QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT BẢO VỆ TÀI SẢN SỐ CỦA DOANH NGHIỆP

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT BẢO VỆ TÀI SẢN SỐ CỦA DOANH NGHIỆP

 Với nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc nghiên cứu và xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc cho lĩnh vực kinh tế số là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, các hoạt động trên môi trường mạng và công nghệ số cũng rất đa dạng. Dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi liên quan được quan tâm của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW dành cho kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.

Báo cáo kinh tế số Việt Nam 2030

 

 

1. Có tình trạng một số doanh nghiệp bị ăn cắp ý tưởng, thậm chí sao chép phần mềm, và cả lỗi sai của họ cũng bị sao chép. Vậy luật pháp nào đang bảo vệ các tài sản số này của doanh nghiệp?

Trả lời:

Hiện nay các tài sản liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và các quyền liên quan đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Và Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, trong đó, có chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. Theo đó, đối với các tài sản số, cụ thể là sao chép, ăn cắp ý tưởng phần mềm ở đây sẽ bị coi là vi phạm quyền tác giả. 

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì các hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 điều 25 của luật này thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Theo đó điểm a và điểm đ khoản 1 của điều 25 quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân

- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.

Như vậy các hành vi sao chép thuộc 1 trong 2 trường hợp nêu trên thì không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên Khoản 3 Điều 25 của Luật này lại có quy định “Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp không áp dụng tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính”. Do vậy việc sao chép các phần mềm để sử dụng là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Trong trường hợp này, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân, mức hình phạt cao nhất là thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, quyền tác giả ở Việt Nam ngày càng được tôn trọng và được bảo vệ tốt hơn. Việc xử lý hình sự sẽ góp phần lớn trong việc hạn chế, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả để bảo vệ quyền lợi của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.



2. Có phải việc xử phạt và khiếu kiện những trường hợp thế này còn rườm rà và phức tạp nên tình trạng ăn cắp, xâm phạm tài sản số vẫn diễn ra?

Trả lời:

Trong thời đại công nghệ số phát triển ngày càng nhanh chóng như hiện nay thì tình trạng ăn cắp các phần mềm, xâm phạm tài sản số diễn ra cũng càng phổ biến. Một trong những yếu tố khiến chúng ta ít khi biết những vụ kiện về vấn đề này là bởi chính chủ nhân tài sản số đó cũng không biết tài sản của mình bị xâm phạm.

Thứ hai là bởi tại Việt Nam hiện nay các vụ việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có thời gian giải quyết còn lâu nên việc xử lý vẫn chỉ thông qua biện pháp hành chính là chủ yếu còn không có nhiều vụ việc đưa ra Tòa án thụ lý giải quyết. 

3. Luật công nghệ thông tin 2006 đã luật hoá bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng với sự phát triển hiện nay của công nghệ và tài sản số, ông có cho rằng luật đang bộc lộ hạn chế?

Trả lời:

Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định về Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Điều 69 và có nội dung như sau:

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định sau đây: 

1. Tổ chức, cá nhân truyền đưa thông tin trên môi trường mạng có quyền tạo ra bản sao tạm thời một tác phẩm được bảo hộ do yêu cầu kỹ thuật của hoạt động truyền đưa thông tin và bản sao tạm thời được lưu trữ trong khoảng thời gian đủ để thực hiện việc truyền đưa thông tin; 

2. Người sử dụng hợp pháp phần mềm được bảo hộ có quyền sao chép phần mềm đó để lưu trữ dự phòng và thay thế phần mềm bị phá hỏng mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền.

Thực tế là từ năm 2006 đến nay thì lĩnh vực công nghệ thông tin trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phát triển hơn rất nhiều. Vì vậy, các quy định của Luật CNTT năm 2006 có phần không theo được kịp tốc độ phát triển CNTT hiện nay và các điều khoản trong luật còn có nội dung rất chung chung, chưa rõ ràng. 

Ví dụ như điều luật trên chỉ quy định về sao chép tác phẩm, sao chép phần mềm nhưng thực tế thì có thể thấy các dịch vụ tái tạo, làm mới, nâng cấp ... phần mềm. Như vậy thì hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có vi phạm thì tại sao trong lĩnh vực đầu tư lại quy định có cả những ngành nghề như vậy? Điều đó còn cho thấy nội dung quy định của Luật CNTT 2006 đang có tình trạng chồng chéo và có độ vênh đối với các văn bản pháp luật khác.



4. Đại dịch Covid càng khẳng định xu hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Vậy tới đây pháp luật điều chỉnh cho việc bảo vệ doanh nghiệp lĩnh vực này cần lưu ý và xây dựng như thế nào để đảm bảo quá trình này diễn ra hiệu quả?

Trả lời:

Với nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc nghiên cứu và xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc cho lĩnh vực này là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, các hoạt động trên môi trường mạng và công nghệ số cũng rất đa dạng. Luật cần phải có những quy định chi tiết hơn. Đi kèm với đó thì nhu cầu ban hành các văn bản hương dẫn cũng rất cần thiết.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thì luật cũng cần quy định rõ các chế tài để xử lý vi phạm một cách thích đáng bởi hiện nay có tình trạng bất chấp vi phạm pháp luật do lợi ích quá lớn. Luật CNTT cũng cần giảm thiểu các quy định trùng lặp để công dân và các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tra cứu và áp dụng các điều luật.

Bên cạnh các giải pháp pháp lý và công nghệ, cần tiếp tục nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi và tuyên truyền rộng rãi đến người sử dụng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ để nâng cao ý thức bảo vệ quyền từ phía người sử dụng.  Các chủ thể quyền cần áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền của mình và chủ động trong việc yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình.

 

 

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan