Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.
Sáu bộ luật gồm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Viên chức; Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ kiểm toán
Luật Kiểm toán độc lập có 8 Chương với 64 Điều, được thông qua ngày 29/3/2011 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII.
Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Tăng cường, quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là đơn vị có lợi ích công chúng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức liên quan.
Luật Kiểm toán độc lập có điểm mới đáng chú ý là Bộ Tài chính với tư cách cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán cũng như thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Luật cũng quy định, tiêu chuẩn trở thành kiểm toán viên là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên.
Kiểm toán viên phải có thời gian thực tế làm công tác kiểm toán 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức mới được đăng ký hành nghề.
Để đảm bảo chất lượng kiểm toán, Luật quy định doanh nghiệp kiểm toán phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, để bảo đảm thông tin cho kiểm toán, luật quy định nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán là cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời thông tin, không được có hành vi hạn chế phạm vi các vấn đề cần kiểm toán.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về viên chức
Luật viên chức kết cấu gồm 6 Chương, 62 Điều. Điểm mới cơ bản của Luật viên chức so với Pháp lệnh cán bộ, công chức là đã làm rõ khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức.
Sự khác biệt cơ bản của viên chức so với cán bộ, công chức chính là chế độ tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng làm việc và tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức là “việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.”
Đây là nguyên tắc đặt nền móng để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, nhấn mạnh năng lực, tài năng bên cạnh phẩm chất và trình độ.
Luật Viên chức quy định rõ việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, đó là các trường hợp viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật viên chức; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại những vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp; viên chức chuyển sang làm cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm các quyền lợi về chế độ, chính sách.
Luật Viên chức tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và cộng đồng; phát huy tính năng động, sáng tạo và tài năng của viên chức; thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về viên chức, thúc đẩy phát triển khu vực sự nghiệp công lập; xây dựng cơ chế quản lý viên chức theo vị trí việc làm; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản đội ngũ viên chức...
Không thu phí xăng dầu từ ngày 1/1/2012
Với 4 chương, 13 điều, Luật Thuế bảo vệ môi trường được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới.
Luật góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn... Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý là Luật quy định về tám nhóm đối tượng sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải chịu thuế, gồm xăng dầu, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (dung dịch HCFC), túi nilông thuộc diện chịu thuế, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.
Luật cũng ghi rõ, trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định; khi luật có hiệu lực thi hành thì không thu phí xăng dầu.
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được ban hành nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ về đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Luật khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành, nâng cao tính pháp lý của pháp luật về thuế đất trên cơ sở bổ sung mới và kế thừa các quy định còn phù hợp...
Luật gồm 4 chương với 13 điều quy định cụ thể đối tượng chịu thuế bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh cho phù hợp với Luật Đất đai 2003.
Luật quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế..
Thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011.
Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng lần này là việc thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Cụ thể, trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với những tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý; chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Các tranh chấp không thuộc các trường hợp nêu trên thì thời hiệu khỏi kiện vụ án dân sự là vẫn là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như quy định trước đây.
Luật cũng sửa đổi một số quy định theo hướng mở rộng quyền giải quyết của tòa án trong các vụ việc, vụ án về dân sự. Theo đó, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Các tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được bổ sung hai loại là tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Luật sửa đổi, bổ sung cũng ghi nhận việc các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, tổ chức thẩm định giá tài sản nhằm đảm bảo nguyên tắc tự thỏa thuận trong giao dịch dân sự. Tòa án chỉ ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp sau khi các bên không tự thỏa thuận được tổ chức định giá tài sản hoặc các bên đã thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
Luật sửa đổi, bổ sung lần này quy định thêm thủ tục mới là “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.”
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người
Với 8 chương và 58 điều, Luật Phòng, chống mua bán người quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật hình sự và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người để điều chỉnh một cách có đầy đủ, toàn diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
Luật quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống mua bán người, đáng chú ý là chính sách kết hợp phòng, chống mua bán người với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển kinh tế-xã hội.
Luật xác định Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho nạn nhân, luật cũng quy định trước khi đến với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, nạn nhân có thể được một số cơ quan khác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết như Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan giải cứu, cơ quan, tổ chức khác.
Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.
Trong thời hạn chậm nhất là ba ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.
Luật phòng, chống mua bán người đi vào cuộc sống góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Nguồn CafeF
»