Quyền sở hữu trí tuệ là đặc quyền của mỗi cá nhân, tổ chức đối với kết quả của sự sáng tạo do mình tạo ra, chính vì thế mà Luật Sở hữu trí tuệ đã khẳng định cá nhân, tổ chức có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ thể quyền SHTT có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật. Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Cơ quan giải quyết vi phạm sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành có quy định về việc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm đối tượng sở hữu trí tuệ của người khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra Bộ Khoa học công nghệ, Quản lý thị trường có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm sáng chế.
Ngày 04/9/2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký Quyết định số 2525/QĐ-BKHCN ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ, thay thế Quyết định số 69/QĐ-BKHCN ngày 05/01/2014. Theo Điều lệ mới, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) là tổ chức trực thuộc Bộ KH&CN, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN thống nhất quản lý nhà nước về SHTT; trực tiếp quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp (SHCN) theo quy định của pháp luật. Cục SHTT có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là “Intellectual Property Office of Viet Nam” (viết tắt là “IP Viet Nam”).
Chức năng, nhiệm vụ chính cục SHTT
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về SHTT; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, văn bản nội bộ, văn bản cá biệt khác thuộc phạm vi quản lý của Cục; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động và việc chấp hành các quy định pháp luật của các hội trong lĩnh vực SHCN, đề xuất biện pháp xử lý các vi phạm pháp luật với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức lấy ý kiến các hội về việc hoàn thiện các quy định của pháp luật và phát triển hoạt động SHTT.
- Tổ chức thực hiện việc xác lập quyền SHCN, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến Văn bằng bảo hộ quyền SHCN theo quy định của pháp luật.
- Quản lý hoạt động đại diện SHCN và hoạt động giám định SHCN trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các biện pháp trong lĩnh vực SHTT để triển khai việc quản lý và hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sáng kiến và đổi mới sáng tạo trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu thông tin SHCN, xây dựng công cụ tra cứu, hướng dẫn tra cứu và sử dụng thông tin SHCN; công bố các thông tin liên quan đến quyền SHCN được bảo hộ tại Việt Nam; tổ chức việc cung ứng thông tin SHCN phục vụ công tác quản lý nhà nước và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản xuất, kinh doanh.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực SHCN; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến xác lập quyền SHCN của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; tham gia giải quyết các tranh chấp về SHCN; cung cấp ý kiến chuyên môn phục vụ việc giải quyết các tranh chấp, vi phạm pháp luật về SHCN.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật về SHTT; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng về SHTT.
- Tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị quyền SHCN theo quy định của pháp luật; hỗ trợ việc áp dụng và chuyển giao sáng chế nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh.
- Thực hiện hợp tác quốc tế về SHCN; tham gia đàm phán để ký kết gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế chung về SHTT; đề xuất xử lý các vấn đề tranh chấp quốc gia liên quan đến SHTT.
- Tổ chức và quản lý việc cung cấp các dịch vụ công về SHCN theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức nghiên cứu khoa học, thống kê về SHCN; tổng hợp, đánh giá, báo cáo về tình hình hoạt động bảo hộ quyền SHTT, đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống SHTT và đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước về SHTT.
Các biện pháp xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ như sau
Xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính
Biện pháp hành chính được áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kể cả trong trường hợp cố ý hay vô ý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Cụ thể:
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung năm 2022)
- Luật Hải quan 2014
- Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 ( sửa đổi bổ sung năm 2020)
- Các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Theo quy định của pháp luật, các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Hình thức phạt chính:
+ Phạt cảnh cáo
+ Phạt tiền: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng (khoản 1 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
- Hình thức phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, hàng hóa giả mạo
+ Tịch thu Văn bằng bảo hộ, giấy tờ tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả
mạo;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép (đại diện sở hữu trí tuệ, thẻ giám định viên)
+ Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ vi phạm
- Các biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh
+ Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng với mục đích phi thương mại
+ Buộc đưa ra khỏi Việt Nam hàng hóa quá cảnh vi phạm quyền sở hữu công
nghiệp; Buộc tái xuất hàng hóa xâm phạm quyền, hàng giả, phương tiện, nguyên vật liệu sản xuất, hàng giả sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm
+ Một số biện pháp khác: buộc cải chính, buộc thu hồi tang vật, phương tiện bị tẩu tán, v.v...
Xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp dân sự
Biện pháp dân sự ở Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Cơ sở pháp luật của biện pháp dân sự:
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung năm 2022);
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ;
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại vật chất/tinh thần;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại;
- Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời: thu giữ, kê biên, niêm phong,...
Xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hình sự
Các biện pháp hình sự được áp dụng trong trường hợp có hành vi nguy hiểm, có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Cơ sở pháp luật của biện pháp hình sự là:
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi, bổ sung năm 2022);
- Bộ luật hình sự 2015 ( sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
- Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ;
Trong đó đã quy định rõ khung giá trị vi phạm để áp dụng hình phạt.
Xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ
Cơ quan hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Cụ thể, cơ quan hải quan áp dụng hai biện pháp: tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và kiểm tra,giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.