(Dân trí) - “Ba nhà nội trợ” xuất thân từ ba nhà giáo về hưu gồm cô Trương Thị Điệp, Huỳnh Kim Vạn và thầy Bùi Quang Hội (Hội cựu giáo chức Biên Hòa, Đồng Nai) vừa được tổ chức bằng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ (Patent and Trademark Office - gọi tắt là USPTO) cấp chứng nhận công trình nghiên cứu sáng chế “Nước tẩy rửa Magic không lần giặt, không lần rửa”.
(Minh họa: Ngọc Điệp)
Sử dụng loại nước này rất đơn giản, chỉ cần ngâm bát đĩa, xoong nồi với nước Magic trong khoảng 10 phút, sau cho nước sạch vào xả lại là có thể lau khô, xếp lên kệ (chạn).
Với quần áo hay các vật dụng khác cũng tương tự.
Đây có lẽ là một trong những tấm bằng sáng chế hiếm hoi của Việt Nam được USPTO công nhận nên thực sự là một tin đáng phấn khởi.
Thế nhưng trong cái “niềm hân hoan, tự hào” thì không khỏi chạnh lòng, một điều chạnh lòng không mới.
Đó là từ nhiều năm nay, dư luận và truyền thông luôn nhìn giới khoa học Việt Nam với niềm tin ngày càng… thất vọng!
Không thất vọng sao được khi mà theo VTV ngày18/11, bài “Bất cập giữa nghiên cứu và ứng dụng: Lãng phí lớn” cho biết, theo thống kê của Viện Thông tin khoa học, trong 15 năm, từ 1996-2011, Việt Nam mới có hơn 13.100 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế. Con số ấn phẩm khoa học công bố quốc tế của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 của Thái Lan (69.637), 1/6 của Malaysia (75.530) và 1/10 của Singapore (126.881).
"Trong khi đó mỗi năm, ngân sách Nhà nước dành khoảng 1.300 tỷ đồng chi cho các công trình nghiên cứu khoa học. Số tiền này hiện đang ở đâu?”. Bài báo đặt câu hỏi.
Gần đây, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: “Nhiều người nghiên cứu có kết quả nhưng không dám công bố, không dám đăng ký bảo hộ sáng chế. Bởi vì công bố là mất ngay, bị làm nhái ngay mà không ai có thể bảo vệ được”.
Đây có thể cũng là một lý do chính đáng.
Song nhìn lại vụ “tướng quân” Trần Quốc Hải chế tạo xe tăng cho Campuchia hay việc nhiều và rất nhiều những sáng chế tiện dụng hiện nay nằm trong tay những “anh hai lúa” hoặc “bà nội trợ” thì việc hàng chục ngàn nhà khoa học Việt Nam có năm không có bằng sáng chế nào là không thể chấp nhận.
Nhất là với câu hỏi 1.300 tỉ đồng chi cho các công trình nghiên cứu khoa học “ nằm ở đâu” đang chờ các cơ quan chức năng tìm câu trả lời cho người đóng thuế!
Không thể để tình trạng mỗi năm chi hàng ngàn tỉ để rồi chỉ đêm về những nghe kêu như chuông nhưng thực chất là vứt vào… kho bãi!
theo Bùi Hoàng Tám dantri.com.vn