[Baohothuonghieu.com] Thực tế giao dịch thì tên doanh nghiệp trùng nhau rất nhiều nhưng xét theo quy định thì không gây nhầm lẫn. Trên thực tế cách đặt tên doanh nghiệp gần giống nhau đã gây nhầm lẫn cho các doanh nghiệp và khách hàng. Điều này gây không ít phiền toái cho doanh nghiệp trong kinh doanh.
Bị né bằng Luật Doanh nghiệp
Luật sư Nguyễn Thành Long, Văn phòng luật sư Phạm và liên danh, kể: Vừa qua đã có một vụ tranh chấp giữa tên doanh nghiệp và nhãn hiệu. Công ty Hưng Thịnh (TP.HCM) có sản xuất nước mắm mang nhãn hiệu Hưng Thịnh và công ty này đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Hưng Thịnh” từ lâu. Sau đó, có một cơ sở nước mắm khác ra đời, cũng ở TP.HCM, cũng có chữ Hưng Thịnh trong tên. Công ty Hưng Thịnh cho rằng tuy nước mắm của cơ sở này mang nhãn hiệu khác, cái tên doanh nghiệp cũng không trùng hoàn toàn nhưng chữ “Hưng Thịnh” có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng . Kết quả xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều buộc cơ sở này phải đổi tên.
Cũng theo ông Long, gần đây cũng đã có trường hợp một doanh nghiệp ở TP.HCM và một doanh nghiệp ở Hà Nội có tên giống nhau. Nếu xét theo Luật Doanh nghiệp thì đành bó tay vì hai công ty này ở hai tỉnh, thành khác nhau, không vi phạm. Luật Doanh nghiệp chỉ bảo hộ tên doanh nghiệp trong phạm vi tỉnh, thành mà thôi. Tuy nhiên, công ty tại TP.HCM đã vận dụng quy định bảo hộ tên thương mại của Luật Sở hữu trí tuệ để khởi kiện. Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì tên thương mại được bảo hộ trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Trong trường hợp này, hai công ty cùng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Kết quả xử sơ thẩm yêu cầu công ty ở Hà Nội phải đổi tên.
Thậm chí, “Doanh nghiệp vẫn có thể kiện dù cái tên kia đã đáp ứng đúng Luật Doanh nghiệp. Hiện nay văn phòng luật sư của chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ cho một vụ kiện tranh chấp tên doanh nghiệp. Trong vụ này, một công ty thành lập sau có chèn thêm chữ “xuất nhập khẩu” trong tên doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp và nghị định hướng dẫn luật có quy định cụ thể “trùng” là “giống nhau hoàn toàn” và liệt kê ra một số trường hợp gọi là “nhầm lẫn”. Do tính chất liệt kê nên quy định này rất hẹp và cứng nhắc. Cái tên có chèn thêm chữ “xuất nhập khẩu” nên không trùng, cũng không gây nhầm lẫn. Trong khi đó, với Luật Sở hữu trí tuệ thì việc nhầm lẫn hay không sẽ được xét trên nhiều yếu tố chứ không bị liệt kê gói gọn trong các trường hợp cụ thể. Do đó, công ty thành lập trước cho rằng cái tên này gây nhầm lẫn với tên của mình và chuẩn bị kiện. Nói chung, khi cảm thấy bị xâm phạm, doanh nghiệp nên vận dụng tối đa quy định về sở hữu trí tuệ để tự bảo vệ cái tên của mình hơn là trông chờ vào chỉ mỗi mình Luật Doanh nghiệp” - ông Long phân tích.
Nên đăng ký nhãn hiệu cho chắc!
Theo ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cái tên là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có biện pháp bảo vệ. Tên thương mại được bảo hộ tự động khi doanh nghiệp sử dụng tên đó một cách hợp pháp, không cần doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký bảo hộ. Việc bảo hộ này áp dụng trên lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh được hiểu là nơi doanh nghiệp có khách hàng, bạn hàng hoặc có danh tiếng.
Tuy nhiên, “Chắc ăn nhất là doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ “của riêng” dưới dạng nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ” - ông Tân nói. Ví dụ, Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải Thiên Phúc có thể đăng ký bảo hộ hai chữ “Thiên Phúc” dưới dạng nhãn hiệu cho dịch vụ vận tải, du lịch. Nếu đã bảo hộ rồi thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các đơn vị vận tải, du lịch khác không được dùng chữ “Thiên Phúc” trong hoạt động kinh doanh vì có thể sẽ gây nhầm lẫn.
Một cán bộ quản lý về sở hữu trí tuệ thì cho rằng hiện Cục Sở hữu trí tuệ đã có thư viện số về sở hữu công nghiệp (IP LIB). Doanh nghiệp có thể vào địa chỉ để tự tra cứu sơ bộ các nhãn hiệu đã và đang được đăng ký để xem liệu cái tên riêng mà mình đang định đặt có nhầm lẫn với nhãn hiệu nào không, tránh tranh chấp về sau. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tra cứu kỹ ở các Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành xem cái tên mình định đặt đã có doanh nghiệp cùng ngành nghề nào đặt trước chưa.
Cơ quan đăng ký kinh doanh đang “đá bóng”?
Theo một luật sư , Nghị định 103 năm 2006 hướng dẫn về sở hữu công nghiệp có yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc đặt tên doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký kinh doanh để bảo đảm không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước. Tuy nhiên cho đến nay, hai bộ này vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn vấn đề trên.
Trong khi đó, Nghị định 88 năm 2006 về đăng ký kinh doanh lại đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp khi quy định “doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật” nếu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp khác. Nếu doanh nghiệp vô tình vi phạm khi đặt tên doanh nghiệp, đến khi bị phát hiện, doanh nghiệp lại phải đổi tên thì phần vất vả thuộc về doanh nghiệp.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI:
Dễ xảy ra chuyện lách luật Theo quan điểm cá nhân tôi, những từ ngữ chỉ ngành nghề, lĩnh vực hoạt động là từ chung, không thể được gộp vào tên riêng. Khi doanh nghiệp đặt tên, có ý muốn tên riêng của mình khác biệt với tên riêng của doanh nghiệp khác và không muốn bị trùng tên. Nếu quy định gộp những từ chỉ ngành nghề vào tên riêng và chỉ cấm trùng nguyên cả cụm tên này thì rất dễ xảy ra trường hợp lách quy định, thêm bớt một vài từ chỉ ngành nghề để “ăn ké” tên doanh nghiệp khác. Nếu để xảy ra tình trạng như vậy thì đã mất đi ý nghĩa bảo vệ cho tên doanh nghiệp. Luật một đằng, nghị định một nẻo Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Nói như vậy thì ngoài loại hình doanh nghiệp và tên riêng thì trong tên doanh nghiệp có thể có thêm thành tố khác. Thế nhưng với quy định của Nghị định 88 thì tên doanh nghiệp chỉ có hai thành tố và từ nào không mang nội dung chỉ loại hình doanh nghiệp thì sẽ được xem là tên riêng! |