Câu hỏi: Tôi có một tác phẩm đã đăng ký bản quyền tác giả năm 2019. Nay tôi muốn bán lại tác phẩm cho bên khác nhưng lại sợ rằng họ sẽ cắt xén, làm thay đổi tác phẩm của tôi và có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của tôi.
Sau khi tôi bán tác phẩm mà phát hiện bên kia sử dụng sai mục đích thì tôi có quyền gì không?
Trả lời: Anh/Chị có thể tiến hành việc bán hay còn còn gọi là “chuyển nhượng quyền tác giả” cho một bên thứ ba khác.
Tuy nhiên theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm”. Như vậy có thể hiểu là việc chuyển nhượng tác phẩm không bao gồm việc chuyển tất cả các quyền nhân thân như: đặt tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm…
Rõ ràng bên thứ 2 có thể khai thác, sử dụng quyền tài sản từ chính tác phẩm của Anh/Chị nhưng cũng không có quyền bóp méo, làm thay đổi tác phẩm.
Mặc dù quy định của pháp luật không cho phép việc cắt xén, thay đổi tác phẩm gốc làm phương hại đến quyền nhân thân của tác giả nhưng để đảm bảo chắc chắn thì Anh/Chị nên thỏa thuận rõ ràng với bên muốn nhận chuyển nhượng.
Từ đó xây dựng bản hợp đồng chuyển nhượng với các điều khoản chặt chẽ nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của Anh/Chị. Đồng thời hạn chế rủi ro sau quá trình tiến hành chuyển nhượng.