Việt Nam chưa có nhãn hiệu nào được công nhận nổi tiếng. Nhiều nhãn hiệu quen thuộc với người Việt như Vinamilk, Vinacafe...
dù đã có đầy đủ yếu tố cần thiết nhưng vẫn chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng do một số vướng mắc của Luật Sở hữu trí tuệ.
Rất nhiều nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng nhưng vẫn chưa thể được công nhận là nổi tiếng vì vướng nhiều quy định.
Tại hội thảo "Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và giải pháp" diễn ra tại TP HCM ngày 16/6, Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng là nhu cầu, quyền lợi và mong muốn của các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, vẫn chưa có bất cứ nhãn hiệu nào chính thức được công nhận và đưa vào danh mục nhãn hiệu nổi tiếng. Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong việc được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng dù thực tế họ đã rất nổi tiếng với người tiêu dùng.
Chẳng hạn như Vinamilk là nhãn hiệu sữa quen thuộc, nhưng vì một số vướng mắc của Luật Sở hữu trí tuệ nên dù doanh nghiệp này đã có đầy đủ điều kiện cần thiết nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.
Tiến sĩ Lê Nam Giang, đại diện theo ủy quyền của Vinamilk cho biết, mặc dù đã đáp ứng đủ các tiêu chí và cũng rất mong muốn nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được công nhận.
Nguyên nhân theo bà là do những vướng mắc từ quy định pháp luật như trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chưa có những quy định cụ thể về việc những chủ thể như Vinamilk được chủ động nộp đơn xin công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Và nếu đơn vị này có yêu cầu được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thì bản thân Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ lúng túng vì Luật không có một quy trình cụ thể nào để xem xét nhãn hiệu nổi tiếng.
Một khó khăn khác xảy ra cho cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng là tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ, trong tất cả những tiêu chí được nêu ra, Luật không cho biết tiêu chí nào là bắt buộc, tiêu chí nào không bắt buộc hay có bắt buộc tất cả hay không.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe cũng cho biết đang gặp khó khăn trong việc được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng vì thủ tục pháp lý. Theo ông, hiện pháp luật chỉ có những khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể nên doanh nghiệp không biết làm sao để được công nhận.
Từ thực trạng này, các doanh nghiệp cho biết hàng năm tốn chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu nhưng vì chưa được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng nên họ chưa có một hành lang bảo hộ rộng rãi và thường xuyên bị nhái thương hiệu, gây thiệt hại lớn.
Điều này được ông Phan Minh Nhựt, đại diện theo ủy quyền của hãng Nike tại Việt Nam thông tin, mỗi năm đơn vị này phát hiện hàng trăm vụ hàng nhái. "Bước ra đường là thấy ngay hàng giả, nhái thương hiệu Nike. Ở Việt Nam làm giả, nhái thương hiệu thoải mái nhưng không thấy ai xử lý", ông nói và cho biết để chứng minh đó là hàng nhái thì gặp nhiều khó khăn vì thủ tục rườm rà, phức tạp.
Bà Nguyễn Minh Hương, đại diện BMW Group dẫn chứng thêm, có đơn vị còn sản xuất phụ tùng ôtô giả nhãn hiệu BMW để xuất khẩu ra nước ngoài mà cũng không bị xử lý.
Đại tá Hoàng Văn Trực - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - thừa nhận việc xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái hiện nay chưa triệt để là do quy định của pháp luật còn chung chung, rối rắm. "Thực tế thì cứ 7 vụ hàng giả mới xử lý được một vụ thành công, bởi để đủ căn cứ xử lý là rất nhiêu khê và khó khăn", ông thông tin.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ, hiện hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ đang được cơ quan này rà soát để xem độ vênh giữa quy định quốc gia và những cam kết khi Việt Nam hội nhập với thế giới, mà đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.
Theo ông Lâm, bên cạnh sự bảo vệ của pháp luật, các chủ sở hữu nhãn hiệu cũng cần phải chủ động tự bảo vệ mình như giám sát các hoạt động đăng ký để hủy bỏ hiệu lực của các nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã đăng ký; phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ những thông tin chứng minh quyền sở hữu trí tuệ khi cần thiết...
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cơ quan này cũng đã phối hợp với Hiệp hội nhãn hiệu hàng hoá quốc tế - INTA thực hiện dự án "Nhãn hiệu nổi tiếng" từ năm 2015-2017. Mục tiêu là nghiên cứu, đánh giá, thu thập, tổng hợp thông tin, ý kiến từ nhiều cơ quan, các đại diện sở hữu công nghiệp và khối các doanh nghiệp tư nhân về những vướng mắc trong việc thi hành các quy định pháp luật liên quan tới việc công nhận, bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng
Từ đó, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về nhãn hiệu nổi tiếng phù hợp thực tiễn, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Theo Hoài Thu kinhdoanh.vnexpress.net
»