Vấn đề vi phạm Bản quyền nhìn từ vụ khởi tố hình sự phimmoi.net.

(SBLAW) Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có buổi phỏng vấn trong chuyên mục Tiêu điểm ANTT, với chủ đề: Vấn đề vi phạm Bản quyền nhìn từ vụ khởi tố hình sự phimmoi.net.

Vừa qua phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” đối với phimmoi.net; đồng thời khởi tố bị can đối với 3 cá nhân là những người sáng lập, điều hành trang phim lậu này. Sự việc được đánh giá như một dốc mốc quan trọng trong việc xử lý vi phạm bản quyền phim.

Để trao đổi sâu hơn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có buổi phỏng vấn trong chuyên mục Tiêu điểm ANTT, với chủ đề: Vấn đề vi phạm Bản quyền nhìn từ vụ khởi tố hình sự phimmoi.net.

Nội dung bài viết

Nội dung buổi phỏng vấn như sau:

Câu hỏi 1: Nhiều năm nay, tình hình vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn biến rất phức tạp và phát triển nhanh chóng. Vì bị vi phạm thường xuyên, các công ty kinh doanh phim hay nhà xuất bản ở nước ta đã sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và pháp lý để ngăn chặn nhưng dường như không mấy hiệu quả bởi lẽ  các đối tượng này luôn thay đổi phương pháp vi phạm và vận hành web một cách tinh vi gây nhiều khó khăn cho quá trình xử lý và bảo vệ bản quyền phim.

Luật sư có ý kiến gì về vụ việc khởi tố hình sự đối với phimmoi.net về tội danh “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” vừa qua?

Trả lời:

Nhiều năm trở lại đây, nói đến website xem phim ở Việt Nam thì phimmoi.net là cái tên đầu tiên được nhắc đến và có nhiều “giai thoại” nhất. Đây là website lớn nhất chuyên cung cấp các bộ phim, chương trình truyền hình, TV series không bản quyền lớn nhất nước, có vietsub miễn phí cho người dùng.

Ngày 19/8/2021, Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” liên quan đến website phim này.

Việc khởi tố vụ án hình sự liên quan đến trang phim này có thể coi là động thái cứng rắn nhất từ trước tới nay của cơ quan Công an khi xử lý tình trạng phim lậu và vi phạm bản quyền trên không gian mạng.

Câu hỏi 2: Thực tế nạn xâm phạm bản quyền, quyền tác giả đối với các sản phẩm văn hoá, phim ảnh, âm nhạc... ở nước ta đã diễn ra nhiều năm nhưng thường chỉ xử phạt hành chính với số tiền phạt không đáng kể so với giá trị thu được từ việc xâm phạm bản quyền. Việc khởi tố hình sự phimmoi.net liệu có thể coi là hành động quan trọng để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền không, thưa luật sư?

Trả lời:

Việc công an TP.HCM khởi tố vụ án hình sự liên quan đến phimmoi.net là động thái quan trọng cho việc ngăn chặn hành vi vi phạm quyền tác giả, đồng thời việc cơ quan điều tra thông báo rộng rãi thông tin khởi tố hình sự cũng nhằm cảnh báo rất nhiều trang web phim lậu khác dừng ngay những hoạt động trái pháp luật của mình. Tại Việt Nam, hiện có trên 200 website phim lậu đang hoạt động.

Câu hỏi 3: Với các trang phim lậu và thị trường quảng cáo “đen” trên trang phim lậu không được kiểm soát, ngoài việc làm thiệt hại về kinh tế với các hãng phim thì còn gây tác hại thế nào đến môi trường internet cũng như an toàn cộng đồng ? (trang phim lậu đính quảng cáo đánh đề, game xổ số, sòng bạc trực tuyến, game slot, bắn cá, đấu thể thao, đá gà/đua ngựa…)

Trả lời:

Khi truy cập vào một website phim lậu, người dùng phải liên tục xem những quảng cáo đen như sòng bạc trực tuyến, cá độ, lô đề, đá gà, đua ngựa, … Đáng chú ý là những quảng cáo này đã chiếm hết những vị trí đẹp trên trang phim lậu và những quảng cáo này hầu hết là những dịch vụ bị nghiêm cấm bởi pháp luật và không được hiện thị trên các trang web chính thống, uy tín. Khi những người xem phim tại web phim lậu thì họ bắt buộc phải xem một đoạn quảng cáo cho sòng bạc online. Một số trang web lậu khác, thao tác này còn ngay lập tức chuyển sang trang web của sòng bầu cua, hay cá cược thể thao, lô đề, casino…

Việc bị “nhồi nhét”, phải “bắt buộc” xem những quảng cáo về cờ bạc, cá độ, người dùng còn đối diện với nguy cơ bị phát tán virus, mã độc và đánh cắp dữ liệu khi click vào các đường link không chính thống và các website không được kiểm duyệt trên các website phim lậu.

Câu hỏi 4: Phimmoi.net là trang web phim lậu có thâm niên hàng đầu ở Việt Nam, có lượng truy cập lớn, đã xâm phạm bản quyền đối với nhiều hãng phim. Với việc khởi tố hình sự này thì các chủ thể quyền đã bi phimmoi.net xâm phạm có thể được bồi thường như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo khoản 1 điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Theo đó, chủ sở hữu trang web phimmoi.net phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi phạm tội đã gây thiệt hại là xâm phạm đến tài sản và quyền sở hữu của những chủ thể đã bị đăng phim lậu lên trang web phimmoi.net

Khoản 4 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định nguyên tắc xác định thiệt hại đối với thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả thì thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất; thiệt hại về tinh thần và thiệt hại khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, thiệt hại về vật chất gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.

Trong vụ án này để xác định được khoản tiền yêu cầu bồi thường, bên bị thiệt hại phải nêu rõ và có tài liệu thể hiện mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận trước khi xảy ra hành vi phạm tội (thu nhập, lợi nhuận mà người bị thiệt hại thu được do sử dụng, khai thác; cho thuê; chuyển nhượng quyền tác giả, ….).

Căn cứ Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009 thì mức bồi thường thiệt hại được xác định là tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị chủ sở hữu trang web phimmoi.net thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp không xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất thì mức bồi thường này sẽ do tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng không được quá 500 triệu đồng.

Câu hỏi 5: Qua báo chí tôi có nghe nói về trang phimmoi.net bị công an khởi tố, xin hỏi luật sư là với hành vi chiếu phim lậu như thế thì những người điều hành trang này sẽ bị xử lý như thế nào? Mức án cao nhất có thể là gì?

Trả lời:

Ngày 19/8, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” liên quan đến website phim www.phimmoi.net.

Đối tượng bị khởi tố phải là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện tội phạm với lỗi cố ý; hành vi trên xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ, trường hợp nhóm đối tượng đã có các hành vi sao chép, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh là các bộ phim có bản quyền… và dùng “công cụ phạm tội” điện tử website www.phimmoi.net để đưa ra công chúng khi không được phép của chủ thể có quyền sở hữu và quảng cáo sản phẩm các hành vi của nhóm đối tượng khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra và xác định các hành vi nêu trên đã xảy ra và xác định có thu lợi bất chính với số tiền đủ mức được quy định từ 50.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Căn cứ vào quy định tại Điều 225 về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” Bộ Luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức phạt cao nhất đối với tội này là bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Câu hỏi 6: Có ý kiến cho rằng thị trường phim lậu tại Việt Nam hiện nay sôi động như vậy , được các cá nhân tổ chức vi phạm xem như một phương thức khởi nghiệp kiếm tiền nhanh chóng không cần bỏ vốn là do thiếu những quy định chặt chẽ về quản lý thiết lập, hoạt động của các website, các kênh xem phim trực tuyến hay kênh xem phim dưới hình thức livestream, review phim ... Quan điểm của luật sư thì sao?

Trả lời:

Thị trường phim lậu tại Việt Nam có thể nói là rất sôi động và chuyên nghiệp. Hiện tại việc xây dựng các website phim lậu đang được các cá nhân, tổ chức vi phạm xem như là một hình thức startup để có thể nhanh chóng kiếm tiền.

Có rất nhiều các diễn đàn công nghệ hướng dẫn cách xây dựng trang web phim lậu mạnh mẽ và hiệu quả, kỹ thuật lấy kho phim ở đâu và cách kiểm soát sao cho không bị khiếu nại đồng thời kiếm tiền từ quảng cáo như nào…

Bên cạnh đó, để xử lý triệt để hành vi xâm phạm như vậy nguyên nhân lớn nhất là do ý thức của người dùng và các cơ quan chức năng cần tham khảo thêm kinh nghiệm xử lý của các nước. Bởi các trang web phim lậu chỉ cần thay đổi tên miền hoặc làm giả IP sang nước ngoài là có thể tiếp tục hoạt động được.

Hiện nay, các chế tài xử lý hành vi xâm phạm bản quyền trong môi trường kỹ thuật số hiện nay còn chưa đủ sức răn đe, để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm, cần phải có sự trợ giúp mạnh mẽ tích cực từ các nhà mạng và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Tác phẩm điện ảnh là đối tượng được bảo hộ bằng quyền tác giả nên các hành vi sử dụng hay có liên quan đến tác phẩm mà không được sự cho phép sẽ bị xem là vi phạm bản quyền.

Hành vi của “phimmoi.net” khi sử dụng các tác phẩm của các tác giả mà không có sự đồng ý bằng văn bản và không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu là hành vi vi phạm bản quyền theo quy định tại khoản 8 và 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Căn cứ theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì cá nhân vi phạm chỉ chịu mức phạt cao nhất là bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đối với trường hợp thu lợi bất chính trên 300 triệu đồng. Theo đó, mức xử phạt này là quá nhẹ không đủ răn đe các đối tượng này.

Câu hỏi 7: Những cá nhân, tổ chức mà lập các kênh xem phim lậu nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý, thế thì những người xem phim lậu, đăng ký tài khoản trên các trang phim lậu đó thì có bị xử phạt không thưa luật sư? Nếu họ tải về những phim, đoạn phim họ yêu thích và sau đó đăng lại trên trang mạng xã hội của họ như một cách review phim thì có bị coi là vi phạm bản quyền không?

Trả lời:

Hiện tại, chưa có quy định pháp luật để xử phạt những người xem phim lậu hay đăng ký tài khoản trên các trang phim lậu. Một trong những lý do xuất phát từ việc rất khó để kiếm soát, phát hiện, xác minh những người xem phim lậu là ai. Và nếu tìm được, chứng minh được là họ đã xem thì cũng rất khó để đưa ra các mức phạt.

Việc “review phim” phổ biến trên mạng hiện nay có thể chia thành hai kiểu: một là các video tóm tắt lại nội dung phim, hai là các video đưa ra bình luận, đánh giá đối với tác phẩm điện ảnh gốc.

Với kiểu đầu tiên, các video tóm tắt phim, sử dụng các hình ảnh của bộ phim là vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim nếu bộ phim đang được công chiếu tại rạp hoặc trên các trang phim chính thức. Các video này có thể là các hành vi như sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật (Khoản 8 Điều 28 LSHTT 2005) hoặc Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (Khoản 10 Điều 28 LSHTT 2005).

Còn đối với kiểu “review phim” thứ hai, đưa ra bình luận, đánh giá đối với tác phẩm điện ảnh gốc thì việc đánh giá có xâm phạm quyền tác giả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố do Điều 25 của LSHTT có quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Trong đó, Điểm b Khoản 1 có quy định trường hợp “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình”. Như vậy, để kết luận các video đó có xâm phạm quyền tác giả không thì phải xem xét, đánh giá xem liệu các video đó có “trích dẫn hợp lý” tác phẩm gốc hay không và việc bình luận có làm sai ý tác giả hay không.

Câu hỏi 8: Từ đầu chương trình đến nay chúng ta đã thảo luận về vi phạm bản quyền phim qua sự kiện trang phim lậu phimmoi.net bị cơ quan công an khởi tố hình sự.

Thưa luật sư, thị trường giải trí trên mạng đang phát triển rất sôi động, người dùng internet dễ dàng tiếp cận kho phim, âm nhạc khổng lồ trên mạng, trong đó phần nhiều là sản phẩm không bản quyền. Theo ông, so với phim lậu thì nhạc lậu, những trang web kinh doanh nhạc số không bản quyền hiện nay ở nước ta đã đến mức báo động chưa?

Trả lời:

Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi có số lượng lớn người sử dụng internet. Nghe nhạc online hay còn gọi là nghe nhạc trực tuyến xuất hiện cách đây gần chục năm và đang trở thành một xu hướng tất yếu. Kinh doanh nhạc trực tuyến đang là một hướng đi mà nhiều nhà cung cấp hướng tới, hứa hẹn tiềm năng lâu dài. Dù chúng ta đang có những đơn vị đi đầu trong vấn đề bản quyền, nhưng số lượng các trang cung cấp nhạc trực tuyến vi phạm bản quyền vẫn còn không ít.

Các trang này xuất hiện trên thị trường từ lâu và hàng năm vẫn kiếm lợi nhuận từ hành vi vi phạm bản quyền. Việc tồn tại những trang web như vậy không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các nghệ sĩ, đơn vị kinh doanh phim hợp pháp trong nước mà còn khiến các đối tác nước ngoài dè chừng, e ngại khi quyết định tiến vào thị trường Việt Nam.

Câu hỏi 9: Nhiều người vẫn khá mơ hồ về vấn đề bản quyền, quyền tác giả đối với sản phẩm âm nhạc trên mạng, chúng tôi đã nhận được ý kiến của thính giả băn khoăn không biết việc nhạc chế có vi phạm bản quyền không? Hay việc sử dụng các bài hát vào clip video cá nhân trên tài khoản mạng xã hội … ?

Trả lời:

Trong lĩnh vực quyền tác giả, có khái niệm về “tác phẩm phái sinh”. Khoản 8 Điều 4 LSHTT 2005 định nghĩa: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.” Các bài nhạc chế thường giữ nguyên nhạc nền nhưng có sự thay đổi về lời nhạc thì có thể coi là một dạng của tác phẩm phái sinh, cụ thể là tác phẩm phóng tác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng để làm những tác phẩm này cũng cần phải có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, nếu không thực hiện việc xin phép này thì đó vẫn có thể là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Việc sử dụng các bài hát vào video clip cá nhân nếu không xin phép thì có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điểm 8 Điều 28 LSHTT 2005: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.”

Câu hỏi 10: Nạn xâm phạm bản quyền phim ảnh, âm nhạc trên mạng internet xảy ra nhiều là do chế tài pháp luật chưa nghiêm hay vấn đề ý thức về bản quyền của người tiêu dùng còn hạn chế?

Trả lời:

Cả hai nguyên nhân trên đều đóng vai trò chính trong việc gây ra hiện tượng xâm phạm bản quyền phim ảnh, âm nhạc tràn lan, và hai nguyên nhân này không tồn tại độc lập mà có mối tương quan chặt chẽ với nhau.

Việc vấn đề ý thức về bản quyền của người tiêu dùng là do thói quen sử dụng từ trước đến nay là luôn có thể dễ dàng tìm kiếm phim ảnh, âm nhạc miễn phí từ internet bởi họ có thể tìm thấy.  Trước đây, Việt Nam không siết chặt việc ngăn chặn và xử phạt việc xâm phạm bản quyền phim ảnh, âm nhạc, nên những nguồn giải trí bất hợp pháp này vẫn xuất hiện công khai, tràn lan, dần dần người dân cũng hình thành tư tưởng rằng việc xem phim, nghe nhạc miễn phí là chuyện đương nhiên. Đó cũng là thói quen tiêu dùng tự nhiên khi mọi người yêu thích hàng hoá miễn phí.

Ở nước ngoài, người dân có thể cảm thấy rất kì lạ khi chúng ta có thể xem phim, nghe nhạc miễn phí như một điều hiển nhiên, điều này không hẳn là do họ có ý thức tốt hơn mà họ phải trả tiền bởi vì họ không có lựa chọn nào khác, khi mà những biện pháp thi hành pháp luật đối với việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài được thực hiện hết sức gắt gao.

Trên thực tế, pháp luật của nước ta đã có chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: (i) chế tài hành chính với nhiều hình thức xử phạt khác nhau như cảnh cáo, phạt tiền với mức phạt tiền tối đa có thể lên đến 500 triệu đồng, đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung; (ii) chế tài dân sự; (iii) chế tài hình sự với Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 BLHS 2015.

Tuy nhiên việc thi hành, áp dụng những quy định pháp luật vào thực tế còn thiếu quyết liệt, và thiếu chuyên nghiệp, các cơ quan chức năng còn gặp nhiều vướng mắc và lúng túng khi áp dụng pháp luật trên môi trường số hoá: Khó khăn trong việc xác định chủ thể vi phạm (chủ sở hữu website giấu thông tin hoặc máy chủ ở nước ngoài); khó xác định thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm gây ra;  chưa có cơ quan chuyên trách thực hiện việc giám định hành vi xâm phạm, …

Câu hỏi 11: Đối với xử lý các tác phẩm vi phạm bản quyền, kênh Youtube được đánh giá là khá mạnh tay, làng nhạc Việt đã từng chứng kiến việc YouTube thẳng tay xóa MV "Em của ngày hôm qua" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP với lý do MV này bị "tố" đạo nhái trắng trợn sản phẩm "Every night" của nhóm nhạc EXID (Hàn Quốc) vào năm 2014. Tiếp đó, MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" của Noo Phước Thịnh đã bị tháo khỏi YouTube ngay trong thời điểm MV đang tăng nhanh về lượt view (30 triệu).. Nguyên nhân khiến MV bị gỡ là "đạo nhạc"...

Có lẽ, để giải quyết nạn phim lậu hay các sản phẩm âm nhạc bị làm nhái, vi phạm bản quyền thì vẫn cần phải có biện pháp mạnh như xoá bỏ, cấm sóng... qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người kinh doanh cũng như công chúng, phải không ạ?

Trả lời:

Để nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của người kinh doanh cũng như công chúng thì rất cần thiết phải có sự rà soát, kiểm tra thường xuyên, những hành động xử lý quyết liệt từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để người kinh doanh không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, người dân không còn tiếp cận được với những nguồn vi phạm pháp luật nữa, điều này cũng giúp Nhà nước truyền thông điệp dần dần về thái độ nghiêm túc của mình đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho những đối tượng có liên quan. Có như vậy, dần dần mọi người mới hình thành một tư duy mới, một thói quen mới khi xem phim hay nghe nhạc, và họ coi việc phải trả tiền để được hưởng những tiện ích đó là việc đương nhiên.

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan