Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở thành yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, Việt Nam đang xem xét đề xuất thành lập Tòa án Sở hữu trí tuệ khu vực, một bước đi chiến lược trong tiến trình cải cách tư pháp.
1. Cơ sở pháp lý và định hướng chính sách
Trong khuôn khổ thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Sửa đổi), đề xuất thành lập Tòa án nhân dân khu vực và các tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ. Trong đó, việc hình thành Tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ cấp khu vực được xem là một bước tiến quan trọng, mang tính chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đề xuất việc tổ chức lại hệ thống tòa án theo hướng:
- Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện;
- Thành lập Tòa án nhân dân khu vực;
- Chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực.
Trong đó, dự kiến tổ chức 02 Tòa Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm kinh tế, tài chính lớn của cả nước.
2. Nhu cầu thực tiễn và lợi ích mang lại
Theo Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Lê Minh Trí, hiện nay số lượng vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa nhiều. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, khi Việt Nam đẩy mạnh phát triển nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, số lượng cũng như tính chất phức tạp của các tranh chấp sở hữu trí tệ sẽ tăng mạnh.
Hơn nữa, tranh chấp về Sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền phần mềm, thường mang tính kỹ thuật sâu, đòi hỏi thẩm phán và cán bộ xét xử có kiến thức chuyên môn đặc thù. Vì vậy, việc thành lập Tòa Sở hữu trí tuệ chuyên trách không chỉ thể hiện sự chuyên môn hóa hệ thống tư pháp, mà còn góp phần bảo vệ quyền tài sản đặc biệt – như cách Chánh án Lê Minh Trí đã nhấn mạnh – trong một nền kinh tế cạnh tranh hiện đại.
3. Mô hình tòa theo khu vực
Tại phiên họp ngày 19/5/2025, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại rằng việc thành lập Tòa án sở hữu trí tuệ (SHTT) tại từng tỉnh, thành phố có thể dẫn đến hệ quả phát sinh thêm bộ máy, làm gia tăng chi phí hành chính và không phù hợp với chủ trương tinh gọn, nâng cao hiệu lực – hiệu quả trong tổ chức bộ máy nhà nước. Trên thực tế, số lượng vụ án liên quan đến SHTT hiện nay vẫn còn ở mức tương đối thấp, phân bổ không đồng đều giữa các địa phương, do đó chưa tạo ra áp lực xét xử thường xuyên ở cấp tỉnh.
Trước bối cảnh đó, phương án tổ chức Tòa án SHTT theo mô hình khu vực được đánh giá là lựa chọn hợp lý và khả thi. Mô hình này cho phép tập trung các nguồn lực tại một số trung tâm có điều kiện thích hợp, đặc biệt là những địa phương có số lượng tranh chấp SHTT phát sinh cao hoặc tập trung nhiều hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, mô hình khu vực mang lại nhiều lợi ích nổi bật như:
- Tối ưu hóa nguồn lực: Thay vì dàn trải nhân sự và cơ sở vật chất, việc tập trung đầu mối tổ chức theo vùng giúp sử dụng hiệu quả hơn đội ngũ thẩm phán và hạ tầng tư pháp.
- Nâng cao chuyên môn hóa: Tạo điều kiện hình thành đội ngũ thẩm phán chuyên trách, có kiến thức sâu về pháp luật SHTT và năng lực xử lý các vấn đề có tính chất kỹ thuật, liên ngành.
- Bảo đảm tính thống nhất trong xét xử: Hạn chế sự chênh lệch trong áp dụng pháp luật giữa các địa phương, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào cơ chế bảo vệ quyền SHTT.
- Thuận lợi cho đào tạo và phát triển năng lực: Tập trung tổ chức xét xử tại một số khu vực nhất định sẽ tạo điều kiện để xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm trong nội bộ hệ thống.
4. Kết luận
Việc thành lập Tòa án sở hữu trí tuệ khu vực là bước tiến tất yếu, phù hợp với định hướng xây dựng hệ thống tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập. Đây không chỉ là biện pháp bảo vệ quyền tài sản trí tuệ, mà còn là cam kết bảo vệ quyền sở hữu của công dân và nhà đầu tư trong một môi trường pháp lý minh bạch, tiên tiến.
Xem chi tiết tại: document (1)