Hội thảo Bảo vệ thương hiệu quốc gia, Những cơ sở pháp lý

Hội thảo Bảo vệ thương hiệu quốc gia, Những cơ sở pháp lý

Ngày 12-8, tại TP Hạ Long, Trung tâm đào tạo, tư vấn và thông tin kinh tế (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) tổ chức Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu quốc gia – Những cơ sở pháp lý”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện văn phòng quốc hội, quản lý thị trường, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát, Tôn Hoa Sen, Cà phê Trung Nguyên, các văn phòng luật sư.

Các đại biểu đã tập trung vào thảo luận về các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia, những bất cập, những vấn đề cần hoàn thiện từ pháp luật, từ hành động của chính phủ và từ doanh nghiệp.

Tham gia hội thảo, luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành công ty Luật S&B (S&B Law) cũng gửi bài tham luận, sau đây, chúng tôi xin gửi toàn văn nội dung bài tham luận:

Hội thảo bảo hộ thương hiệu quốc gia

Xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua việc

xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

Luật sư, thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà

Giám đốc Công ty Luật S&B. 

Hoa Kỳ là một siêu cường về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa. Một trong những yếu tố làm lên yếu tố siêu cường của Hoa Kỳ đó là quốc gia này rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Có những thương  hiệu có hàng trăm năm như Coca Cola trong lĩnh vực đồ uống, IBM trong lĩnh vực công nghệ thông tin, gần đây là những người khổng lồ như Google trong lĩnh vực tìm kiềm internet (search engine), facebook trong lĩnh vực mạng xã hội.

Những thương hiệu này không những mang lại cho các doanh nghiệp sở hữu nó những giá trị kinh tế rất lớn mà nó còn góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, những thương hiệu này như một vị đại sứ, một biểu tượng của Hoa Kỳ, có sức lan tỏa ra toàn thế giới.

Việt Nam là một quốc gia đang tiến hành xây dựng một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp và nhà nước Việt Nam cũng cần có một chiến lược phù hợp để xây dựng các nhãn hiệu nổi tiếng. Việc xây dựng được các nhãn hiệu nổi tiếng là một trong những phương pháp để xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia một cách hiệu quả nhất.

Xây dựng nhãn hiệu nổi tiếng là một nỗ lực tổng hợp và không ngừng của tổng hòa các yếu tố như nhân lực, tài chính và pháp lý.

Bài viết này giới thiệu khía cạnh pháp lý trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho việc xây dựng nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam, những lợi ích cũng như những việc làm của doanh nghiệp trong việc xây dựng nhãn hiệu nổi tiếng.

 

1.Tiêu chí để ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Khác với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Cũng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, những tiêu chí sau sẽ được xem xét khi ghi nhận một nhãn hiệu nổi tiếng:

- Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

- Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

- Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

- Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

- Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

- Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Như vậy là để trở thành nhãn hiệu nổi tiếng, có rất nhiều các điều kiện và tiêu chí khác nhau để được ghi nhận. Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng khi có nhu cầu được ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng sẽ phải thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh là nhãn hiệu nổi tiếng, việc này sẽ tiến hành ở các cơ quan là Cục Sở Hữu Trí Tuệ và Tòa Án.

Theo quy định hiện hành , chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng các tài liệu quy định tại điểm dưới đây để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu và chứng minh nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng.

Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu bao gồm các thông tin về phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; số lượng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ; giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ.

Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Những quy định này của pháp luật Việt Nam về nhãn hiệu nổi tiếng hoàn toàn phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, cụ thể là theo Công ước Paris quy định về sở hữu công nghiệp, các quy định của tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế WIPO.

2. Lợi ích của việc được ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.

Khi đã được ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu sẽ có rất nhiều lợi ích, cụ thể như sau:

- Khi tiến hành tham gia góp vốn, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có thể định giá rất cao giá trị của nhãn hiệu, giá trị của nhãn hiệu nổi tiếng được coi là tài sản hợp pháp. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận việc góp vốn bằng giá trị tài sản trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu nổi tiếng.

 

- Việc được ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng sẽ giúp chủ sở hữu ngăn chặn một cách có hiệu quả những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ như hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bên cạnh đó cũng hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ cạnh tranh.

- Về mặt lợi ích kinh tế, rõ ràng chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng sẽ có một lợi ích vô cùng lớn khi hàng hóa gắn nhãn hiệu nổi tiếng. Trên thị trường, có rất nhiều sản phẩm cùng loại mang nhãn hiệu khác nhau, thông thường, khách hàng thường lựa chọn những hàng hóa mang nhãn hiệu nổi tiếng, đã khẳng định giá trị và thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Một lợi ích vô cùng quan trọng nữa, đó là khi các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, hình ảnh thương hiệu quốc gia sẽ được nâng lên. Những thương hiệu quốc gia như Made in Vietnam sẽ là niềm tự hào cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

3. Doanh nghiệp cần làm gì để bảo hộ và phát triển nhãn hiệu nổi tiếng.

Việt Nam hiện nay đang hướng tới một nền kinh tế hội nhập, với trọng tâm là xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Trong những năm qua, bằng nhiều nỗ lực của mình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những mặt hàng xuất khẩu chiến lược ra thị trường thế giới như các mặt hàng nông sản, đồ điện tử.

Để nâng cao được giá trị của những mặt hàng xuất khẩu và chiếm lĩnh được thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cần quan tâm tới việc bảo hộ và phát triển nhãn hiệu của mình.

Việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu nổi tiếng là một quá trình lâu dài, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới đã hình thành và phát triển từ hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, thế giới đã trở lên phẳng hơn, việc xây dựng nhãn hiệu nổi tiếng từ các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ngắn hơn.

Các doanh nghiệp cần có một chiến lược đầu tư đúng đắn về tất cả các mặt để hình thành và phát triển nhãn hiệu nổi tiếng trong đó cần chú ý tới việc duy trì chất lượng hàng hóa, marketing để quảng bá sản phẩm.

Về khía cạnh pháp lý, khi cách doanh nghiệp có chiến lược phát triển các sản phẩm mới gắn liền với một nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần liên hệ với các luật sư, các đại diện về sở hữu công nghiệp để họ tư vấn về khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mới, tránh cho việc tranh chấp sau này hoặc lãng phí về mặt kinh tế. Điển hình là trường hợp khi một doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều chi phí để quảng bá nhãn hiệu cho một sản phẩm, tuy nhiên, khi xem xét khía cạnh pháp lý thì nhãn hiệu không được các cơ quan nhà nước bảo hộ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình xây dựng nhãn hiệu nổi tiếng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài mà điển hình là các thị trường mà hàng hóa đã có mặt và các thị trường tiềm năng. Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị mất tại thị trường nước ngoài, gần đây nhất là cà phê Buôn Ma Thuột. Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp hàng hóa Việt Nam được đảm bảo an toàn về mặt pháp lý, mặt khác đó cũng một trong những tài liệu để giúp cho việc chứng minh nhãn hiệu trở lên nổi tiếng sau này.

Ngoài việc tiến hành xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tại Việt Nam và nước ngoài, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới việc bảo vệ nhãn hiệu, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo chất lượng của hàng hóa mang nhãn hiệu, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu và của người tiêu dùng. Nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu, góp phần xây dựng uy tín, danh tiếng của sản phẩm, hình thành nhãn hiệu nổi tiếng trong tương lai.

Kết luận: Việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một vấn đề lớn, việc này rất cần một chiến lược tổng thể từ chính phủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, bằng việc xác lập, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu trở thành nhãn hiệu nổi tiếng cũng góp phần vào việc nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia.

» Bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ

» Đăng ký Nhãn hiệu tại VN

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Infograhic Đăng ký nhãn hiệu

SBLAW cung cấp dịch vụ Đăng ký nhãn hiệu theo dạng Infograhic Để tạo thuận lợi cho khách hàng, chúng tôi trân trọng giới thiệu