Từ điển bản quyền SBLAW
Từ điển bản quyền
Vấn đề bảo hộ bản quyền là một vấn đề pháp lý lớn, có giá trị thúc đẩy quá trình sáng tạo của xã hội. Tuy nhiên, những thuật ngữ về bản quyền cũng là những từ ngữ chuyên môn, vô cùng phức tạp và khó hiểu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà nghiên cứu, các luật sư, học sinh, sinh viên, Cục bản quyền tác giả có đưa ra các thuật ngữ về bản quyền và có những giải thích rất rõ ràng, khúc chiết. S&B Law, dẫn nguồn từ www.cov.gov.vn, trân trọng giới thiệu công trình này tới độc giả.
Từ khóa | Nội dung |
---|---|
Công ước GENEVA (công ước bản ghi âm) |
Công ước bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, chống lại việc sao chép không được phép các bản ghi âm của họ, Công ước được ký kết tại Geneva ngày 29-10-1971, vì vậy còn được gọi là Công ước Geneva. Công ước để mở cho bất kì quốc gia thành viên nào của Liên hợp quốc, hoặc thành viên của bất kì tổ chức nào thuộc hệ thống các tổ chức của Liên hợp quốc. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc. Ngoài phần mở đầu, Công ước có 14 điều quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, về việc bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm mang quốc tịch của các quốc gia thành viên khác, chống lại việc làm bản sao và việc nhập khẩu các bản sao nhằm mục đích phân phối công cộng, việc phân phối các bản sao tới công chúng không được sự đồng ý của nhà sản xuất. Thuật ngữ “Bản ghi âm” được hiểu theo nghĩa là bản định hình (ghi) dành riêng cho cơ quan thính giác, không phụ thuộc vào hình thức của chúng. Việc bảo hộ có thể được quy định thành đối tượng điều chỉnh của Luật Quyền tác giả, quyền liên quan, Luật Cạnh tranh không lành mạnh và Luật Hình sự. Thời hạn bảo hộ kéo dài ít nhất 20 năm, kể từ khi định hình hoặc công bố lần đầu tiên bản ghi âm.
Văn phòng quốc tế của WIPO được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng thư ký của Công ước. Công ước không có quy định việc lập Liên hiệp, cơ quan điều hành và ngân sách. Đến ngày 15-7-2009, Công ước có 77 quốc gia thành viên. Công ước Geneva có hiệu lực tại Việt Nam ngày 6-7-2005.
|
Công ước ROME |
Công ước bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được kí kết ngày 26-10-1961 tại Rome, vì vậy còn được gọi là Công ước Rome. Công ước để mở cho tất cả quốc gia thành viên của Công ước Berne hoặc Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC). Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc. Các nước tham gia có thể đưa ra bảo lưu về việc áp dụng một số quy định cụ thể tại Công ước. Công ước gồm 34 điều với các quy định bảo đảm sự bảo hộ tại các quốc gia thành viên, đối với các cuộc biểu diễn của người biểu diễn, các bản ghi âm của các nhà sản xuất bản ghi âm các các chương trình phát sóng của các tổ chức phát sóng.
Người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, vũ công, nhạc công, và những người khác biểu diễn các tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật được bảo hộ, chống lại các hành vi cụ thể không được sự đồng ý của họ. Các hành vi này gồm: phát sóng và truyền đạt tới công chúng cuộc biểu diễn trực tiếp của họ; định hình các cuộc biểu diễn trực tiếp của họ; sao chép các bản định hình, hoặc nếu việc sao chép này được thực hiện nhằm các mục đích khác với các mục đích mà họ đã đồng ý.
Nhà sản xuất bản ghi âm được hưởng quyền cho phép hoặc ngăn cấm việc sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm của họ. Theo Công ước Rome bản ghi âm là bất kì sự định hình các âm thanh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh khác dành riêng cho cơ quan thính giác. Khi các bản ghi âm được công bố nhằm mục đích thương mại thì việc sử dụng (như là phát sóng hoặc truyền đạt tới công chúng bằng bất kì hình thức nào, tại nhà hàng, khách sạn, v.v…), phải trả thù lao tương xứng cho những người biểu diễn, hoặc cho những nhà sản xuất bản ghi âm.
Tổ chức phát sóng được hưởng quyền cho phép hoặc ngăn cấm việc tái phát sóng chương trình phát sóng của họ; định hình chương trình phát sóng và sao chép các bản định hình này; truyền đạt đến công chúng các buổi phát sóng truyền hình nếu việc truyền đạt này được thực hiện tại nơi để mở cho công chúng tham dự bằng việc thanh toán phí vào cửa. Công ước Rome cho phép những ngoại lệ trong luật pháp quốc gia đối với các quyền nêu trên như là sử dụng cá nhân, sử dụng các trích đoạn ngắn trong việc đưa tin thời sự, định hình tạm thời bằng phương tiện của các tổ chức phát sóng và phục vụ cho việc phát sóng của chính tổ chức phát sóng, sử dụng chỉ nhằm mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
Thời hạn bảo hộ phải kéo dài ít nhất cho đến khi kết thúc thời hạn 20 năm, tính từ khi kết thúc năm bản ghi âm, cuộc biểu diễn được định hình (trường hợp cuộc biểu diễn không được định hình thì tính từ khi nó được tiến hành), chương trình phát sóng được thực hiện. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là các tổ chức đồng quản lí Công ước. Các tổ chức đồng quản lí chỉ định Ban thư ký. Một ủy ban liên Chính phủ được thành lập gồm đại diện của 12 quốc gia kí kết, có nhiệm vụ xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến Công ước.
Công ước Rome không quy định về việc tạo ra một Liên hiệp và tài chính riêng. Đến ngày 15-7-2009 Công ước Rome có 88 quốc gia thành viên. Công ước Rome có hiệu lực tại Việt Nam ngày 1-3-2007.
|
Công ước UCC |
Công ước quyền tác giả toàn cầu (Công ước UCC) bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, do Tổ chức các nước châu Mỹ quản lí, được thông qua tại Geneva, Thụy Sỹ ngày 6-9-1952 và sửa đổi ngày 24-7-1971 tại Paris Cộng hòa Pháp. Công ước UCC gồm có 21 điều, phần phụ lục, nghị quyết và biên bản, để mở cho bất kì quốc gia nào đệ đơn gia nhập. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được gửi tới Tổng Thư kí Liên hợp quốc. Công ước quy định các quốc gia thành viên có quy định bảo hộ quyền tác giả phải coi điều kiện được đáp ứng khi trên các bản sao của tác phẩm được công bố lần đầu tiên có dấu hiệu chữ “C” bên trong vòng tròn (©).
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả không ngắn hơn cuộc đời tác giả và 25 năm sau khi tác giả chết. Thuật ngữ “công bố” có nghĩa là việc làm ra các bản sao từ bản gốc tác phẩm và đưa các bản sao đó đến công chúng, với điều kiện bản sao đó phải đọc được hoặc cảm nhận được. Công bố đồng thời ở hai hay nhiều nước là việc công bố trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố đầu tiên tại quốc gia.
Công ước UCC đặc biệt quy định về quyền dịch, các hạn chế và ngoại lệ đối với quyền này. Thời hạn xin cấp giấy phép dịch thuật cưỡng bức đối với tác phẩm đã công bố là 7 năm, với điều kiện là người nắm giữ quyền dịch thuật không công bố bản dịch của mình bằng ngôn ngữ phổ thông tại nước có liên quan. Thời hạn này có thể giảm xuống còn 3 hoặc 1 năm, tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể.
Công ước có quy định lập ủy ban liên Chính phủ đóng vai trò quản lí và điều hành Công ước. Đến ngày 15-7-2009 Công ước UCC có 100 quốc gia thành viên. Tại thời điểm này Việt Nam chưa nộp đơn tham gia Công ước UCC.
|
Danh mục các tác phẩm âm nhạc |
Danh mục các tác phẩm âm nhạc là danh sách các tác phẩm âm nhạc do các chủ sở hữu quyền tác giả uỷ thác quyền cho các tổ chức đại diện quản lý, để cấp phép sử dụng, thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao cho tổ chức, cá nhân đã uỷ thác. Nó còn là cơ sở cho các thoả thuận có đi có lại được ký kết giữa các tổ chức quản lý tập thể quốc gia và các tổ chức tương ứng nước ngoài, về việc cấp phép sử dụng tác phẩm và phân phối tiền nhuận bút, thù lao. Tương tự như vậy, sẽ có danh mục các cuộc biểu diễn, danh mục các bản ghi âm, ghi hình, danh mục các chương trình phát sóng.
|
Dịch |
Là việc thể hiện tác phẩm viết bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của phiên bản gốc. Tác phẩm dịch thuộc loại hình tác phẩm phái sinh. Nó diễn đạt lại tác phẩm một cách trung thành và chân thực, kể cả nội dung lẫn phong cách thông qua hoạt động chuyển đổi ngôn ngữ. Quyền tác giả được trao cho các dịch giả, để thừa nhận lao động sáng tạo của họ trong việc chuyển đổi tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, việc dịch tác phẩm không được xâm hại đến các quyền tác giả của tác phẩm được dịch. Việc dịch tác phẩm phải tuân theo sự cho phép, vì quyền dịch tác phẩm là một loại quyền độc quyền thuộc quyền làm tác phẩm phái sinh trong quyền tài sản của chủ thể nắm giữ quyền tác giả.
Xem thêm các mục Phóng tác, Giấy phép bắt buộc, Tác phẩm phái sinh, Giấy phép theo luật định
Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam 2005, Điều 4(8)
Công ước Berne, Điều 2(3)
Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC), Điều V
Luật mẫu Tunis, Điều 2(1)(i)
|
Diễn văn |
Được hiểu theo các luật quyền tác giả là diễn thuyết công cộng, được chuẩn bị sẵn bằng văn bản hoặc phát biểu ứng khẩu. Chúng luôn được bảo hộ quyền tác giả với những hạn chế do luật quốc gia quy định. Một số luật quyền tác giả quy định bảo hộ có điều kiện đối với bài diễn văn dưới hình thức bằng văn bản, hoặc chí ít là tồn tại dưới dạng đề cương mà từ đó diễn văn được thực hiện.
Theo Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Việt Nam thì, diễn văn được hiểu là các bài nói khác được thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
Xem thêm mục Bài giảng, Bài phát biểu
Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam 2005, Điều 14
Công ước Berne, Điều 2(1)
|
Ghi âm tác phẩm âm nhạc |
Là việc định hình trực tiếp các âm thanh của cuộc biểu diễn tác phẩm âm nhạc có hoặc không có lời. Ghi âm tác phẩm âm nhạc là kết quả hữu hình của việc thể hiện tác phẩm âm nhạc. Điều đó cũng có nghĩa là việc sao chép các cuộc biểu diễn. Việc ghi âm tác phẩm âm nhạc nhằm mục đích để con người có thể cảm nhận lại tác phẩm âm nhạc đó, tái tạo lại, phát sóng hoặc truyền đạt. Xem thêm mục Bản ghi âm
Công ước Berne, Điều 13(1)
|
Ghi hình |
Là việc định hình tất cả các loại hình ảnh biến đổi, có liên quan tới nhau trên các dạng vật chất bền vững như là băng, đĩa, định dạng kỹ thuật số, vv... . Việc ghi hình này cho phép con người có thể cảm nhận lại, tái tạo lại, phát sóng hoặc truyền đạt. Ghi hình tác phẩm nhằm mục đích để con người có thể cảm nhận lại hình ảnh tác phẩm còn được coi như là sao chép lại tác phẩm.
Xem thêm mục Phim đèn chiếu; Định hình nghe nhìn
Công ước Berne, Điều 9(3)
Luật mẫu Tunis, Điều 7(1)(c)
|
Ghi phụ đề tác phẩm điện ảnh |
Là việc cung cấp tác phẩm điện ảnh kèm theo nội dung ký tự viết, để giải thích các sự kiện hoặc là lời đối thoại, hoặc bản dịch. Ghi phụ đề được sử dụng trong trường hợp phim câm hoặc phim có ngôn ngữ nguyên thuỷ là tiếng nước ngoài đang sử dụng trong phim. Thông thường, nó được xuất hiện ở phía dưới màn ảnh. Quyền cung cấp tác phẩm điện ảnh cùng với lời ghi phụ đề luôn hình thành một phần của quyền phóng tác điện ảnh.
Công ước Berne, Điều 14 bis (2)(b)
|
Giấy chứng nhận quyền tá giả, quyền liên quan |
Là chứng chỉ hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tác giả, các đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn đăng ký có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tác giả, các đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, giấy chứng nhận quyền liên quan không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền sở hữu đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký khi có tranh chấp, trừ trường hợp có bằng chứng ngược lại. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, giấy chứng nhận quyền liên quan đồng thời là cơ quan có thẩm quyền cấp lại, đổi, thu hồi, huỷ bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đã cấp.
Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, Điều 49, 50, 51
|
Giấy phép |
Là sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan (thường được gọi là người cấp phép) đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (thường được gọi là người được cấp phép). Người được cấp phép chỉ được sử dụng theo giới hạn, cách thức, phù hợp với các điều kiện đã được thỏa thuận với bên cấp phép ghi tại một hợp đồng. Không giống như việc chuyển giao quyền, một giấy phép sử dụng không dịch chuyển quyền sở hữu; nó chỉ xác lập quyền hoặc các quyền về việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, quyền sở hữu vẫn thuộc về người cấp phép nhưng bị giới hạn trong phạm vi hợp đồng đã cấp. Giấy phép có thể là độc quyền hoặc không độc quyền, có thể chuyển giao hoặc không thể chuyển giao. Trong trường hợp không độc quyền, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể cấp các giấy phép tương tự một cách hợp pháp cho những tổ chức, cá nhân khác. Thông thường tổ chức, cá nhân được cấp phép cũng giành được quyền khai thác giấy phép của mình thông qua việc chuyển giao hoặc chuyển lại giấy phép sử dụng này cho tổ chức, cá nhân khác. Giấy phép này gọi là giấy phép thứ cấp hay phái sinh cấp cho bên thứ ba. Các công ước quyền tác giả và luật pháp quốc gia có thể quy định các giấy phép bắt buộc và các giấy phép luật định trong các trường hợp đặc biệt cụ thể.
Xem thêm mục Khai thác các quyền tác giả
Luật Sở hữu Trí tuệ 2009, Điều 19, Điều 20, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 47
Công ước Berne, Phụ lục, Điều II(1)
Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC), Điều V(2)
Luật mẫu Tunis, Điều A2(1)
|
Giấy phép bắt buộc |
Được hiểu chung là một hình thức cho phép đặc biệt, do các cơ quan có thẩm quyền hoặc các tổ chức quản lý tập thể của tác giả thực hiện, theo những điều kiện cụ thể đối với việc sử dụng các tác phẩm cụ thể. Khác với loại giấy phép luật định cho phép sử dụng tác phẩm không cần bất kỳ đơn xin trước hoặc thông báo trước, giấy phép bắt buộc phải có đơn xin phép trước và phải được cấp giấy phép chính thức, hoặc chí ít là việc thông báo trước cho chủ sở hữu quyền tác giả. Giấy phép bắt buộc theo Công ước Berne, áp dụng đối với các bản ghi âm tác phẩm âm nhạc mà việc ghi âm này đã từng được tác giả cho phép, và áp dụng việc cấp phép bắt buộc cho các tác phẩm được phát sóng. Giấy phép bắt buộc theo Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC) áp dụng đối với bản dịch các tác phẩm viết sang ngôn ngữ thông dụng ở một số quốc gia sau 7 năm kể từ khi tác phẩm viết đó được công bố lần đầu tiên. Giấy phép bắt buộc được quy định theo hai công ước trên dành cho lợi ích của các nước đang phát triển, nhờ đó tự các nước này có thể tận dụng các điều kiện thuận lợi này để thông qua một tuyên bố phù hợp về việc áp dụng các quy định đó. Các nước có thể cho phép việc sử dụng các tác phẩm nước ngoài đã được xuất bản, bản dịch tác phẩm loại này sang ngôn ngữ thông dụng ở nước mình, phục vụ cho mục đích giảng dậy, học tập và nghiên cứu khoa học; hoặc dưới hình thức sao chép cho việc sử dụng gắn với các hoạt động hướng dẫn có hệ thống. Giấy phép bắt buộc phải cấp các quyền không độc quyền; quyền đó không chuyển giao được và bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đã cấp. Việc trả nhuận bút, thù lao thoả đáng cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả gần như là điều kiện để thực hiện tất cả các loại giấy phép bắt buộc; trong một số trường hợp điều này được quy định rõ ràng bằng văn bản.
Xem thêm mục Bù đắp hợp lý
Công ước Berne, Điều I, II, III, IV Phụ lục
Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC), Điều 7
|
Giấy phép luật định |
Là sự cấp phép được thực hiện thông qua pháp luật đối với việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo cách thức đặc biệt, với các điều kiện nhất định, đánh đổi lại là việc bên sử dụng giấy phép luật định phải thanh toán một khoản nhuận bút, thù lao cho tác giả. Giấy phép luật định còn được gọi là "giấy phép pháp lý". Công ước Berne cho phép luật pháp quốc gia đưa ra quy định về giấy phép luật định đối với phát sóng tác phẩm, theo cách thức mà từ đó không ảnh hưởng tới các quyền tinh thần của tác giả, và quy định về việc thanh toán một khoản tiền nhuận bút, thù lao thoả đáng. Khả năng đưa ra giấy phép luật định cũng thuộc phạm vi quy định trong Công ước Berne, đối với việc sao chép trong các trường hợp đặc biệt nhất định và ghi âm các tác phẩm âm nhạc, tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể.
Xem thêm các mục Giấy phép bắt buộc, Giấy phép
Luật Sở hữu Trí tuệ 2009, Điều 26, 33
Công ước Berne, Điều 9(2), 11 bis (2), (3), 13(1)
|
Giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan |
Là những hạn chế về quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan hay còn được hiểu như là các "ngoại lệ" của quyền tác giả, quyền liên quan. Giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan là quy định liên quan tới việc khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bảng ghi âm hình, chương trình sóng các trường hợp đặc biệt, cụ thể nhằm đáp ứng các nhu cầu chính đáng phục vụ công tác thông tin, nghiên cứu khoa học, giảng dậy và chính sách xã hội. Hình thức chủ yếu của những hạn chế này là các trường hợp sử dụng tự do đã công bố, trong đó có trường hợp phải thanh toán tiền sử dụng, có trường hợp không phải thanh toán tiền sử dụng.
Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Việt Nam đã đưa ra các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan. Đó là việc sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố, không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, trừ các trường hợp sử dụng tự do quyền tác giả, quyền liên quan và phải ghi hoặc nhắc tên tác giả và nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam 2009, Điều 25, 26, 32, 33
|
RolIETyIAH |
Your's is a point of view where real itnellgiecne shines through.
|