[Baohothuonghieu.com] Được tôn vinh như món ăn quốc hồn quốc túy, Phở là đại diện cho di sản ẩm thực phong phú của đất nước Việt Nam. Năm 2007, "Pho" đã được thêm vào Từ điển Tiếng Anh Ngắn gọn Oxford. Theo định nghĩa trong Từ điển Oxford Learner, "Phở là một loại súp của Việt Nam, thường được phục vụ kèm với bánh phở, thịt bò hoặc thịt gà thái lát và các loại rau thơm".
Sáng lập vào năm 2005 bởi Stephen và Juliette sau khi du lịch đến Việt Nam và say mê món nước dùng ninh kỹ, chuỗi nhà hàng "Pho" tại Anh Quốc hiện có 45 chi nhánh, phục vụ hàng nghìn bát phở mỗi tuần trên khắp Vương quốc Anh dưới tên Công ty "Pho Holdings Ltd."
Từ năm 2005, công ty này đã đăng ký nhãn hiệu nhiều biến thể của các cụm từ chứa từ “Pho”. Nhãn hiệu đầu tiên, "Pho and device," được đăng ký vào tháng 5 cùng năm thành lập với Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Anh (UKIPO) cho các dịch vụ liên quan đến nhà hàng và ẩm thực thuộc nhóm 43. Ba tháng sau, công ty đăng ký nhãn hiệu thứ hai, " Pho and device," cho các sản phẩm như gạo, sản phẩm từ bún và phở, thuộc nhóm 30. Tháng 3 năm 2007, công ty đăng ký nhãn hiệu thứ ba chỉ với từ “Pho” cho các dịch vụ nhà hàng và ẩm thực thuộc nhóm 39 và 43. Đến tháng 9 năm 2011, nhãn hiệu thứ tư “Pho and device” tiếp tục được đăng ký cho các sản phẩm như gạo, bún, và phở thuộc nhóm 30 và các dịch vụ nhà hàng, ẩm thực thuộc nhóm 39 và 43. Công ty đã nhận được 4 chứng nhận nhãn hiệu lần lượt vào tháng 11 năm 2005, tháng 2 năm 2006, tháng 5 năm 2008 và tháng 10 năm 2012.
Năm 2013, Mo Pho - một nhà hàng Việt Nam tại London - đã nhận được yêu cầu từ Pho Holdings phải đổi tên do chứa từ "Pho" do vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu. Pho Holdings khẳng định rằng họ không đăng ký thương hiệu cho món ăn Việt Nam, chỉ bảo hộ thương hiệu và logo để bảo vệ kinh doanh. Trước làn sóng phẫn nộ của công chúng, chuỗi nhà hàng thừa nhận đã sai và tuyên bố trên Twitter rằng họ đã từ bỏ tranh chấp với Mo Pho, nhà hàng hiện đã đóng cửa, theo The Guardian.
Sau gần hai thập kỷ, các doanh nghiệp Việt tại Anh giờ đây có thể sử dụng từ “phở” trong tên mà không lo ngại bị kiện tụng. Vấn đề tái xuất hiện vào năm 2024, khi một TikToker gốc Việt tại London, @iamyenlikethemoney, đăng video lên án chuỗi nhà hàng vì đăng ký thương hiệu cho từ mang tính văn hóa. Người này đã so sánh việc đăng ký “phở” giống như việc tuyên bố quyền sở hữu với những cụm từ phổ biến như “fish and chips” hay “sushi,” vốn là các thuật ngữ mô tả trong sở hữu trí tuệ. Video lan truyền mạnh mẽ với hơn 2.6 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận đồng tình.
Đối mặt với làn sóng phản đối trên mạng xã hội, chuỗi nhà hàng phát hành thông báo khẳng định sẽ “không bao giờ cố gắng” đăng ký thương hiệu từ “phở” - vốn là món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam và thuộc về người Việt Nam. Tờ Daily Mail của Anh đưa tin ngày 22 tháng 10 rằng công ty đã nộp đơn từ bỏ thương hiệu “phở” với UKIPO, và quy trình hoàn tất hai ngày sau đó, cho phép các doanh nghiệp tại Anh tự do sử dụng từ này.
Vụ việc này đặt ra những vấn đề quan trọng: UKIPO đã xem xét tính không mô tả của thương hiệu “phở” trong trường hợp này như thế nào, và làm sao một món ăn quốc gia lại có thể được đăng ký thương hiệu cho doanh nghiệp nhà hàng phục vụ món ăn này và các món liên quan? Các trường hợp tương tự ở các quốc gia khác diễn ra ra sao? Điều này có thể mang lại góc nhìn so sánh về các thuật ngữ văn hóa và thương hiệu.
|