Xu hướng nhượng quyền thương mại 2013
Nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh hứa hẹn có chiều hướng phát triển ấn tượng trong năm 2013. Không hẹn mà gặp, đây là năm mà hầu hết các tên tuổi nổi tiếng trên thế giới tham gia và mở rộng thị trường Việt Nam.
Burger King nhanh chóng mở rộng hệ thống sau hai năm xâm nhập thị trường, Starbucks chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên tại khuôn viên khách sạn New World - TP.Hồ Chí Minh, McDonald’s và Wendy’s,... đều khẳng định tham gia thị trường. Các thương hiệu khác như KFC, Lotteria, Trung Nguyên,... cũng đẩy mạnh việc nhân rộng hệ thống và cũng chọn năm 2013 để bắt đầu bùng nổ theo phương thức nhượng quyền thương mại.
Ông Harish Babla, Giám đốc điều hành của công ty Franchise Mind nhận định: ”Mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn nhiều thử thách, nhưng ngành nhượng quyền thương mại vẫn có một tương lai “màu hồng” tại thị trường Việt Nam. Ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Philippines, Indonedia,... khi kinh tế rơi vào khủng khoảng, cũng là lúc các nhà đầu tư cá nhân chọn cách thức đầu tư vào các thương hiệu nhượng quyền như là một kênh đầu tư “an tâm”. Thông thường đây là thời điểm lý tưởng cho các thương hiệu mới nổi và có vốn đầu tư không cao. Nếu thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực hơn, thì không nghi ngờ gì nữa, đây là năm cần tăng tốc thật nhanh của các công ty nhượng quyền”.
Tuy nhiên, xu hướng và chiến lược phát triển nhượng quyền thương mại đang thay đổi rất nhiều trên toàn thế giới và thị trường Việt Nam sẽ không là ngoại lệ. Sau đây là một số xu hướng quan trọng:
1. Chọn đối tác nhận nhượng quyền hàng loạt
Trong thị trường rất nhiều sự cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng hiện nay, nhiều thương hiệu thành công đang chọn phướng thức nhượng quyền hàng loạt để đẩy nhanh tốc độ nhân rộng thay vì nhượng quyền từng cửa hàng như trước đây. Các công ty này sẽ tìm và chọn những đối tác nhận nhượng quyền có sẵn tổ chức, địa điểm, có khả năng tài chính mạnh và đặc biệt là chia sẻ triết lý kinh doanh của họ để chuyển giao sự phát triển mạng lưới trong một khu vực nhất định.
Những công ty nhận nhượng quyền theo phương thức này được các nhà chuyên môn gọi là “Đối tác phát triển khu vực” (area developer) hay “Đối tác nhận nhượng quyền hàng loạt” (multi units franchisee). Ưu điểm của phương thức này là nhân rộng rất nhanh, nhưng nó tiềm ẩn một nguy cơ là mọi thứ có thể sai hướng nếu đối tác nhận nhượng quyền không thật sự hiểu cách thức vận hành và chia sẻ triết lý kinh doanh của thương hiệu.
Ông TK Lee - Giám đốc của Asia Franchise Network cho biết: “Điểm quan trọng nhất trong phương thức này là đối tác nhượng quyền cần có khả năng điều hành chuỗi một cách hợp lý để đảm bảo dự án có lãi, nếu họ làm được điều này thì đây sẽ là một “chiến lược tấn công” lớn cho tất cả các thương hiệu cạnh tranh”.
2. Phương thức nhượng quyền lại (refranchise)
Ngày càng nhiều các thương hiệu lớn tự phát triển xây dựng hệ thống cửa hàng trực thuộc của mình trong một thời gian nhất định rồi sau đó nhượng quyền lại cho các đối tác kinh doanh. Phương thức này được gọi là nhượng quyền Lại (refanchise) và sẽ trở nên phổ biến đối với các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam,…
Đặc điểm của phương thức này là các thương hiệu trong ngành bán lẻ, thức ăn nhanh hay cà phê mong muốn mở rộng và chiếm lĩnh nhanh chóng các địa điểm kinh doanh đắc địa hay một khu vực kinh doanh nhất định tạo ra khó khăn lớn cho sự gia nhập của đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên nhượng quyền lại một cơ sở kinh doanh hay một chuỗi cửa hàng luôn là một công việc phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao. Nếu chọn sai đối tác, nó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức vào uy tín thương hiệu đã dày công xây dựng. Trên thế giới, đây là phương thức nhượng quyền phổ biến của các thương hiệu như McDonald’s, Burger King, Starbuck’s, 7 Eleven.
Phương thức nhượng quyền này rất phù hợp ở các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… nơi được cho là “nguồn tài nguyên” về địa điểm kinh doanh thuận lợi có giới hạn và bị tranh giành gây gắt giữa các thương hiệu.
3. Thức ăn nhanh bổ dưỡng
Thức ăn nhanh vẫn được đánh giá là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất. Mặc dù vậy, các thương hiệu thức ăn nhanh cần có sự thay đổi sâu sắc về thực đơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến sức khỏe, quan tâm nhiều hơn về vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng thực phẩm. McDonald’s, Burger King cũng quyết định đã đến lúc phải thay đổi. Những ông khổng lồ này đã có những chuyển biến cơ bản, phát triển mạng lưới chậm lại, chú ý nhiều hơn về dịch vụ, làm sống lại thực đơn của chính mình, chú ý nhiều hơn về dinh dưỡng thực phẩm.
Đó là lý do tại sao, đi vào một cửa hàng McDonald’s hôm nay, bạn có thể thấy Burger nấm Angus theo kiểu Thụy Sĩ, gỏi cuốn BBQ Chipotle, sữa chua trái cây ParfaitN bên cạnh món Big Mac nổi tiếng của họ. Trên thực đơn của Burger King nhanh chóng xuất hiện các mới như xà-lách cao cấp, snack, nước trái cây,…
Gloria Cox, Giám đốc tập đoàn tư vấn Cambridge, một công ty chuyên tư vấn chiến lược cho McDonalds phát biểu rằng: “Mcdonald’s luôn có khả năng gây ra các cú sốc, khi họ thực hiện điều gì, người tiêu dùng luôn nghĩ, khi McDonalds đã làm điều đó thì mình nên thử. Thức ăn bổ dưỡng cũng sẽ là dấu ấn cạnh tranh của thương hiệu này trên toàn thế giới”.
4. Các thương hiệu nhượng quyền hứa hẹn tại Việt Nam 2013
Hơn bất cứ các thương hiệu cà phê được cho là đẳng cấp khác, Trung Nguyên vẫn là thương hiệu in sâu trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam. Phong cách uống cà phê của người Việt rất đậm đà và thật khác biệt các quốc gia khác trong khu vực, chính vì thế hương vị cà phê của Trung Nguyên luôn được người tiêu dùng ưu tiên. Sự cam kết và niềm đam mê mãnh liệt của doanh nghiệp này với thương hiệu và ngành cà phê là yếu tố quan trọng tạo sự yên tâm lớn cho đối tác nhận nhượng quyền.
Ông Cho Young Jin, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotteria (Hàn Quốc) cho biết: “Chúng tôi đã hiện diện ở Việt Nam từ năm 1998 và đã mở được 140 cửa hàng. Là doanh nghiệp đưa hình thức kinh doanh thức ăn nhanh đến Việt Nam sớm nhất, Lotteria gặp một số khó khăn do người dân Việt Nam vẫn còn lạ lẫm với loại thức ăn này và do khác biệt về văn hóa. Trong quá trình đó, chúng tôi luôn nỗ lực để tìm ra một sản phẩm phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam, dựa vào 3 mục tiêu: sản phẩm tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất, chất lượng và hình thức phục vụ tốt nhất”.
Thực đơn phù hợp với khẩu vị người Việt, thương hiệu có sự nhận biết rộng rãi, quy mô chuỗi đủ lớn để tiết kiệm chi phí vận hành và thu mua là những điểm cạnh tranh quan trọng của Lotteria trong cuộc chiến nhượng quyền thương mại.
Phong cách thức ăn Việt phục vụ theo phương thức “fast food” là một xu hướng đang thịnh hành và có cơ hội thành công cao. Cơm tấm Mộc là một trong những thương hiệu đó. Với mức vốn đầu tư thấp, vận hành đơn giản và không quá kén chọn về địa điểm kinh doanh, đây là thương hiệu đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư thích ẩm thực.
Ministop là một mô hình cửa hàng tiện lợi độc đáo và hoàn toàn khác biệt. Chiến lược kết hợp ngành hàng tiện lợi và thức ăn nhanh tạo thành một cửa hàng theo kiểu “combo” mang lại cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm thú vị. Đây cũng là một sự kết hợp tạo ra nhiều cơ hội lợi nhuận tiềm năng cho nhà đầu tư.
Sau sự bùng nổ các trung tâm đào tạo tiếng Anh, là sự phát triển nhanh chóng những thương hiệu giáo dục toán học tư duy. Với tiềm năng thị trường rất lớn và số lượng trung tâm đào tạo chỉ mới giai đoạn ban đầu, Mathnasium là cơ hội kinh doanh tương đối thú vị cho các nhà đầu tư yêu trẻ em.
Theo doanhnhansaigon.vn