Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Him Lam Land, Hưng Thịnh Corp, Nam Long, Nova Land… đã hoặc đang dở khóc dở cười với cảnh các doanh nghiệp “vô tình” cùng tên, thậm chí có ý đồ nhái thương hiệu để “làm liều”.
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Him Lam Land, Hưng Thịnh Corp, Nam Long, Nova Land… đã hoặc đang dở khóc dở cười với cảnh các doanh nghiệp “vô tình” cùng tên, thậm chí có ý đồ nhái thương hiệu để “làm liều”.
» Đăng ký nhãn hiệu tư vấn xây dựng
Đau đầu với việc bị “trùng tên”
Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh vừa phát đi thông báo trên website cho biết, Công ty không có bất cứ liên quan gì tới Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Group có trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TP.HCM. Thông báo trên đến từ việc Công ty Hưng Thịnh Group bị hàng trăm khách hàng kéo tới trụ sở đòi lại tiền mua đất nền dự án Hưng Thịnh Cát Tường tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vì cho rằng, chủ đầu tư không chịu giao nền đất đã bán.
Vụ việc lùm xùm này chưa rõ đúng sai, nhưng nó khiến Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh hay còn được gọi là Tập đoàn Hưng Thịnh Corp mang “tai tiếng” vì nhiều người lầm tưởng đó chính là vụ việc của họ.
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land cho biết, đơn vị này vừa phát đi thông báo về việc Công ty bị một doanh nghiệp môi giới nhỏ “nhái” thương hiệu tại Dự án khu dân cư Him Lam Chợ Lớn tại quận 6, TP.HCM.
Bà Cao Nghiêm Thục Hiền, Trưởng bộ phận Truyền thông Marketing Him Lam Land cho biết, thời gian đó, trên các trang quảng cáo của Google, Facebook liên tục xuất hiện thông tin quảng cáo mở bán nhà phố Him Lam Chợ Lớn quận 6, với diện tích từ 40 - 70 m2.
Đặc biệt, trên giao diện của trang quảng cáo này lại để hình Dự án Him Lam Phú An tại quận 9 mà Him Lam Land là chủ đầu tư và đang mở bán. “Đây là chiêu nhái thương hiệu của Him Lam Land. Hiện chúng tôi đang tiến hành các bước cần thiết với doanh nghiệp nhái thương hiệu dự án Him Lam để bảo vệ mình”, bà Hiền nói.
Liên hệ với số điện thoại trên trang quảng cáo, phóng viên được nhân viên tên Hoàng cho biết, dự án này nằm cạnh khu dân cư Him Lam Chợ Lớn, của Công ty cổ phần Bất động sản CNB Việt Nam, dự án với 29 căn hộ diện tích từ 37 - 70 m2. Công ty này do ông Phạm Văn Thảo làm đại diện pháp lý, được thành lập vào tháng 11/2017.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Công ty Him Lam Land bị "ăn theo", vì vào cuối năm 2017, doanh nghiệp này cũng bị nhái thương hiệu tại Dự án khu dân cư Him Lam quận 7. Theo đó, vào tháng 12/2017, trên nhiều tuyến đường của TP.HCM xuất hiện nhân viên phát tờ rơi quảng cáo bán dự án đất nền khu dân cư Him Lam 2 tại quận 7, TP.HCM.
Tuy nhiên, thực tế đây là dự án nhái thương hiệu Him Lam, bởi theo phía Him Lam Land, trước đây, Công ty đã phát triển thành công một dự án tại quận 7, nhưng sau dự án này thì không phát triển thêm bất kỳ dự án nào khác tại khu Nam, đặc biệt là không triển khai dự án phân lô bán nền. Với sự thành công của Dự án Him Lam quận 7, cũng như uy tín của Him Lam Land, nên doanh nghiệp trên đã gắn tên Him Lam vào dự án này.
Cũng đau đầu với việc bị trùng tên thương hiệu, theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, hiện Tập đoàn Nam Long đang tiến hành khởi kiện doanh nghiệp Nam Long Real vì công ty này đang sử dụng thương hiệu Nam Long để bán dự án phân lô tại tỉnh Bình Dương. Câu chuyện này bắt đầu từ việc gần đây khách hàng liên tục nhận được điện thoại của môi giới bất động sản giới thiệu người của Tập đoàn Nam Long bán dự án phân lô tại tỉnh Bình Dương.
Trong đó, khách hàng được nhân viên mời lên xe xuống coi dự án và khẳng định đây là dự án của Tập đoàn Nam Long, dự án cũng được mang tên khu dân cư Nam Long. Trong khi đó, phía Tập đoàn Nam Long cho biết, họ không hề có bất cứ dự án đất nền nào ở Bình Dương, cũng như việc nhái thương hiệu Nam Long đang gây ảnh hưởng xấu tới uy tín doanh nghiệp Nam Long.
Trên thực tế, Nam Long Real đang bị một số khách hàng tố cáo có nhiều khuất tất trong việc mở bán dự án tại Vũng Tàu. Nội tình vụ việc cũng được thông tin chi tiết trong số báo này.
Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp địa ốc lớn bị trùng tên hoặc cố tình mạo danh. Trước đó, Nova Land cũng phải phát đi thông báo về việc Công ty bị mạo danh.
Cụ thể, tháng 3/2016, Nova Land cho biết, đơn vị này bị mạo danh tên dự án Sunrise City tại Hà Nội. Theo Nova Land, thương hiệu Sunrise City đã được Công ty bảo hộ độc quyền và phát triển một dự án mang tên này tại TP.HCM.
Ngoài các doanh nghiệp trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã từng bị nhái thương hiệu khi một người tại TP.HCM lập ra công ty mang tên Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Dầu khí Petroconex để bán dự án bất động sản dạng phân lô bán nền tại quận 7…
Theo một luật sư có chuyên môn sâu về bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đối với các sản phẩm mà uy tín của nhà phát triển được coi trọng như bất động sản, việc đặt tên “na ná” các dự án hoặc chủ đầu tư uy tín diễn ra khá nhiều. Những vụ việc để cập ở trên là vụ việc lớn, thậm chí đã gây hậu quả. Còn trên thực tế, có rất nhiều sự vụ lẻ tẻ diễn ra.
Với người dân, mở điện thoại là thấy tin nhắn hay liên tục bị các cuộc điện thoại tra tấn, mở email là thấy tràn ngập các thư điện tử này, kết nối vào các mạng xã hội thì cũng liên tục nhận được các thông tin và có cả các cuộc quảng cáo bài bản chạy thông qua nhà cung cấp dịch vụ. Nếu ra đường là gặp tờ quảng cáo, tờ rơi bủa vây khắp nơi. Trong sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều nhân viên môi giới cũng có những “chiêu trò” lập lờ tên tuổi dự án để chiêu dụ khách hàng.
Doanh nghiệp khó bảo vệ thương hiệu
Bà Phạm Trang, Giám đốc Maketing Tập đoàn Hưng Thịnh Corp cho biết, tập đoàn được thành lập từ năm 2003 tới nay và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, chủ đầu tư dự án, sàn giao dịch bất động sản. Trong khi đó, phía Công ty Hưng Thịnh Group chỉ mới thành lập cách đây chưa tới 2 năm và hoạt động chủ yếu là môi giới bán hàng. Tuy nhiên, Hưng Thịnh Corp khá nan giải trong việc bảo vệ thương hiệu hợp pháp của mình. “Chúng tôi đã tìm hiểu cụ thể Luật Sở hữu trí tuệ và thương hiệu, trong đó luật quy định, nếu bị nhái thương thiệu phải là nhái toàn bộ tên thương hiệu kèm logo của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, chúng tôi không thể khởi kiện để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình, mà chỉ có thể tự bảo vệ bằng việc đăng tải thông tin trên website của doanh nghiệp mình với thông tin bị nhái thương hiệu”, bà Trang nói.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, vấn nạn hàng giả, mạo danh xảy ra nhiều tại lĩnh vực trong đời sống, tuy nhiên điều lạ là trong lĩnh vực bất động sản, thì những hành vi này lại mặc sức lộng hành. Đối tượng vi phạm thường là một số công ty môi giới và phần nhiều là cá nhân các nhân viên môi giới tự thực hiện chiêu nhằm chèo kéo khách riêng. Nhiều người mua nhà tố việc quảng cáo, giới thiệu hoặc mạo danh nhưng lại ít thấy các chủ đầu tư này lên tiếng hoặc có những hành động kịp thời để loại trừ các hành vi vi phạm này.
Chính vì vậy, lĩnh vực bất động sản trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều cá nhân môi giới mặc sức tung hoành, ăn theo các thương hiệu lớn để chiêu dụ người tiêu dùng. Chỉ cần vài triệu đồng, một môi giới đã có thể lập một website mạo danh chủ đầu tư rồi thả sức quảng cáo trên google, gọi điện, nhắn tin… như một chủ đầu tư chuyên nghiệp. Sự việc này không mới nhưng dường như các chủ đầu tư vẫn không có động thái tích cực nào để “dẹp loạn”, để mặc người mua tự đương đầu với những cạm bẫy giăng khắp nơi.
“Trước đây, những hành vi nhái thương hiệu thường được thực hiện qua việc gọi điện thoại, gửi email, dán tờ quảng cáo nơi công cộng, phát tờ rơi. Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ và việc sử dụng nhiều thế hệ điện thoại thông minh có thể truy cập internet, các mạng xã hội phát triển (facebook, zalo, viber,….) thì đang bùng phát các hành vi một vài cá nhân mạo danh chủ đầu tư, doanh nghiệp khác và cả ngân hàng”, luật sư Phượng nói.
Để bảo vệ thương hiệu của mình, ông Phượng cho rằng, doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu công ty, nhãn hiệu cho dự án để xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đây là cơ sở pháp lý không thể thiếu trong quá trình bảo vệ thương hiệu. Ở phương diện chung, tùy theo hình thức vi phạm và cơ sở pháp lý của thương hiệu, cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp xử lý tương ứng.
Nếu người vi phạm lập website thuộc quản lý của Việt Nam (có đuôi .vn) thì có thể sử dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo… để đề nghị Cơ quan cấp tên miền thu hồi lại tên miền này với lý do vi phạm nhãn hiệu đã đăng ký hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Đối với các website không thuộc Việt Nam quản lý (không có đuôi .vn) hoặc qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo, viber,…) thì có thể đóng vai người mua để thu thập chứng cứ về những vi phạm của các cá nhân lập ra trang web nhái để trục lợi.
Kể cả việc chưa đăng ký nhãn hiệu thì vẫn có thể áp dụng Bộ luật Dân sự, Luật Quảng cáo để đề nghị cơ quan chức năng xử lý người vi phạm. Trong quá trình thu thập chứng cứ, có thể mời Thừa phát lại lập các vi bằng cần thiết để sử dụng làm chứng cứ cho việc chứng minh vi phạm. Đối với những vi phạm về nhãn hiệu thì có thể yêu cầu tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. “Trên thực tế, hiện nay có nhiều công ty và luật sư có hoạt động chuyên về theo dõi và phòng chống vi phạm về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh. Họ có chuyên môn và kinh nghiệm, đủ sức xử lý các trường hợp vi phạm này.
Vấn đề đặt ra hiện nay là quan điểm và trách nhiệm của các chủ đầu tư như thế nào trước hiện tượng này? Chỉ cần có quyết tâm thì đủ sức xử lý và khi đã xử lý vài trường hợp thì tình trạng này sẽ không còn dám lộng hành như hiện nay. Mặt khác, thông qua việc doanh nghiệp quyết liệt bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, người mua càng tin tưởng hơn vào các sản phẩm do đơn vị đó triển khai”, ông Phượng nói.
Nhiều thương hiệu bất động sản bị nhái, nhưng rất ít đơn vị lên tiếng
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW Có thể thấy, việc "nhái" thương hiệu trong kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp nhái gây ra các sự cố, các scandal có thể tác động nghiêm trọng tới uy tín, doanh thu cụ thể của thương hiệu bất động sản. Trong một số lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực hàng tiêu dùng và xe máy, khi các doanh nghiệp bị vi phạm về nhãn hiệu như sử dụng tên trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn thì các doanh nghiệp này sẽ cương quyết xử lý vi phạm. Họ thường có một bộ phận theo dõi thị trường, khi phát hiện hành vi vi phạm sẽ ngay lập tức thu thập chứng cứ, sau đó sẽ dùng các biện pháp về hành chính, dân sự và thậm chí cả hình sự để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo quan sát của tôi, trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều thương hiệu bị nhái, nhưng rất ít vụ việc được các bên đem ra cơ quan pháp luật để xử lý, gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới chủ sở hữu nhãn hiệu. Có thể lý giải một số nguyên nhân của tình trạng này:
Thứ nhất, giữa các chủ đầu tư thường có quan hệ với nhau, đôi khi là mật thiết, vì vậy có thể có sự nể nang, không xử lý.
Thứ hai, các chủ đầu tư khi chọn một tên đẹp cho dự án lại quên đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, và nếu không đăng ký, khi một bên khác sử dụng nhãn hiệu đó, họ sẽ không có cơ sở để xử lý.
Thứ ba, khi phát hiện ra vi phạm, các chủ đầu tư cũng không muốn đưa ra xử lý vì ngại đụng đến vấn đề pháp lý, truyền thông biết sẽ khó bán hàng.
Để bảo vệ mình về mặt pháp lý liên quan đến thương hiệu, theo tôi, các chủ đầu tư cần chú ý đến những vấn đề sau.
Một là, khi tìm kiếm tên cho một dự án, cần chọn nhiều tên, sau đó thuê luật sư sở hữu trí tuệ kiểm tra xem khả năng đăng ký nhãn hiệu có được không? Nếu được sẽ lựa chọn tên đó để đăng ký. Nếu tên đã trùng và tương tự gây nhầm lẫn với thương hiệu khác rồi thì nên tránh, không nên cố đấm ăn xôi, có thể sẽ rắc rối về sau.
Hai là, khi bị vi phạm nhãn hiệu, ví dụ thương hiệu của mình là Hưng Thịnh, đã đăng ký nhãn hiệu rồi, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng, có đơn vị khác lấy chữ Hưng Thịnh hoặc Hưng Thịnh Group, thì có thể lựa chọn các cách xử lý sau:
- Lập vi bằng về hành vi vi phạm.
- Gửi bằng chứng vi phạm và đề nghị cơ quan giám định sở hữu trí tuệ kết luận về khả năng vi phạm.
- Gửi thư cảnh báo vi phạm đến bên vi phạm, cho họ thời gian khắc phục, nếu họ không khắc phục và dừng hành vi vi phạm thì:
+ Đề nghị thanh tra sở hữu trí tuệ tiến hành thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính.
+ Khởi kiện ra toà để ngừng hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại
+ Nếu thiệt hại lớn và chứng minh được thì có thể đề nghị khởi tố vụ án hình sự.
» Xây dựng thương hiệu mới cần chú ý vấn đề pháp lý
Nếu họ không ‘nhái’ 100%, chúng tôi không thể kiện
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh Corp Câu chuyện thực tế hiện nay đó là dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhiều doanh nghiệp vẫn bị xâm hại thương hiệu và khi bị xâm phạm thì doanh nghiệp lại không thể bảo vệ được thương hiệu của mình.
Việc doanh nghiệp địa ốc bị xâm phạm thương hiệu đến từ nhiều khía cạnh, khoảng 2 năm trở lại đây diễn ra phổ biến.
Lý do cụ thể đến từ việc vừa qua, có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được thành lập mới. Các doanh nghiệp này đa phần hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh môi giới bất động sản, trong khi, ngành bất động sản là ngành đặc thù, khách hàng sẽ chọn các doanh nghiệp có thương hiệu để mua.
Chính vì vậy, để bán được hàng, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ “dựa hơi” thương hiệu doanh nghiệp lớn để gắn vào tên doanh nghiệp hoặc tên dự án để bán hàng. Các doanh nghiệp cố tình nhái thương hiệu thường có tính toán rất kỹ, bởi theo luật thì việc xâm phạm thương hiệu doanh nghiệp phải là toàn bộ tên doanh nghiệp, kèm logo doanh nghiệp đã đăng ký.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lại lập dự án hoặc tên công ty na ná tên doanh nghiệp lớn và logo cũng khác với logo của doanh nghiệp mà họ nhái để doanh nghiệp và cơ quan chức năng không thể xử lý được.
Tại Hưng Thịnh Corp, chúng tôi dùng biện pháp cuối cùng để bảo vệ mình bằng cách ghi tên các sàn giao dịch, trụ sở công ty và "Lưu ý: Hưng Thịnh Corp bao gồm hệ thống các công ty thành viên được công bố chính thức theo thông tin như trên.
Các tổ chức, đơn vị khác ngoài hệ thống này không thuộc sự quản lý của Hưng Thịnh Corp. Quý đối tác và Quý khách hàng xin vui lòng lưu ý để tránh nhầm lẫn trong các hoạt động giao dịch, kinh doanh".
Còn theo luật, chúng tôi, không thể bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình với các doanh nghiệp nhái thương hiệu khác khi họ không “nhái” 100%, trong khi chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng lớn nếu “doanh nghiệp nhái” đó làm sai.
Doanh nghiệp nên tính tới tất cả các biện pháp như hành chính, dân sự, hình sự để bảo vệ quyền vào lợi ích hợp pháp của mình
Ông Hoàng Anh Dũng, Chuyên gia Marketing - CEO Công ty Mr. Marketing Việt Nam Về khía cạnh luật pháp, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định rõ 2 khái niệm chính là nhãn hiệu và thương hiệu. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá và dịch vụ của các tổ chức và cá nhân khác nhau.
Trong khi đó, thương hiệu lại mang định nghĩa rộng và phức tạp, là các dấu hiệu (cả phần hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết sản phẩm hay dịch vụ được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức. Xét trên góc độ marketing, nhãn hiệu hay thương hiệu doanh nghiệp là nỗ lực xây dựng mang tính xuyên suốt nằm trong chuỗi giá trị đầu tư của doanh nghiệp đó, bao gồm các yếu tố như tên, hình ảnh, sự nhận biết hệ thống nhận diện, các nguyên tắc tuỳ biến chỉnh sửa khi cần thiết, tài sản thương hiệu, sự trung thành, phần mở rộng và quy chuẩn phát triển của các thương hiệu con.
Quá trình xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực (thời gian, công sức, trí tuệ và tiền của) nhằm đạt được 3 mục tiêu chính, đó là tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cùng ngành, xây dựng - củng cố - thắt chặt mối quan hệ với khách hàng, gia tăng tài sản thương hiệu xét trên góc độ giá trị mang lại cho khách hàng, nhà đầu tư. Nhãn hiệu và thương hiệu, về lý thuyết đều có thể định giá nhằm mục đích xác định tài sản, góp vốn hay chuyển nhượng, chuyển giao quyền.
Việc vi phạm nhãn hiệu hàng hoá hay thương hiệu của doanh nghiệp chính là hành vi “đánh cắp” chất xám và xâm phạm tài sản cần phải được xử lý nghiêm khắc.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần hành lang pháp lý vững mạnh và trên hết là sự quyết liệt của các cơ quan công quyền. Khi chủ sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu hoặc các tài sản trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng, bản quyền tác giả nếu nhận thấy có hành vi xâm phạm quyền của bên thứ ba, họ nên tính tới tất cả các biện pháp như hành chính, dân sự, hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán