Việt Nam đàm phán về quyền Sở hữu trí tuệ hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương

Việt Nam với việc đàm phán về quyền Sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương

Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một trong những vấn đề Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong đàm phán chính là vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT). Các nội dung liên quan đến SHTT mà các quốc gia đàm phán đưa ra trong TPP đã vượt xa các quy định ban đầu của TPP và các chuẩn mực quốc tế hiện nay (Hiệp định TRIPs). Bài viết phân tích đề xuất của một số quốc gia đàm phán, đặc biệt là bản đề xuất của Hoa Kỳ trong mối tương quan với các hiệp định thương mại tự do song phương và với hệ thống pháp luật của một số nước, đưa ra một số kiến nghị cho Việt Nam khi tham gia đàm phán TPP về các vấn đề liên quan đến SHTT.

1. Quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP

Là một nội dung quan trọng trong Hiệp định ban đầu được ký kết giữa bốn quốc gia, bao gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore (sau đây gọi tắt là Hiệp định P4), ngoài một số quy định nằm rải rác ở phần đầu, các quy định về quyền SHTT được đưa vào trong Chương 10[1] với cấu trúc tương đối đơn giản[2], chỉ có 7 điều khoản bao gồm các nguyên tắc về SHTT, các quy định chung, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên quốc gia và về hợp tác.

Về các nguyên tắc, Hiệp định P4 đưa ra ba nguyên tắc: nguyên tắc về thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội; nguyên tắc về đạt được sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ của người chủ sở hữu quyền với lợi ích hợp pháp của người sử dụng và cộng đồng đối với các tài sản trí tuệ được bảo hộ; nguyên tắc về tăng cường các quyền SHTT bằng việc loại bỏ các hoạt động thương mại đối với hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Về đối tượng của quyền SHTT, Hiệp định P4 đưa ra quy định cụ thể điều chỉnh về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên gọi quốc gia.

Đối với nhãn hiệu, quy định của Điều 10.4 chỉ bổ sung thêm hai nghĩa vụ đối với các bên là mỗi quốc gia phải tạo cơ hội cho các bên có liên quan để phản đối một đơn đăng ký nhãn hiệu và yêu cầu hủy một nhãn hiệu đã được đăng ký. Ngoài nghĩa vụ mang tính chất nội dung này, Điều 10.4 cũng khuyến khích các bên sử dụng Thỏa ước Nice về phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ cho mục đích đăng ký nhãn hiệu năm 1979.

Đối với chỉ dẫn địa lý, Điều 10.5 dẫn chiếu đến phụ lục 10.A về các chỉ dẫn địa lý cho rượu và đồ uống của mỗi quốc gia được thừa nhận chung và danh mục này có thể được bổ sung trên cơ sở yêu cầu của mỗi bên.

Đối với tên quốc gia, Điều 10.6 quy định các bên phải có nghĩa vụ cung cấp các công cụ pháp lý cho các bên có liên quan để ngăn cản việc sử dụng thương mại tên quốc gia đối với hàng hóa nhằm đảm bảo không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.

Chính vì các quy định rất đơn giản trong Hiệp định P4 mà các bên tham gia đàm phán TPP đã quyết định cần phải đàm phán để tạo nên một khung pháp lý với nhiều quy định có thể vượt ra khỏi khuôn khổ đang được điều chỉnh bởi TRIPs và các điều ước quốc tế khác có liên quan đến quyền SHTT.

Tính đến tháng 03/2012, 11 vòng đàm phán TPP đã diễn ra. Mỗi vòng đàm phán, nhiều vấn đề, trong đó có SHTT, được mang ra trao đổi, đàm phán. Vòng đàm phán thứ 12 của TPP diễn ra tại Dallas, Texas Hoa Kỳ từ ngày 8-18/5/2012. Ở vòng đàm phán này, các quốc gia đàm phán tiếp tục những vấn đề còn tranh cãi ở vòng đàm phán trước và chú trọng nhiều đến vấn đề thực thi quyền SHTT và bằng sáng chế.

Sau chín vòng đàm phán, ngày 12/11/2011, các nhà lãnh đạo của chín quốc gia tham gia đàm phán TPP, trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Honolulu đã ký kết Bản mô tả các lĩnh vực đàm phán chính của Hiệp định TTP[3].

Về cơ sở đàm phán, các thành viên TPP đã đàm phán nội dung của TPP dựa trên quy định của TRIPs cũng như dựa trên Tuyên bố Doha liên quan đến TRIPs và Y tế công cộng[4] vào lời văn của chương này. Điều này đồng nghĩa với việc những linh hoạt được đưa ra trong Tuyên bố này liên quan đến việc cấp bằng sáng chế đối với dược phẩm[5] cũng sẽ được xem xét và đưa vào trong nội dung của TPP. Về nguyên tắc, có thể thấy được hai nguyên tắc quan trọng nhất được nhắc đến trong Bản mô tả, đó là nguyên tắc hiệu quả và nguyên tắc cân bằng, nghĩa là hướng đến việc thực thi có hiệu quả các quy định về quyền SHTT nhưng vẫn phải đạt được sự cân bằng giữa quyền lợi của người sở hữu quyền và người tiêu dùng, cộng đồng; giữa các thành viên của TPP. Về nội dung, các tiếp cận của các thành viên TPP khá đầy đủ, khi đề cập đến tất cả các đối tượng của quyền SHTT như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả và các quyền có liên quan, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh và các dữ liệu cần thiết để xin phê duyệt đối với một số sản phẩm thuộc diện quản lý; đề cập đến việc thực thi quyền SHTT, đến nguồn gien và tri thức truyền thống. Với trình tự nội dung được thể hiện ở đây, có thể thấy, cách tiếp cận của Hoa Kỳ về quyền SHTT được nêu trong Bản đề xuất của quốc gia này đã được các quốc gia khác chấp nhận. Tuy nhiên, những nội dung được tiết lộ ra bên ngoài đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng, khi cho rằng nó sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người tiêu dùng, trong đó có người bệnh.

 

2. Đề xuất của một số quốc gia

Trong các vòng đàm phán của TPP, đã có một số quốc gia (Hoa Kỳ, New Zealand, Chi-lê, Peru...) đưa ra những đề xuất đối với Chương về SHTT. Vì nội dung của các vòng đàm phán được giữ bí mật, nên chỉ một số ít các đề xuất đã được tiết lộ, trong đó có Bản đề xuất của Hoa Kỳ, New Zealand và Chi-lê.

 

Đề xuất của Hoa Kỳ

Bản đề xuất đầu tiên của Hoa Kỳ được đưa ra tháng 02/2011 và sau đó được sửa đổi lần thứ nhất vào tháng 09/2011[6]. Đây được coi là một bản đề xuất chi tiết nhất để các bên bàn luận trong tại các vòng đàm phán. Nó cũng là một bản đề xuất chứa đựng nhiều bước tiến so với khung pháp luật quốc tế hiện tại về quyền SHTT. Một cách vắt tắt, đề xuất của Hoa Kỳ đã:

- Mở rộng phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu cho cả âm thanh, mùi thơm và nhãn hiệu "nổi tiếng" mà nó không "nổi tiếng" ở nội địa[7], trong khi lại làm giảm sự bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý[8], được coi là trái ngược với tính linh hoạt về lựa chọn chính sách trong lĩnh vực này mà TRIPs cho phép.

- Mở rộng các nghĩa vụ quốc tế về nội dung và thời gian bảo hộ quyền tác giả, bao gồm việc mở rộng bảo hộ đối với những lưu trữ "tạm thời" trên Internet[9] và tăng gấp đôi thời gian bảo hộ tối thiểu bắt buộc đối với nhiều đối tượng thuộc quyền tác giả[10].

- Yêu cầu chấp nhận hình thức gây tranh cãi cao về trách nhiệm chống lừa đảo, theo đó, sẽ trừng phạt những hành vi lừa đảo bằng khóa điện tử với bất kỳ mục đích nào[11].

- Gia tăng nội dung bảo hộ quốc tế bắt buộc đối với bằng sáng chế, bao gồm cả việc bảo hộ độc quyền cho các dạng và cách thức sử dụng mới đối với sản phẩm đã được biết đến[12], đối với cây trồng, vật nuôi và quy trình chế tạo dược phẩm[13]. Nhóm các tiêu chuẩn này không tương thích với tính linh hoạt được quy định tại Điều 27.3 của TRIPs[14] cũng như quy định hiện hành của một số quốc gia tham gia đàm phán TPP (như Việt Nam[15], Australia[16], Malaysia[17]...). Tuy nhiên, theo các tác giả Sean Flynn, Margot Kaminski, Brook Baker and Jimmy Koo, việc Hoa Kỳ đề xuất như vậy dường như không nhắm vào các nước tham gia đàm phán TPP mà là nhắm vào Ấn Độ. Các tác giả này phân tích rằng Điều 8.1 được soạn thảo nhằm chống lại một chính sách đã được thực thi tại Ấn Độ theo quy định của điều 3.d Luật Patent sửa đổi năm 2005. Điều 3.d cấm việc cấp bằng sáng chế cho "chỉ việc phát hiện một hình thức mới của một chất đã được biết đến mà nó không dẫn đến việc tăng cường hiệu quả đã được biết đến của chất đó hoặc chỉ việc phát hiện ra bất kỳ thành phần mới, cách sử dụng mới nào của một chất đã được biết đến, hoặc chỉ là cách sử dụng của một quy trình, thiết bị đã được biết đến, trừ khi quy trình đó dẫn đến việc tạo ra một sản phẩm mới hoặc sử dụng ít nhất một chất phản ứng mới". Điều 3.d này được đưa ra nhằm làm giảm số lượng bằng sáng chế được cấp cho lĩnh vực dược phẩm, từ đó, làm tăng cơ hội tiếp cận đối với các sáng chế về thuốc đã hết thời hạn bảo hộ, tức là làm tăng cơ hội tiếp cận thuốc giá rẻ đối với công chúng. Điều mà Hoa Kỳ lo ngại ở đây chính là qui định của điều 3.d đã trở thành khuôn mẫu để nhiều nước đang phát triển học tập và nội luật hóa nhằm tăng cơ hội tiếp cận thuốc giá rẻ cho người bệnh nước mình[18]. Nói một cách khác, quy định tại Điều 8.1 này làm cho việc cấp bằng sáng chế trở nên dễ dàng hơn, từ đó, bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu bằng sáng chế, trong đó có các công ty dược phẩm lớn của Hoa Kỳ[19].

- Sửa đổi khung pháp lý quốc tế về các tiêu chuẩn đối với đơn đăng ký, phản đối, hủy bỏ, công bố thông tin bắt buộc và lợi ích của bằng sáng chế để làm cho việc đạt được các bằng sáng chế trở nên dễ dàng hơn, việc phản đối hoặc hủy bỏ bằng sáng chế khó khăn hơn và làm cho việc chuyển giao công nghệ mang lại ít lợi ích hơn.

- Loại bỏ việc tiếp cận với các linh hoạt trong lĩnh vực dược phẩm[20] được quy định trong Luật Mới về Thương mại năm 2007 (2007 New Trade Deal Law) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hoa Kỳ và Peru và thay vào đó là các quy định về mở rộng bảo hộ đối với sáng chế và đăng ký bảo hộ độc quyền đối với thuốc mà không quan tâm đến khả năng chi trả của người bệnh. Các quy định này sẽ dẫn đến giá thuốc tăng cao và khả năng tiếp cận đối với các dược phẩm sẽ giảm xuống, nhất là đối với người dân của các nước đang phát triển.

- Đưa ra nhiều chế tài khác nhau, bao gồm cả các chế tài hình sự và tư pháp[21].

- Bổ sung các quy định hạn chế mới về tính hiệu quả của đám phán giá trong chương trình bồi hoàn giá thuốc, một chương trình mà trước đó chưa bao giờ được đề nghị cho các nước đang phát triển và cũng chưa bao giờ được thực thi ngay tại chính Hoa Kỳ[22].

Như vậy, có thể thấy, những đề nghị của Hoa Kỳ đưa ra trong bản đề xuất tháng 02/2011, dù có được sửa đổi chút ít trong tháng 09/2011, vẫn hàm chứa những đòi hỏi rất cao, nhiều khi vượt quá khả năng thực thi của một bộ phận các bên tham gia đàm phán là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

Đề xuất của New Zealand

Hiện tại, các đề xuất bị tiết lộ của New Zealand được chứa đựng trong hai tài liệu, một tài liệu có tiêu đề: "TPP: Intellectual Property Chapter: Horizontal Issues/Overall Structure, General Provisions and Cooperation"[23] và tài liệu còn lại đề xuất nội dung cụ thể liên quan đến Chương X về SHTT trong TPP[24]. Cụ thể:

Vấn đề tiếp cận ngang/cấu trúc tổng thể, các quy định chung về hợp tác. Trong văn bản đệ trình từ sau phiên đàm phán thứ hai này, xuất phát từ tầm quan trọng của TRIPs trong việc thúc đẩy sự phát triển của thương mại gắn liền với quyền SHTT, cũng như từ những khó khăn mà các Thành viên WTO đã gặp phải trong quá trình thực thi TRIPs, New Zealand nhấn mạnh đến các vấn đề cần đạt được khi xây dựng nội dung về SHTT trong TPP bằng việc đưa ra các nguyên tắc đàm phán và các vấn đề trọng tâm.

Về các nguyên tắc đàm phán, New Zealand nêu lên ba nguyên tắc, bao gồm:

- Hợp tác được đàm phán trong các hiệp định thương mại phải củng cố trực tiếp cho việc thực thi hiệp định và trợ giúp các bên có được nhiều lợi ích kinh tế;

- Các lĩnh vực trọng tâm đàm phán phải hướng tới tạo ra nhiều lợi ích cho các bên nhất có thể và bổ sung cho các quan hệ đối tác kinh tế đang tồn tại cũng như các trợ giúp phát triển đang được thực thi;

- Các thỏa thuận tạo lập thể chế phải mang tính linh động, phù hợp với mục đích, không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực và gánh nặng.

Từ ba nguyên tắc này, New Zealand đề xuất ba lĩnh vực chính cần tập trung đàm phán trong khuôn khổ nội dung về quyền SHTT của TPP. Đó là:

- Thúc đẩy hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực SHTT. Để làm được điều này, New Zealand đề nghị cần phải đàm phán nội dung về SHTT trong TPP từ xuất phát điểm là các quy định hiện hành của các điều ước quốc tế cũng như từ hệ thống pháp luật của các nước tham gia TPP về SHTT[25].

- Hợp tác trong lĩnh vực thực thi quyền SHTT. Sự hợp tác này hướng đến giải quyết các vấn đề phát sinh và liên quan đến việc xâm phạm các quyền SHTT diễn ra trong mỗi nền kinh tế của các nước tham gia TPP.

- Hợp tác trong lĩnh vực xây dựng thể chế/khả năng trong khu vực: vì các bên tham gia TPP, nhất là các quốc gia đang phát triển, đều phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thiết lập và duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước về SHTT, do đó TPP cần phải củng cố và thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các bên để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.

Từ những đề xuất này, New Zealand cho rằng, nếu được tập trung giải quyết, thì chúng sẽ góp phần rất lớn vào giải quyết các vấn đề tiếp cận ngang như hoạt động điều phối trong quá trình thực thi các quy định về SHTT, khả năng cạnh tranh, phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và làm cho thỏa thuận TPP "sống được" trong thực tế[26].

Có thể nhận thấy, mục tiêu của đoàn đàm phán New Zealand không tham vọng như đề xuất của Hoa Kỳ[27]. Điều này có thể dễ dàng giải thích là do vị thế của Hoa Kỳ và New Zealand rất khác biệt, bởi lợi ích mà Hoa Kỳ nhắm đến thông qua nội dung về quyền SHTT trong TPP lớn hơn rất nhiều so với New Zealand hay so với bất kỳ bên tham gia TPP nào khác. Tuy nhiên, bản đề xuất của New Zealand cũng có một số điểm lưu ý: Dù với số lượng điều khoản nhiều hơn, 22 điều so với 16 điều trong bản đề xuất của Hoa Kỳ, các quy định hàm chứa trong đó khá đơn giản, không đi sâu, chi tiết vào quy định chế độ pháp lý bảo hộ cho các đối tượng của quyền SHTT. Ngoài việc đề cập trực tiếp đến nhãn hiệu, kiến thức truyền thống, biểu diễn văn hóa truyền thống và nguồn gen, các quy định còn lại của bản đề xuất đều tập trung đi vào vấn đề thực thi. Về cơ bản, một số mục tiêu này tương tự với những mục tiêu mà TRIPs đề ra[28]. Tuy nhiên, điểm khác biệt và khá quan trọng, đó là mục tiêu đạt sự cân bằng giữa quyền lợi của người sở hữu quyền và người sử dụng cũng như cộng đồng, bởi việc điều phối mối quan hệ này không hề dễ dàng trong khi một số nước chỉ hướng tới bảo vệ quyền lợi của người sở hữu quyền, một số nước khác thì việc này lại không như vậy. Rộng hơn, mục tiêu này đặt ra cũng sẽ giúp đạt được sự cân bằng lớn hơn giữa quyền lợi của các nước đang phát triển và của các nước phát triển tham gia TPP.

 

Đề xuất của Chi-lê

Đề xuất ban đầu của Chi-lê[29] đưa ra các quy định về bốn vấn đề: định nghĩa; các nguyên tắc chung về SHTT; các quy định chung; và hợp tác. Nhìn tổng thể, bản đề xuất của Chi-lê rất đơn giản, chủ yếu được xây dựng trên nghĩa vụ là các bên tiếp tục tuân thủ khuôn khổ pháp luật về SHTT được tạo ra trên cơ sở TRIPs và Tuyên bố Doha về Sức khỏe cộng đồng năm 2011. Điểm đáng chú ý nhất trong Bản đề xuất này đó là Chi-lê, trong phần về hợp tác, đã vạch ra những nội dung mà các bên cần phải lưu ý trong khuôn khổ hợp tác giữa họ. Đây cũng là nội dung khá quan trọng mà Việt Nam cần lưu ý.

 

3. Triển vọng đàm phán và những vấn đề đặt ra với Việt Nam

Đối với việc đàm phán TPP nói chung và đàm phán về SHTT trong khuôn khổ TPP nói riêng, về cơ bản, các nguyên thủ quốc gia thành viên TPP đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao để kết thúc đàm phán. Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định TPP được đưa ra ngày 12/11/2011 trong khuôn khổ của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 19 tại Honolulu (Hoa Kỳ)[30], đã khẳng định: "chúng tôi hài lòng với những tiến bộ mà giờ đây chúng tôi có thể công bố để hướng tới mục tiêu cuối cùng là hướng tới tự do thương mại tại khu vực Thái Bình Dương"[31] và "chúng tôi cam kết dành những nguồn lực cần thiết để kết thúc hiệp định mang tính biểu tượng này trong thời gian sớm nhất có thể"[32]. Quyết tâm chính trị cao sẽ là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy các quốc gia đạt được kết quả cuối cùng về nội dung của TPP trong thời gian tới.

Trong Tuyên bố này, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi đều rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ đối tác hiện tại của chín nước đa dạng về địa lý và trình độ phát triển với các nước khác trong khu vực. Trong quá trình đàm phán để kết thúc hiệp định, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các đoàn đàm phán tiếp tục thảo luận với các đối tác trên toàn khu vực xuyên Thái Bình Dương đã bày tỏ quan tâm tham gia Hiệp định TPP nhằm tạo thuận lợi cho sự gia nhập của những nước này trong tương lai"[33]. Điều này có nghĩa là, trong thời gian tới, có thể sẽ có thêm các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương tham gia và trở thành một bên của TPP. Ngày 11/11/2011, Nhật Bản[34], Canada[35] và Mexico đều tuyên bố ý định tham gia TPP. Tuy tại vòng đàm phán thứ 10 và thứ 11, ba quốc gia này chưa tham gia đàm phán, nhưng có thể thấy, trong thời gian tới, việc tham gia của ba quốc gia mới này vào các phiên đàm phán sắp tới chắc chắn sẽ diễn ra. Xuất phát từ việc cả ba nước này đều có hệ thống pháp luật về SHTT khá phát triển, nhất là Nhật Bản và Canada, có thể thấy rõ là họ sẽ có những đề xuất mới đối với nội dung về sở hữu trí tuệ trong TPP. Ngoài ra, một số quốc gia khác, như Hàn Quốc[36], Trung Quốc cũng có thể tham gia và đưa ra những đề xuất mới cho vấn đề này. Do đó, trong tương lai, đàm phán về SHTT trong TPP có thể đạt được kết quả nhưng có thể sẽ có những thay đổi so với thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, trong nghiên cứu của mình, tác giả Peter A. Petri, Micheal G. Plummer và Fan Zhai phân tích cho thấy nội dung về quyền SHTT đạt được khoảng 77% mức độ ưu tiên mà các bên tham gia đàm phán TPP dành cho các nội dung của hiệp định này[37], đứng thứ sáu trong số các ưu tiên hàng đầu[38]. Điều này cho thấy, các quốc gia tham gia đàm phán TPP cố gắng nhằm đạt được các thỏa thuận về nội dung của quyền SHTT vừa đảm bảo lợi ích của mình vừa hài hòa lợi ích chung của các quốc gia khác.

Đối với Việt Nam, chúng ta đã tham gia tích cực vào các vòng đàm phán gần đây của TPP nói chung và về quyền SHTT nói riêng. Tuy nhiên, để đi đến kết quả cuối cùng cũng như bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và của cộng đồng nói chung, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đàm phán, đặc biệt là với đối tác Hoa Kỳ. Những vấn đề cần phải được sửa đổi bao gồm:

- Chuyển các quy phạm được nêu trong Điều 1.3 và Điều 1.5 Bản đề xuất của Hoa Kỳ từ các quy phạm mang tính mệnh lệnh sang các quy phạm mang tính tùy nghi. Việc chuyển đổi này sẽ khiến cho nghĩa vụ gia nhập các điều ước quốc tế mà Bản đề xuất này nêu lên không còn là bắt buộc mà được chuyển sang một quy định mang tính lựa chọn, nói cách khác, không chỉ Việt Nam mà một số nước khác như Malaysia, Brunei... có thể lựa chọn trong danh mục các điều ước đó những điều ước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước để gia nhập, từ đó bảo vệ được lợi ích của mình.

- Sửa đổi quy định của Điều 2.1 bằng cách bổ sung thêm một câu: "Trong trường hợp pháp luật của một Bên đã quy định điều kiện để đăng ký nhãn hiệu là dấu hiệu đó phải nhìn thấy được trước khi Hiệp định này có hiệu lực, thì Bên đó được áp dụng quy định của pháp luật trong nước trong khoảng thời gian 10 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực".

- Chỉ chấp nhận khái niệm về chỉ dẫn địa lý như quy định tại điều 22.1 của TRIPs.

- Loại bỏ quy định về tiêu chuẩn "sử dụng trong thương mại" đối với nhãn hiệu nổi tiếng như được quy định tại Điều 2.6 của Bản đề xuất.

- Sửa đổi quy định về tên miền trên Internet theo hướng bổ sung một lộ trình thực hiện dài để cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về internet có thời gian chuẩn bị và thích nghi.

- Sửa đổi quy định về quyền độc quyền sao chép đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn hay bản ghi như định nghĩa tại khoản 10 Điều 4 của Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009 của Việt Nam.

- Sửa đổi thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn hay bản ghi được bảo hộ bằng bản quyền hoặc quyền có liên quan giống với thời hạn bảo hộ được quy định tại Điều 27.2 của Luật SHTT Việt Nam năm 2005, sửa đổi năm 2009.

- Chuyển quy định về các ngoại lệ được nêu tại Điều 4.9.d Bản đề xuất của Hoa Kỳ từ quy phạm đóng sang quy phạm mở, từ đó cho phép các bên tham gia TPP có thể bổ sung các ngoại lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mình.

- Chuyển quy định tại Điều 8.2 từ một quy phạm mệnh lệnh sang quy phạm tùy nghi, theo đó, sửa đổi từ "phải" thành "có thể".

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần bổ sung một số nội dung đàm phán là:

Thứ nhất, cần có những quy định ưu đãi cho các nước đang và kém phát triển

So với chín đối tác khác cùng đàm phán trong TPP, có thể thấy Việt Nam ở vào địa vị quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp, có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong các quốc gia. Vì thế, để đảm bảo sự cân bằng về lợi ích giữa các quốc gia tham gia TPP có trình độ phát triển khác nhau, Việt Nam cần phải được hưởng những ưu đãi trong việc thực thi các quy định về SHTT nói riêng và các quy định khác của TPP nói chung. Ưu đãi này bao gồm:

- Có một khoảng thời gian chuẩn bị thích hợp: khoảng thời gian này ít nhất cũng phải từ năm năm trở lên để Việt Nam có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt đảm bảo cho việc thực thi có hiệu quả các quy định của Luật mới.

- Có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ các quốc gia có trình độ phát triển cao như Hoa Kỳ, Australia thông qua cơ chế hợp tác được xây dựng trong khuôn khổ nội dung của chương.

- Bổ sung một số ngoại lệ, nhất là trong vấn đề về tiếp cận thuốc và dược phẩm đối với người bệnh được bảo hộ bằng patent.

Thứ hai, bổ sung các quy định về hợp tác

Về cơ bản, các nội dung về hợp tác đã được Chi-lê nêu rất cụ thể trong Bản đề xuất của mình. Do đó, nội dung này cần phải được bổ sung vào trong bản tổng hợp các đề xuất. New Zealand cũng có đề xuất về hợp tác khi hoạch định các cơ chế hợp tác.

Thứ ba, bổ sung các quy định về tri thức truyền thống và biểu diễn văn hóa truyền thống

Việt Nam là một quốc gia giàu truyền thống văn hóa, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Do đó, việc bổ sung các quy định về tri thức truyền thống và biểu diễn văn hóa truyền thống sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể bảo vệ được chúng trước làn sóng thương mại hóa làm ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi mà tri thức truyền thống và biểu diễn văn hóa truyền thống mang lại. Việt Nam có thể kết hợp với New Zealand bàn thảo và cụ thể hóa hơn nữa đề xuất của New Zealand về vấn đề này.

Các đề xuất được đưa ra nói trên dựa trên cơ sở nghiên cứu các đề xuất của Hoa Kỳ, so sánh với TRIPs, với hệ thống pháp luật trong nước của Việt Nam. Do đó, có thể khẳng định nó sẽ góp phần tích cực trong việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam nói chung, của các doanh nghiệp và cộng đồng nói riêng. Đồng thời, nhờ đó, việc thực thi các quy định của chương này tại Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong tương lai./.

 

[1] Xem Chapter 10, Trans-Paficic Strategic Economic Partnership Agreement, tại: http://www.mfat.govt.nz/downloads/trade-agreement/transpacific/main-agreement.pdf (truy cập 28/02/2012).

[2] Chương 10 gồm 7 điều: Các định nghĩa (10.1), Các nguyên tắc về SHTT (10.2), Các quy định chung (10.3), Nhãn hiệu (10.4), Chỉ dẫn địa lý (10.5), Tên quốc gia (10.6) và Hợp tác (10.7)

[3]Bộ Công thương, Bản mô tả các lĩnh vực đàm phán chính của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tại: http://trungtamwto.vn/tpp/ket-qua-dat-duoc-ve-hiep-dinh-doi-tac-xuyen-thai-binh-duong-tpp-tai-hoi-nghi-cap-cao-apec-19 (truy cập ngày 01/03/2012); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Báo cáo của các Bộ trưởng Thương mại trình các Nhà Lãnh đạo, 12/11/2011, tại: http://trungtamwto.vn/tpp/ket-qua-dat-duoc-ve-hiep-dinh-doi-tac-xuyen-thai-binh-duong-tpp-tai-hoi-nghi-cap-cao-apec-19 (truy cập ngày 01/03/2012)

[4] WTO, Declaration on the TRIPs Agreement and Public Health, WT/MIN(01)/DEC/2, 20/11/2001, tại: http://www.wto.org/english/thewto_e/minist_e/min01_e/mindecl_trips_e.htm (truy cập ngày 01/03/2012).

[5] Xem đoạn 5(a),(b),(c) của Tuyên bố này.

[6] Xem: Trans-Pacific Partnership, Intellectual Property Rights Chapter February Draft, tại: http://keionline.org/sites/default/files/tpp-10feb2011-us-text-ipr-chapter.pdf (truy cập ngày 20/02/2012); Trans-Pacific Partnership, Intellectual Property Rights Chapter September 2011 Draft (Selected Provisions), xem tại: http://www.citizenstrade.org/ctc/wp-content/uploads/2011/10/TransPacificIP1.pdf (truy cập ngày 20/02/2012).

[7] Điều 2 của Bản đề xuất: "Không một Bên nào có thể yêu cầu, như là một điều kiện để đăng ký, rằng một dấu hiệu phải nhìn thấy được, không một Bên nào có thể từ chối đăng ký nhãn hiệu chỉ vì dấu hiệu tạo nên nhãn hiệu là âm thanh hoặc mùi vị". Quy định này mở rộng các dấu hiệu có thể được bảo hộ là nhãn hiệu từ những dấu hiệu nhìn thấy được sang cả các dấu hiệu không nhìn thấy được. So với TRIPs, điều 2.1 nêu trên đã hoàn toàn loại bỏ tính linh hoạt được tạo ra bởi điều 15.1 của TRIPs khi cho phép các Thành viên WTO có thể quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình rằng "điều kiện để được đăng ký là các dấu hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được". Việt Nam cũng chỉ chấp nhận những dấu hiệu nhìn thấy được để đăng ký làm nhãn hiệu (Điều 72, Luật SHTT 2005)

[8] Điều 2.2 của Bản đề xuất yêu cầu các Bên tham gia TPP phải quy định là các chỉ dẫn địa lý sẽ được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Đồng thời, ghi chú số 4 đi kèm điều khoản này đưa ra khái niệm về chỉ dẫn địa lý, theo đó, "Chỉ dẫn địa lý được hiểu là các chỉ dẫn xác định hàng hóa có nguồn gốc từ lãnh thổ của một Bên, hoặc một khu vực, một vùng trên lãnh thổ đó, mà chất lượng, danh tiếng hoặc một đặc tính khác của hàng hóa được coi là có được từ nguồn gốc địa lý của hàng hóa đó. Bất kỳ dấu hiệu hoặc nhóm dấu hiệu nào (như chữ, bao gồm tên người và tên địa lý, cũng như các chữ cái, chữ số, các yếu tố tượng hình và màu sắc, bao gồm cả màu đơn), ở bất kỳ hình thức nào, đều có thể được coi là chỉ dẫn địa lý". Khái niệm này rộng hơn định nghĩa về chỉ dẫn địa lý được nêu tại điều 22.1 của TRIPs cũng như tại điều 79 của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi năm 2009

[9] Điều 4.1 quy định: "Mỗi bên phải quy định rằng các tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi có quyền cho phép hoặc cấm mọi sự sao chép tác phẩm, biển diễn hoặc bản ghi của mình dưới bất kỳ cách thức và hình thức nào, thường xuyên hay tạm thời (bao gồm cả việc tạm thời lưu trữ dưới hình thức điện tử". Theo các ghi chú đi kèm, "tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi" được hiểu là bao gồm cả những người thừa kế của những người này; "quyền cho phép hay cấm", "quyền cho phép" được hiểu là quyền độc quyền; và "biểu diễn" được hiểu là việc biểu diễn gắn với một bản ghi, trừ trường hợp có quy định đặc biệt khác.

[10] Điều 4.5 của đề xuất đưa ra quy định về thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả và các quyền có liên quan. Trên cơ sở tuổi thọ của thể nhân, Hoa Kỳ đề xuất thời hạn bảo hộ này không ít hơn so với tuổi thọ của tác giả và 70 năm sau khi tác giả chết.

[11] Điều 4.9 cung cấp một khuôn khổ các biện pháp bảo hộ phù hợp và các biện pháp khắc phục hiệu quả về mặt pháp lý để chống lại việc qua mặt các biện pháp công nghệ mà tác giả, người biểu diễn hoặc nhà sản xuất bản ghi sử dụng liên quan đến việc thực hiện các quyền của họ để hạn chế các hành vi không được phép đối với tác phẩm, buổi biểu diễn và bản ghi, Hoa Kỳ đề xuất các bên tham gia đàm phán TPP phải đưa ra các quy định để quy trách nhiệm cho một loạt những người có liên quan[11]. Trách nhiệm này đòi hỏi phải là trách nhiệm hình sự, đi kèm với các biện pháp khắc phục khác để đảm bảo quyền lợi của người sở hữu quyền.

[12] Điều 8.1 của Bản đề xuất quy định: "Mỗi Bên phải cấp patent cho mọi sáng chế, dù đó là một sản phẩm hay một quy trình, trong mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện là sáng chế mới, có trình độ sáng tạo, và có khả năng ứng dụng công nghiệp. Ngoài ra, các Bên xác nhận rằng bằng sáng chế sẽ sẵn có đối với bất kỳ hình thức, sử dụng hoặc phương pháp sử dụng mới đối với một sản phẩm đã được biết đến; và một hình thức, sử dụng, hoặc phương pháp sử dụng mới một sản phẩm đã được biết đến có thể đáp ứng các tiêu chí về cấp bằng sáng chế, thậm chí nếu như sáng tạo đó không nhằm mục đích tăng cường hiệu quả đã được biết đến của sản phẩm đó".

[13] Điều 8.2 quy định: "Mỗi bên phải cấp patent cho các sáng chế đối với: (a) cây trồng và vật nuôi; và (b) các phương pháp phân tích, chữa bệnh và phẫu thuật để điều trị cho con người và động vật".

[14] Điều 27.3 của TRIPs quy định: "Các Thành viên cũng có thể loại trừ không cấp patent cho: (a) các phương pháp chẩn đoán bệnh, phương pháp nội và ngoại khoa để chữa bệnh cho người và động vật; (b) thực vật và động vật khong phải là các chủng vi sinh, các quy trình sản xuất thực vật và động vậtm chủ yếu mang tính chất sinh học và không phải là các quy trình phi sinh học hoặc vi sinh...".

[15] Xem điều 58, 59 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009 của Việt Nam. Đồng thời, xem các phân tích trong bài viết: Public Citizen & Health Gap, Việt Nam và Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương: Các rủi ro về tiếp cận thuốc đối với một đối tác của PEPFAR, tr.1-4, tại: http://www.citizen.org/documents/Vietnam-and-the-Trans-Pacific-Partnership-Agreement-%28Vietnamese-Translation%29.pdf (truy cập ngày 25/02/2012); Dr. Burcu Kılıç & Peter Maybarduk, Dangers for Access to Medicines in the Trans-Pacific Free Trade Agreement: Comparative Analysis of the United States' TPFTA Intellectual Property Proposal and Vietnamese Law, http://www.citizen.org/documents/Comparative-Analysis-of-the-US-TPFTA-IP-Proposal-and-Vietnamese-Law.pdf (truy cập ngày 25/02/2012).

[16] Xem thêm Public Citizen, Dangers for Access to Medicines in the Trans-Pacific Partnership Agreement: Comparative Analysis of the U.S. Intellectual Property Proposal and Australian law, pp.2-11, tại: http://www.citizen.org/documents/Australia-TPPA-chart.pdf (truy cập ngày 25/02/2012).

[17] Xem thêm: Dr. Burcu Kılıç & Peter Maybarduk, Dangers for Access to Medicines in the Trans-Pacific Partnership Agreement: Comparative Analysis of the U.S. Intellectual Property Proposal and Malaysian law, pp.2-15, http://www.citizen.org/documents/Malaysia-Chart.pdf (truy cập ngày 25/02/2012); Malaysian Declaration on the Trans-Pacific Partnership Agreement & Acces to Medicines, 09/2011, tại: http://www.citizen.org/documents/Malaysia-declaration.pdf (truy cập ngày 25/02/2012).

[18] Xem thêm: Sean Flynn, Margot Kaminski, Brook Baker and Jimmy Koo, tlđd, tr.20-21; Carlos Correa, Guidelines for the Examination of Pharmaceutical Patents: Developing a Public Health Perspective 6-25 (Jan. 2007), tại http://www.iprsonline.org/resources/ docs/Correa_Patentability%20Guidelines.pdf (truy cập ngày 25/02/2012). Sudip Chaudhuri, Chan Park & K. M. Gopakumar, Five years into the product patent regime: India's response, tại: http://apps.who.int/medicinedocs/documents/s17761en/s17761en.pdf (truy cập ngày 25/02/2012).

[19] Xem thêm: Hội đàm Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - Thỏa thuận tự do thương mại sẽ mang đến những lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn dược phẩm Mỹ và ảnh hưởng đến các chi phí trong các chương trình HIV/AIDS tại Việt Nam, tại: http://www.citizen.org/documents/Thoa-Thuan-Thuong-Mai-moi--Loi-nhuan-lon-cho-cac-hang-Duoc-Pham.pdf (tuy cập ngày 25/02/2012).

[20] Điều 8.2 quy định: "Mỗi bên phải cấp patent cho các sáng chế đối với: (a) cây trồng và vật nuôi; và (b) các phương pháp phân tích, chữa bệnh và phẫu thuật để điều trị cho con người và động vật".

[21] Điều 15.5(a) yêu cầu các Bên tham gia TPP phải quy định các chế tài bao gồm hình phạt tù và phạt tiền đủ cao để ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong tương lai và phù hợp với chính sách nhằm loại bỏ mọi động lực mang tính tài chính của người vi phạm. Biện pháp này giống với quy định trong KORUS, US-Australia FTA, US-Singapore FTA, US-Peru FTA nhưng không được quy định trong hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ hay của Việt Nam.

Điều 15.5(b), được xây dựng trên cơ sở điều 25.1 của ACTA, yêu cầu các Bên tham gia TPP phải quy định rằng các cơ quan tư pháp sẽ có thẩm quyền để ra lệnh tịch thu đối với hàng hóa bị "nghi ngờ" l&a

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan