tết vì theo tín ngưỡng của người Á Đông màu đỏ của bưởi Luận Văn mang lại sự may mắn và phát tài
Danh tiếng, tính chất và chất lượng đặc thù của bưởi Luận Văn là do điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây bưởi. Đất của vùng trồng bưởi Luận Văn được hình thành một cách rõ rệt trên sản phẩm phong hóa của các loại đá mẹ và mẫu chất tích tụ từ tác động của sông – biển: đá gabro, đá phiến, đá vôi, sản phẩm dốc tụ của các loại đá phiến - cát kết – gabro, phù sa cổ, phù sa mới... Bưởi Luận Văn được trồng trên 2 loại đất chính là đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất hoặc đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng, tầng đất mặt dày > 30 cm, tơi xốp và ẩm. Các chỉ tiêu nông hóa của đất như pHKCL trung bình 4,48, K2O trung bình 6,36 (mg/100g), P2O5 trung bình 7,42 (mg/100g), NTP trung bình 4,21 %.
Khu vực đăng ký chỉ dẫn địa lý: Xã Thọ Xuân, xã Xuân Bái thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Phòng Chỉ dẫn địa lý Cục Sở Hữu Trí Tuệ