SBLAW tư vấn về Quyền của đồng tác giả tác phẩm.
Câu hỏi: Tôi và 2 người bạn nữa của tôi dự định cùng nhau sáng tạo ra một tác phẩm truyện tranh và muốn đăng ký bản quyền.
Tác giả của tác phẩm đứng tên có thể là nhiều người được không?
Trường hợp trong tác phẩm có các phần riêng biệt thì mỗi cá nhân có thể được quyền tùy ý sử dụng phần do mình sáng tạo không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ:
“1. Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với tác phẩm đó.
2. Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với phần riêng biệt đó.”
Như vậy, việc đăng ký 1 tác phẩm bản quyền có thể là tác giả hoặc đồng tác giả.
Các tác giả cùng nhau sáng tạo nên tác phẩm có quyền ngang nhau đối với các quyền về nhân thân (Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ) và các quyền về tài sản (Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ).
Việc khai thác và sử dụng hoặc sửa đổi hay mua bán, chuyển nhượng quyền đều phải được sự nhất trí của các tác giả sáng tạo nên tác phẩm.
Ngoài ra trong trường hợp tác phẩm có phần riêng có thể tách ra để sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì mỗi tác giả có thể có quyền đối với phần riêng đó.
Tuy nhiên, đã là một tác phẩm cùng sáng tạo, thể hiện sự thống nhất thì việc các phần được tách rời nhau đa phần ít xảy ra.
Một tác phẩm khi tách một phần đi thì sẽ không còn là tác phẩm toàn vẹn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực, làm phương hại đến lợi ích của các đồng tác giả khác.