Tranh chấp nhãn hiệu Cadi Sun và Cadivi

Giải pháp “hoà bình” Có nhiều cách giải quyết tranh chấp và cạnh tranh không lành mạnh như bằng toà án, bằng quyết định hành chính của cơ quan quản lý cạnh tranh hoặc bằng hoà giải. Với toà án và quyết định hành chính thường DN phải chịu nhiều tổn thất về tài chính, tinh thần và thời gian.

Nhưng với con đường hoà giải những tổn thất trên thường ở mức thấp nhất - Đây chính là trường hợp giải quyết tranh chấp nhãn hiệu Cadi - Sun và Cadivi.

Bằng một buổi họp báo khẳng định thương hiệu Cadi - Sun, Cty Dây và cáp điện Thượng Đình - Chủ nhân của nhãn hiệu dây cáp điện Cadi - Sun đã chính thức tuyên bố kết thúc cuộc tranh chấp giữa 2 nhãn hiệu dây cáp điện Cadi - Sun và Cadivi.

- Trở lại vụ việc

Nhãn hiệu Cadi - Sun của Cty Thượng Đình nộp đơn từ ngày 13/4/1999 và được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu hàng hoá Cadi - Sun số 40771 ngày 18/4/2002 với logo đặc trưng. Nhưng đến đầu năm 2003, trên một tờ báo có tên tuổi lại đăng một mẫu quảng cáo: "Cty dây và cáp điện VN Cadivi thông báo gần đây có nhiều khách hàng điện thoại tới Cty Cadivi để hỏi về nhãn hiệu Cadi - Sun. Chúng tôi xin thông báo tới quý khách hàng nhãn hiệu Cadi - Sun không có bất cứ liên quan gì đến thương hiệu Cadivi. Để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái xin quý khách đặc biệt chú ý trên bao bì sản phẩm luôn có in logo kèm theo chữ Cadivi...".

Với thông báo trên, Cty Thượng Đình rõ ràng đã bị một đòn choáng váng vì không ít khách hàng quan trọng đã gọi điện đến thông báo là nhãn hiệu Cadi - Sun là hàng nhái hàng giả của Cadivi. Tiếp đó, đến tháng 9/2003 lại một tờ báo khoa học nữa đăng bài viết với nội dung "Cadivi đối mặt với hàng nhái Cadi - Sun”. Bài viết khẳng định “Cadi - Sun là hàng nhái, ăn theo nhãn hiệu Cadivi". Đầu năm 2004, Cadivi còn làm đơn lên Cục SHTT đề nghị huỷ bỏ nhãn hiệu Cadi - Sun của Thượng Đình. Tất nhiên yêu cầu này đã không được Cty Thượng Đình và Cục Sở hữu Trí tuệ chấp thuận. Cty Thượng Đình đã làm nhiều công văn gửi các cơ quan thông tin đại chúng cũng như các cơ quan chức năng về hành động cạnh tranh không lành mạnh trên.

- Chọn con đường hoà giải

Thật may là cả Cty Thượng Đình và Cty Cadivi đều là thành viên của Hiệp hội Năng lượng VN. Với vai trò trung gian, hiệp hội đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ cho 2 DN thương lượng, hoà giải và cuối cùng cũng đã đi được đến thống nhất công nhận lẫn nhau, không tranh chấp nhãn hiệu nữa.

Nhưng dư âm của những bài báo và quảng cáo trước kia vẫn ám ảnh cuộc tranh chấp. Cuối năm 2006, trên Tạp chí Công nghiệp vẫn đăng bài về tranh chấp nhãn hiệu hàng hoá với ví dụ điển hình là vụ việc "nhãn hiện Cadi - Sun nhái và ăn theo nhãn hiệu Cadivi". Cty Thượng Đình đã gửi công văn khiếu nại nội dung trên và đã được Tạp chí Công nghiệp cho đính chính.

Theo ông Nguyễn Lương Hoà - Giám đốc Cty Thượng Đình, những thiệt hại do những bài báo và tin quảng cáo trên một số báo đến thương hiệu Cadi - Sun, tài sản hữu hình của Cty là vô cùng lớn và thật khó có thể cân đo, đóng đếm được. Tuy nhiên, Cty hoàn toàn không truy cứu lại những thiệt hại trên mà quyết định chấm dứt tranh chấp, kết thúc trong hoà bình bằng một cuộc họp báo khẳng định thương hiệu.

Người có vai trò chính trong việc hoà giải, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN thì cho rằng, thiện chí hoà giải giữa 2 Cty là rất đáng hoan nghênh. Theo ông Ngãi, nhãn hiệu Cadivi (cáp điện VN) và Cadi - Sun (cáp điện mặt trời) đều là những thương hiệu mạnh của VN. Những thương hiệu này đều đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Chúng ta phải cùng nhau tiếp tục xây dựng và củng cố thương hiệu để cạnh tranh với những thương hiệu khác trên thế giới chứ không nên chơi kiểu “gà cùng một mẹ đá nhau".

 

theo dddn.com.vn

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan