Tranh cãi bất tận về chi phí quảng cáo, tiếp thị

Tranh cãi bất tận về chi phí quảng cáo, tiếp thị

Hạn chế chi phí tiếp thị và quảng cáo chính là vấn đề đã bị “treo” lâu nhất tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trong khi nhiều vấn đề khác tưởng như khó khăn hơn đã được giải quyết.



Hạn chế chi phí tiếp thị, quảng cáo ở mức 10% tổng chi phí hợp lý như hiện nay là một quy định không nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng có cái lý riêng của mình.

Gặp nhau tại một hội thảo chuyên đề về vấn đề này vừa diễn ra, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều có chung một nhận xét rằng đây là một quy định quá cứng nhắc và cần được sửa đổi ngay cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khoản 9, điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định rằng chi phí dành cho “quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” không được vượt quá 10% tổng số chi được trừ, đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng hạn chế chi quảng cáo như hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nếu không có khuyến mại, không quảng cáo, không có sản phẩm dùng thử rất khó bán hàng và đây là những chi phí thực tế để bán được hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải, nói rằng mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại như hiện nay chỉ phù hợp với thời kinh tế bao cấp khi không cần quan tâm đến quảng cáo, tiếp thị. Ông cho biết có những doanh nghiệp phải “lách luật” theo kiểu làm biển quảng cáo tấm lớn, nhưng lại hạch toán thuê tài sản!

Đáng nói là không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng liên tục phản đối quy định này. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, trong gần 10 năm qua, Nhóm công tác sản xuất và phân phối vẫn liên tục đưa nội dung này vào bản kiến nghị hàng năm.

Theo ông Fred Burke, Trưởng nhóm này thì vấn đề hạn chế chi phí tiếp thị và quảng cáo chính là vấn đề đã bị “treo” lâu nhất tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trong khi nhiều vấn đề khác tưởng như khó khăn hơn đã được giải quyết.

Tuy nhiên, điều tưởng như rất bất hợp lý này lại đang được duy trì và có thể sẽ được duy trì dài hạn vì liên quan đến vấn đề lợi ích của quốc gia. Theo ông Quách Đức Pháp, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thì nếu không giới hạn phần chi phí này, các doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ “biểu diễn kỹ thuật” để hạn chế phần thuế phải đóng.

Vị chuyên gia nguyên là quan chức ngành thuế này nói rằng trong thực tế, đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất, mức chi quảng cáo tiếp thị tương đối thấp và nhiều doanh nghiệp không sử dụng hết hạn mức này.

Cụ thể, doanh nghiệp các ngành xi măng, thép, dệt may chỉ chi không quá 3%, doanh nghiệp vận tải, viễn thông chi không quá 5% cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm… thì mức chi phí cho các hoạt động này lại rất lớn, vượt xa hạn mức 10%.

Bên cạnh đó còn có rắc rối xảy ra đối với một số công ty liên doanh mà phía Việt Nam luôn bị thiệt thòi. Phía nước ngoài trong các liên doanh thường dựa vào nguồn lực từ công ty mẹ ở nước ngoài nên sẵn sàng chi quảng cáo lớn khiến cho công ty liên doanh thua lỗ nhiều năm, dẫn tới việc phía Việt Nam không “chịu được nhiệt” và phải chuyển nhượng phần vốn của mình, qua đó công ty liên doanh sẽ trở thành 100% vốn nước ngoài. Đây không chỉ là tình huống lý thuyết mà trên thực tế đã xảy ra nhiều lần.

Chính vì vậy mà theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính thì đây là một bài toán khó giải về chính sách hiện nay. Vị đại diện này cho biết Bộ Tài chính sẵn sàng tiếp thu, đệ trình Chính phủ và Quốc hội sửa quy định này, nhưng  rất muốn lắng nghe các ý kiến góp ý để có thể đưa ra được một chính sách thực sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ được lợi ích của Việt Nam.

Một điểm quan trọng là vào năm 2013, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được sửa đổi và rất có thể luật này sẽ nới dần tỷ lệ chi quảng cáo tiếp thị, giai đoạn trước mắt có thể nâng lên tỷ lệ 15%.

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan