Thế nào là sản phẩm 'Made in Vietnam'?

 SBLAW giới thiệu bài viết trên báo Zing có ý kiến của luật sư SBLAW về sản phẩm made in Vietnam mời các bạn xem nội dung bài báo tại đây:

Hệ thống quy phạm pháp luật chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa trong nước ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Theo các luật sư, đây là một khe hở để doanh nghiệp lách luật.

Hiện các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan đang cùng phối hợp xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán tại thị trường trong nước, làm rõ vi phạm nhằm xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Theo luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Khối Sở hữu Trí tuệ của Công ty Luật SBLaw, hành vi nhập khẩu nguyên chiếc sản phẩm từ nước ngoài về rồi thay đổi tem sản phẩm chắc chắn được xem là gian lận về xuất xứ hàng hoá.

"Tuy nhiên, đối với việc nhập linh kiện về lắp ráp thành sản phẩm, quy định về xuất xứ sản phẩm lại tương đối mở", ông Khương nói.

Chưa có định lượng cụ thể

Theo điều 3, khoản 1, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP về Quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về Xuất xứ hàng hóa, xuất xứ hàng hoá được hiểu là "nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng đó.”

Luật sư Khương đánh giá đây là những quy định không có định lượng, tiêu chí cụ thể. "Như vậy, có thể thấy hiện tại pháp luật Việt Nam không có quy định một sản phẩm điện tử phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể nào, có tỷ lệ nội địa hoá bao nhiêu % để được ghi là "xuất xứ Việt Nam" hay "Made in Vietnam"", ông Khương phân tích.

Luật sư Khương cho rằng vì không có định lượng để tham chiếu cụ thể, doanh nghiệp có quyền tự đưa ra và đánh giá sản phẩm như thế nào là có xuất xứ Việt Nam.

"Đây là một điểm hở của pháp luật hoặc bản thân cơ quan Nhà nước chưa đủ sức để có thể lượng hoá được tiêu chí với tất cả sản phẩm", ông Khương chia sẻ.

Theo thông tin của Cục Xuất nhập khẩu đăng tải trên website của Bộ Công Thương hồi tháng 2, cơ quan này thừa nhận: "Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng".

Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết trước mắt việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai.

Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Nhiều nguy cơ phức tạp

Trao đổi với Zing.vn, TS.LS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương nên phải sớm nghiên cứu cụ thể về cách định lượng tiêu chí "Made in Viet Nam" phù hợp với các điều ước quốc tế, đặc biệt với các sản phẩm nhập khẩu linh kiện rồi lắp ráp. 

"Khi vi phạm, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bị khởi kiện trong nước, mà có thể bị khởi kiện ở cả nước ngoài. Nếu doanh nghiệp thờ ơ, cơ quan chức năng lại chưa kịp ban hành quy định, có thể doanh nghiệp nội sẽ phạm luật quốc tế dù tuân thủ quy định trong nước. Thiệt hại lúc đó còn khủng khiếp hơn", TS Tín cho biết. 

Cục Xuất nhập khẩu cũng đánh giá gian lận ghi nhãn "Made in Vietnam" không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

TS Tín khẳng định, hoàn toàn có thể xác định được giá trị của phần mềm hay quyền sở hữu thiết kế trong trường hợp doanh nghiệp đặt hàng gia công ở nước ngoài để tính toán công thức tỷ lệ nội địa hóa với các sản phẩm công nghệ.

"Bất cứ một sản phẩm sở hữu trí tuệ nào cũng định giá được. Việt Nam không thiếu các cơ quan chức năng chuyên ngành làm được việc này. Còn nếu pháp luật chưa quy định được thì có thể tham khảo các nước có nền kinh tế tương đồng", ông Tín nói.

Theo Zing

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Hàng hoá nhập lậu là gì?

Hàng hoá nhập lậu là gì? Câu hỏi: Xin hỏi luật sư là cơ sở nào để xác định hàng hoá nhập lậu theo luật