Những điểm mới đột phá về phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68-NQ/TW

Tác giả: Bảo hộ thương hiệu 51 lượt xem Đăng ngày 17/05/2025
Những điểm mới đột phá về phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68-NQ/TW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW có phần trả lời phỏng vấn Người đưa tin về Những điểm mới đột phá về phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68-NQ/TW

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung này:

Câu 1: Theo ông, Nghị quyết 68 có những điểm mới gì so với các nghị quyết, chính sách trước đây về phát triển kinh tế tư nhân? (Nếu như Nghị quyết 10/2017 xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” thì Nghị quyết 68 nhấn mạnh kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế).

Trả lời: Nghị quyết 68 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước. So với Nghị quyết 10 năm 2017, vốn chỉ xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng”, thì Nghị quyết 68 đã nâng tầm khu vực này lên thành “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sự điều chỉnh về mặt định tính này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn hàm chứa thông điệp mạnh mẽ hơn về vai trò trung tâm, then chốt của khu vực tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia.

Ngoài ra, Nghị quyết 68 không dừng lại ở việc định hướng chung, mà còn nhấn mạnh đến việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, an toàn, minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và loại bỏ rào cản đang cản trở khu vực tư nhân phát triển. Đặc biệt, nghị quyết lần này có điểm mới đáng chú ý là đặt mục tiêu hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và phát triển kinh tế xanh trong khu vực tư nhân.

Như vậy, Nghị quyết 68 không chỉ là sự kế thừa tư duy từ Nghị quyết 10, mà còn là sự phát triển toàn diện cả về tầm nhìn, mục tiêu và giải pháp, thể hiện cam kết rõ ràng hơn trong việc tạo điều kiện thực chất cho kinh tế tư nhân vươn lên thành trụ cột của nền kinh tế.

 

Câu 2: Nghị quyết 68 nhấn mạnh rất cụ thể việc xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chấm dứt tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo. Theo ông, những yêu cầu đặt ra này đã “đúng” và “trúng” hay chưa, tác động của nó như thế nào tới sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh thanh tra, kiểm tra hàng năm luôn là vấn đề khiến các doanh nghiệp e ngại?

Trả lời: Những yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết 68 là hoàn toàn “đúng” về hướng đi và “trúng” vào điểm nghẽn thực tế mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt. Cơ chế “xin – cho”, vốn tồn tại dưới nhiều hình thức như cấp phép, phê duyệt, thẩm định… không chỉ tạo ra gánh nặng chi phí không chính thức mà còn làm phát sinh rủi ro pháp lý, khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động và dễ bị lạm quyền trong quá trình thực thi công vụ.

Việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm là một tư duy cải cách quản lý hiện đại, thể hiện niềm tin của Nhà nước vào tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời buộc các cơ quan quản lý phải nâng cao năng lực giám sát sau cấp phép thay vì can thiệp hành chính vào mọi quy trình đầu vào. Đây là cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm thiểu chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian triển khai dự án và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân.

Đặc biệt, yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo là một bước đi rất cụ thể để tháo gỡ nỗi lo thường trực của doanh nghiệp. Thực tế nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp phải tiếp đón cùng lúc nhiều đoàn thanh tra từ các cấp, các ngành, thậm chí cùng một nội dung nhưng bị kiểm tra nhiều lần, gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tâm lý e ngại, né tránh.

Nếu được thực thi nghiêm túc, các cải cách này sẽ có tác động tích cực rõ rệt: tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, giảm gánh nặng thủ tục và tăng niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô, hướng tới kinh doanh bền vững.

 

Câu 3: Nghị quyết 68 cũng nhấn việc ưu tiên áp dụng xử lý hành chính, dân sự và kinh tế thay vì hình sự, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.  Theo ông, quy định đột phá này có ý nghĩa như thế nào về cả mặt tâm lý và hành động để giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản “không dám nghĩ, không dám làm”?

Trả lời: Đây là một bước đột phá rất đáng ghi nhận, bởi nó không chỉ điều chỉnh cách tiếp cận pháp lý, mà còn tháo gỡ một trong những rào cản tâm lý lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp và đội ngũ quản lý: nỗi sợ bị hình sự hóa các rủi ro kinh doanh.

Trong thực tế, nhiều hành vi sai phạm trong lĩnh vực kinh tế không phát sinh từ động cơ vụ lợi cá nhân mà do hạn chế về năng lực, pháp lý chưa rõ ràng hoặc biến động thị trường. Việc ưu tiên xử lý hành chính, dân sự và kinh tế thay cho hình sự là cách tiếp cận nhân văn, cân bằng giữa bảo vệ pháp luật và khuyến khích tinh thần khởi sự, sáng tạo.

Về mặt tâm lý, chính sách này giúp doanh nghiệp cảm thấy an toàn hơn khi ra quyết định, đặc biệt trong bối cảnh pháp luật còn nhiều “khoảng xám”. Về mặt hành động, nó mở ra không gian để doanh nghiệp được sửa sai, được khắc phục hậu quả, thay vì ngay lập tức bị đối diện với các biện pháp hình sự có tính răn đe cao nhưng đôi khi gây “tê liệt” cả bộ máy sản xuất – kinh doanh.

Tư duy pháp lý chuyển từ trừng phạt sang hỗ trợ, từ ngăn chặn sang đồng hành, nếu được thể chế hóa và áp dụng nhất quán, sẽ góp phần khơi thông năng lượng đổi mới trong khu vực tư nhân – nơi vốn đang mang trọng trách trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

 

Câu 4: Trong xử lý vi phạm, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu phải bóc tách trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp, đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.

Ông có kỳ vọng định hướng này sẽ cởi trói cho bất cập lâu nay, là khi xử lý một cá nhân vi phạm có thể khiến hoạt động của doanh nghiệp đình trệ?

Trả lời: Định hướng này đã chạm đúng vào điểm nghẽn pháp lý và thực tiễn tồn tại lâu nay – đó là tình trạng đồng nhất trách nhiệm giữa cá nhân và pháp nhân, dẫn đến việc chỉ vì một hành vi vi phạm của người đại diện hoặc một cán bộ quản lý mà cả doanh nghiệp bị vạ lây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, uy tín trên thị trường và đời sống của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lao động.

Nghị Quyết 68 đã đưa ra một tư duy xử lý tiến bộ, tiếp cận đúng với nguyên tắc pháp lý hiện đại: pháp nhân có quyền lợi pháp lý độc lập với cá nhân. Việc bóc tách rõ ràng trách nhiệm cá nhân – doanh nghiệp không chỉ là yêu cầu về mặt kỹ thuật tố tụng mà còn là giải pháp thiết thực để giữ cho dòng chảy kinh tế không bị gián đoạn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tư nhân có vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng.

Đáng chú ý hơn, việc bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, xử lý dứt điểm các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng cũng là biện pháp khôi phục niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi một khi một vụ việc bị kéo dài, không rõ ràng, dù chưa có kết luận sai phạm, thì dư luận, nhà đầu tư, ngân hàng… đều dè dặt, khiến doanh nghiệp rơi vào thế “nửa sống nửa chết”.

Đây là một thông điệp mạnh mẽ từ phía chính phủ, thể hiện cam kết đồng hành, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, để họ yên tâm phát triển, đổi mới và đóng góp vào nền kinh tế mà không phải luôn mang tâm thế phòng thủ.

 

Câu 5:  Việc Nghị quyết 68 đưa ra mục tiêu, giải pháp bằng những con số rất cụ thể có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Trả lời:  Việc Nghị quyết 68 đưa ra các mục tiêu, giải pháp với các chỉ tiêu định lượng cụ thể như:

Tầm nhìn đến năm 2030 

Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

– Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

– Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 – 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 – 58% GDP, khoảng 35 – 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 – 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 – 9,5%/năm.

– Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045

“Kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Từ góc độ pháp lý, việc lượng hóa mục tiêu sẽ là cơ sở để các cơ quan lập pháp, hành pháp cụ thể hóa chính sách thành quy định pháp luật phù hợp, minh bạch hơn. Đồng thời, nó cũng là “thước đo trách nhiệm” trong giám sát thực thi chính sách, giúp người dân và doanh nghiệp có thể kỳ vọng và theo dõi hiệu quả của các cải cách một cách rõ ràng”.

Trước hết, Đảng ta xác lập một tầm nhìn dài hạn, bài bản về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, với các mục tiêu lượng hóa rõ ràng như: đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp, 20 doanh nghiệp/1000 dân, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khu vực tư nhân đóng góp 55–58% GDP, 35–40% tổng thu NSNN, tạo việc làm cho 84–85% tổng số lao động, v.v.

Những con số này không chỉ mang tính định hướng, mà còn đóng vai trò như “cam kết chính trị” mạnh mẽ của Đảng đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân – xem đây là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Về mặt pháp lý và quản trị, việc lượng hóa mục tiêu giúp việc giám sát, đánh giá kết quả thực thi chính sách trở nên khách quan và minh bạch hơn. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cụ thể hóa thành các chương trình hành động, luật pháp và chính sách phù hợp, thay vì dừng lại ở các tuyên bố mang tính chung chung.

Đặc biệt, khi đặt ra tầm nhìn đến năm 2045 với kỳ vọng có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% GDP, Nghị quyết 68 đã xác lập một lộ trình dài hơi để nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam, tạo áp lực cải cách thể chế mạnh mẽ và nhất quán hơn nữa.

Tóm lại, việc đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc chuyển hóa vai trò của kinh tế tư nhân từ một khu vực “khuyến khích phát triển” sang một trụ cột có tính chiến lược, được bảo vệ, thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển thực chất, hiệu quả.

 

Câu 6: Trong vai trò của một Luật sư, ông kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển của môi trường kinh doanh ở khu vực kinh tế tư nhân trong 5–10 năm tới dưới tác động của Nghị quyết 68?

Trả lời: Với vai trò là luật sư, tôi kỳ vọng rằng trong 5–10 năm tới, Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ tạo ra một môi trường pháp lý và thể chế minh bạch, ổn định hơn cho khu vực kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ niềm tin và năng lực phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Trước hết, các mục tiêu rất cụ thể mà Nghị quyết đặt ra cho thấy một cam kết chính trị mạnh mẽ và nhất quán từ phía Đảng và Nhà nước trong việc xem kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Từ góc độ hành nghề luật, tôi kỳ vọng sẽ có nhiều cải cách về thể chế nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, và tăng cường cơ chế bảo vệ pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuyển đổi số và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nền tảng để thu hút đầu tư dài hạn, tăng cường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, nếu đạt được các mục tiêu về năng suất lao động tăng bình quân 8,5–9,5%/năm, và thu hút, sử dụng hiệu quả lực lượng lao động tư nhân chiếm 84–85%, tôi tin rằng hệ sinh thái pháp lý và tư vấn cũng sẽ phát triển tương ứng, với sự gia tăng nhu cầu về tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư, hay bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Tóm lại, tôi tin rằng với định hướng rõ ràng, dài hạn của Nghị quyết 68 và nếu được triển khai đồng bộ, nhất quán, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam trong 5–10 năm tới sẽ vững vàng hơn về pháp lý, năng động hơn về đổi mới sáng tạo, và hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

    Gặp Luật Sư Sở Hữu Trí Tuệ Để Được Tư Vấn

    Bảo hộ Thương hiệu - Sáng chế Kiểu dáng - Nhượng quyền - Xử lý vi phạm

    Bài viết cùng chủ đề:

    Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mớ
    44 lượt xem 17/05/2025

    Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã được ra đời, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW với tư cách là một người hành nghề luật, đã có...

    Chống buôn lậu, hàng giả: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
    36 lượt xem 17/05/2025

    (Chinhphu.vn) – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng,...

    Đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
    42 lượt xem 17/05/2025

    Ngày 15/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 65/CĐ-TTg năm 2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công điện 65 CĐ TTg 2025 nêu rõ nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến...

    Giải pháp phát triển tài sản sở hữu trí tuệ trong Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân
    63 lượt xem 08/05/2025

    Vừa qua, Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết đó...

    Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
    101 lượt xem 07/05/2025

    Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANTV về những quy định trong  Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về...

    Những điểm cần lưu ý trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
    113 lượt xem 07/05/2025

    Nhận lời mời của kênh truyền hình ANTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW có phần trả lời phỏng vấn về những điểm cần lưu ý trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn: 1, Thưa Luật sư,...

    Chùm ảnh: Tăng cường hợp tác pháp luật sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Trung Quốc
    445 lượt xem 03/05/2025

    Tại SBLAW Hà Nội, luật sư Nguyễn Thanh Hà và các thành viên đã có buổi tiếp và làm việc cùng luật sư Lý quốc Triệu Bí thư chi bộ kiêm giám đốc điều hành Công ty luật Bắc Kinh Tianyuan (Nam Kinh). Luật sư Triệu còn là Tổng thư ký Liên minh Quỹ đầu tư...

    Quy định về hàng hóa lưỡng dụng trong dự thảo Nghị định về Kiểm soát Thương mại Chiến lược
    115 lượt xem 02/05/2025

    Chính phủ đang soạn thảo Nghị định về Kiểm soát Thương mại Chiến lược, luật sư Lý Trần Linh từ SBLAW có bài viết với chủ đề: Phân tích quy định về hàng hóa lưỡng dụng trong dự thảo Nghị định về Kiểm soát Thương mại Chiến lược . SBLAW trân trọng giới thiệu nội...

    Quy định mới trong Xử phạt Vi phạm Hành chính trong Thương mại và Bảo vệ Người Tiêu dùng
    166 lượt xem 12/03/2025

    Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, ban hành ngày 21 tháng 02 năm 2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này...

    Sổ tay hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu
    288 lượt xem 05/03/2025

    Sổ tay do Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh biên soạn nhằm hướng dẫn chi tiết quy trình đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp và tổ chức. Nội dung chính gồm: 1. Giới thiệu chung về nhãn hiệu • Khái niệm và phân loại nhãn hiệu (thông thường, tập thể,...

    Bộ Tờ khai trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp 2024
    166 lượt xem 28/10/2024

    [Baohothuonghieu.com] Ngày 23/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu...

    Thông báo giảm lệ phí Sở hữu công nghiệp 2024
    90 lượt xem 10/07/2024

    Ngày 2 tháng 7 năm 2024, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC, quy định về việc giảm lệ phí trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Động thái này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cá nhân, doanh nghiệp trong việc đăng ký và bảo vệ...

    Nghị quyết 57-NQ/TW: Cuộc đua Sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên đổi mới
    433 lượt xem 26/02/2024

    Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, đặt mục tiêu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Mặc dù Nghị quyết 57 không trực tiếp đề cập đến sở hữu...

    Tài liệu tập huấn về sở hữu trí tuệ
    103 lượt xem 11/01/2024

    Sản phẩm của dự án “Đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ” do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì thực hiện Đối tượng sử dụng: Dành cho cán bộ thuộc các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ Nội dung chính: Chuyên đề 1: Hệ thống pháp luật về thực...

    Thông báo về việc thực hiện Thông tư số 63/2023/TT- BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính
    57 lượt xem 09/01/2024

    Ngày 16 tháng 10 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, trường hợp...

    Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp mới nhất 2025
    80 lượt xem 28/02/2023

    [Baohothuonghieu.com] – Khi bước vào thị trường đầy cạnh tranh và đa dạng, việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trở thành một bước quan trọng giúp doanh nghiệp bảo vệ và quản lý chặt chẽ những giá trị sáng tạo của mình. Quá trình này không chỉ đảm bảo...

    0904.340.664