Tiêu thụ hàng giả, hàng lậu

Tiêu thụ hàng giả, hàng lậu

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có bài trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Luật sư Việt Nam liên quan đến vấn đề tiêu thụ hàng giả, hàng lậu hiện nay. Cụ thể như sau:

 

 

Liên quan đến vụ việc nhiều mặt hàng được bán livestream (phát hình trực tiếp trên mạng) có chất lượng trung bình hoặc thấp, không ít sản phẩm là hàng lậu, hàng giả đội lốt hàng hiệu. Như ngày 22/2, cơ quan chức năng ở Đồng Nai phát hiện 20 người đang livestream bán hàng trong một kho hàng rộng 600m2. Hàng hoá phần lớn được gắn mác là từ Mỹ nhưng không có hoá đơn, chứng từ. Ngày 18/3, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định triệt phá kho hàng nhái Hermès, LV, Chanel lớn nhất miền Bắc ở xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản. Theo lực lượng quản lý thị trường tỉnh này, gần 30 nghìn sản phẩm (ước tính trị giá 6 tỷ đồng) không có nguồn gốc. Chủ kho hàng này mở hàng chục tài khoản mạng xã hội để livestream bán hàng và dùng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển.

Vậy thưa luật sư, các hành vi trên có được coi là hành vi vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả không? Việc truy thuế sẽ tính ra sao trong trường hợp này? Luật sư có kiến nghị giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật và chấm dứt tình trạng trên.

Trả lời:

- Theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả gồm:

“[…] đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.”

Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 94/2015/TTLT - BTC - BCT - BCA - BQP quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường quy định: "Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này ngay tại thời điểm kiểm tra."

Theo đó, việc nhiều cá nhân, tổ chức buôn bán các mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Hermès, LV, Chanel, công khai trên các các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử thì theo quy định của pháp luật Việt Nam được coi là hành vi vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả.

- Việc truy thu thuế là quyết định hành chính của cơ quan thuế, yêu cầu đối tượng nộp thuế cần phải nộp phần thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Theo quy định Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh đạt doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định.

Hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nếu nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế được quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Đối với pháp nhân thì có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Theo điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản; Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Như vậy, trong trường hợp này Cục Thuế có thể liên kết với các Ngân hàng để tiến hành việc truy thu thuế.

-  Tình trạng lợi dụng sàn thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu như hiện nay đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng. Để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật và chấm dứt tình trạng trên thiết nghĩ cần:

Thứ nhất, cần hoàn chỉnh, bổ sung các khái niệm, các quy định đối tượng thu thuế từ kinh doanh, đầu tư trên nền tảng công nghệ; cần có quy định sàn TMĐT và người bán hàng TMĐT phải thống kê, lưu giữ các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng.

Thứ hai, cơ quan thuế phải có trách nhiệm truy thu thuế những tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ việc bán hàng qua mạng xã hội bằng xây dựng các phương thức quản lý chống thất thu thuế, trong đó có thể có các chương trình kiểm soát hoạt động bán hàng, đặt hàng trên mạng, lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách, ….

Thứ ba, cần quy định chế tài xử phạt ở mức cao hơn để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt đối với hàng giả với mức cao nhất đối với cá nhân là 200 triệu và với tổ chức là 400 triệu đồng (theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP) mới chỉ là cần nhưng chưa đủ vì lợi nhuận phi pháp thu được từ những hoạt động này là rất lớn, mức phạt so với lợi nhuận thì như muối bỏ bể.

Thứ tư, lực lượng Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành..., nhất là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, khuyến khích người tiêu dùng cần tạo thói quen mua hàng có tem, nhãn đầy đủ và cũng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái để làm giảm bớt và tránh được những rủi ro cũng như thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt đối với sức khỏe hoặc tính mạng người tiêu dùng.

 

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan