Việc tắt tiếng Quốc ca trong trận đấu quốc tế trên youtube dưới góc nhìn luật sư.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW trả lời Ban thời sự VOV về việc tắt tiếng Quốc ca trong trận đấu quốc tế trên youtube, sau đây là nội dung bài phỏng vấn;

Việc tắt nhạc quốc ca của Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền của các bản ghi âm thuộc về cá nhân/tổ chức thực hiện bản ghi đó. Bất cứ bên nào muốn sử dụng bản ghi âm với mục đích thương mại thì đều phải xin phép chủ sở hữu của bản ghi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, FPT thực ra chỉ là đơn vị tiếp sóng buổi thi đấu, chứ không phải đơn vị trực tiếp đứng ra ghi hình và phát sóng. Như vậy, tổ chức có nghĩa vụ xin phép và trả tiền thù lao chủ sở hữu bản ghi trong trường hợp này phải là ban tổ chức trận đấu.

Tuy nhiên, sự cố đáng tiếc xảy ra vừa rồi một phần cũng do hệ thống pháp luật của ta chưa có những quy định cụ thể liên quan đến việc quản lý tài sản nhà nước như Quốc ca. Do đó, các bên sẽ viện dẫn những quy định pháp luật thông thường để áp dụng vào một đối tượng đặc biệt, mà cụ thể trong vụ việc này là quyền sử dụng bản ghi âm bài hát “Tiến quân ca”. Do đó, tôi cho rằng các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và phát huy giá trị của ca khúc – cần phải đưa ra những ý kiến cụ thể để làm rõ cho các bên liên quan cũng như nhân dân cả nước.

Theo luật, khi muốn đăng ký thu âm, nhà sản xuất - Hãng đĩa Marco Polo- đã xin phép được thu chưa? Trường hợp này gia đình nhạc sĩ đã tặng ca khúc cho nhà nước thì hãng cần xin phép thế nào? Nếu họ chưa xin phép thì việc cấp phép hiện nay có được công nhận tiếp không?

Bài hát “Tiến quân ca” đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhà nước và nhân dân. Nói cách khác, gia đình cố nhạc sĩ đã từ bỏ quyền tài sản liên quan đến tác phẩm. Khi tiếp nhận bài hát, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết Bộ được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài hát. Bộ có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Việc trao tặng này cũng chấm dứt việc hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước phải nộp tiền tác quyền. Như vậy, các tổ chức/cá nhân sử dụng bài hát “Tiến quân ca” sẽ không cần phải xin phép, chỉ cần nêu rõ tên tác giả và không xuyên tạc hay làm hỏng giá trị của tác phẩm mà thôi.

Tuy nhiên, mặc dù việc sử dụng bài hát “Tiến quân ca” thì không cần phải xin phép, thế nhưng việc sử dụng một sản phẩm âm nhạc, cụ thể là một bản phối của bài hát “Tiến quân ca” đã được thu âm của một tổ chức khác thì vẫn cần phải xin phép. Nói cách khác, nếu ban tổ chức chương trình tự thuê nhạc công và ca sĩ để biểu diễn Quốc ca thì việc đó không vi phạm bản quyền, nhưng nếu sử dụng một bản ghi của bên khác tạo ra mà không xin phép thì như vậy là chưa đúng theo quy định của pháp luật.

Từ sự việc này, cần sử dụng bản ghi thuộc bản quyền đơn vị nào để sử dụng, tránh sự cố?

Phải nói rằng đây không là lần đầu tiên việc Quốc ca bị tắt tiếng khi đang phát sóng trận đấu. Việc sử dụng bản ghi bài hát “Tiến quân ca” của đơn vị nào cần được ban tổ chức cân nhắc kỹ lưỡng, cũng như làm việc cụ thể với đơn vị đó để được cấp phép sử dụng. Lưu ý rằng hiện nay khi chưa có quy định cụ thể về việc quản lý và sử dụng Quốc ca thì lựa chọn bản ghi của bất kỳ đơn vị nào cũng đều cần sự cho phép của đơn vị đó. Nếu sử dụng mà chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu thì đều bị coi là hành vi xâm phạm quyền. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức cũng có một lựa chọn khác đó là tự đứng ra thuê nhạc công, ca sĩ để thu một bản phối riêng và sử dụng chúng cho các chương trình mình sản xuất, như vậy vừa không lo vi phạm bản quyền của bên nào, mà vừa có một bản ghi Quốc ca mang dấu ấn riêng.

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan