Sở hữu trí tuệ vẫn đã và đang là điểm yếu của rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp lớn.
Theo Công ty TNHH T&T INVENMARK Sở hữu trí tuệ quốc tế, đại diện cho Sumatra Tobacco Trading Company (STTC), câu chuyện tranh chấp của Vinataba và STTC mới đây đã không còn là của riêng doanh nghiệp này mà đang là vấn đề của không ít doanh nghiệp nội, những doanh nghiệp còn trông đợi vào bảo hộ, độc quyền khi vấp phải sự lấn át của hàng ngoại dẫn đến tính cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, chỉ khoảng 95.000 nhãn hiệu của doanh nghiệp được đăng ký bảo hộ và chỉ 20% trong số đó là từ doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, việc thực thi quyền SHTT vẫn là điều đáng lo ngại nhất khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, sẽ khiến các tranh chấp xảy ra nhiều hơn.
Vinataba và chuyện thật như đùa
Trở lại vấn đề của Vinataba và Sumatra Tobacco Trading Company (STTC) để thấy bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không phải “chuyện đùa” và muốn hội nhập sân chơi toàn cầu, Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ các luật chơi quốc tế.
Jet và Hero là hai nhãn hiệu quen thuộc trên thị trường. Tuy nhiên, đây là hai mặt hàng được tuồn lậu vào Việt Nam để tiêu thụ số lượng lớn mà theo ước tính chiếm đến 80 – 90% trên tổng số hàng triệu điếu thuốc lá lậu vào Việt Nam hàng năm. Với lý do nhằm ngăn chặn việc STTC lợi dụng sự bảo hộ pháp lý để che giấu hoặc tiếp tay cho hành vi nhập thuốc lá lậu, Vinataba đã đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy đăng ký nhãn hiệu hai sản phẩm trên. Doanh nghiệp này cũng đã đăng ký nhãn hiệu Jet, Hero với Cục Sở hữu trí tuệ và chuẩn bị sản xuất thuốc lá mang tên của hai nhãn hiệu này. Đáp lại, STTC khẳng định họ được nắm giữ quyền nhãn hiệu đối với hai thương hiệu này và không chịu trách nhiệm về vấn đề buôn lậu.
Về các cáo buộc của Vinataba, T&T INVENMARK khẳng định, STTC thực sự là bên đang bị chịu thiệt hại. Việc Vinataba lên kế hoạch sản xuất thuốc lá Jet và Hero tại Việt Nam mà không được sự cho phép của công ty STTC là vi phạm nghiêm trọng Điều 10bis Công ước Paris về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và Điều 213, luật Sở hữu trí tuệ. STTC có thể kiện Vinataba ra các tòa án quốc tế. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nhất là trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng.
Khó vẫn phải làm
Theo TS Lê Xuân Thảo – Ủy viên Thường vụ Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Sở hữu trí tuệ quốc tế T&T INVENMARK, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào cộng đồng kinh tế toàn cầu với việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới, Hiệp định TRIPs của tổ chức thương mại thế giới (WTO). Do tính chất quan trọng của SHTT nên trong 3 chương của Hiệp định TPP đã dành hẳn một chương riêng về SHTT, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền SHTT. Do vậy, bất kỳ những vấn đề kinh doanh thương mại nào cũng cần được giải quyết thoả đáng giữa các bên một cách công bằng trên cơ sở pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều thương hiệu Việt Nam đã bị ăn cắp ở nước ngoài và chúng ta đã phản ứng quyết liệt về chuyện này. Nhưng Vinataba đang lặp lại chuyện mà các doanh nghiệp nội làm ăn chân chính đang lên án. Và việc làm của Vinataba không những làm trái với pháp luật Việt Nam, mà còn đi ngược lại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Không lẽ nào Công ty Vision & Associates – đại diện pháp luật về sở hữu trí tuệ cho Vinataba lại không hiểu điều sơ đẳng đó sao?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo 389) đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật và các cam kết quốc tế. Văn bản mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã khẳng định, vì Vinataba không chứng minh được việc Sumatra “có liên quan đến việc buôn lậu thuốc lá” và Sumatra không sử dụng các nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam, nên Bộ “không chấp nhận đề nghị của Vinataba”.
Có thể thấy, các quyết định của Bộ KHCN đã thể hiện một bước tiến tích cực cho chủ sở hữu thương hiệu kinh doanh tại Việt Nam – và đặc biệt là quyết định đã được đưa ra có lợi cho một công ty nước ngoài trước một doanh nghiệp nhà nước. Chính điều này đã tạo niềm tin về sự minh bạch, công bằng. Điều này cũng thể hiện Việt Nam đang trở thành điểm đến thân thiện và ổn định hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp