FTA & sở hữu trí tuệ. Hiện tượng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) còn nhiều và phổ biến, hoạt động phát hiện và xử lý còn chưa kịp thời.
Điều này đòi hỏi công tác bảo hộ SHTT cần được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Việc Mỹ dự kiến áp đặt mức thuế bổ sung lên tới 60 tỷ USD cho 100 dòng sản phẩm của Trung Quốc như hình phạt đối với hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ (SHTT) đã làm cho giới doanh nhân nước này rúng động. Thêm vào đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền SHTT, bao gồm nạn bán hàng giả và việc Bắc Kinh ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ khi thành lập chi nhánh ở đất nước châu Á. Từ đây, có thể cho thấy, theo các hiệp định tự do thương mại (FTA) đã ký kết, bắt buộc các doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ điều kiện bắt buộc cho hội nhập là quyền SHTT.
Theo số liệu của Cục SHTT, trong số các nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT chỉ có khoảng 20% là của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, đa số nhãn hiệu đăng ký là của các doanh nghiệp tư nhân. Rất ít doanh nghiệp nhà nước tham gia. Điều này cho thấy, việc coi trọng, quan tâm đúng mức đến SHTT của DN Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc hơn, đặc biệt là khối DNNN, vì đây là khối đóng góp khá lớn (khoảng 40%) trong tổng GDP của cả nước. Bên cạnh việc ít quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho mình, nhiều DN còn sẵn sàng vi phạm quyền SHTT đối với hàng hóa hay sản phẩm bán chạy cùng loại. Tình trạng vi phạm luật SHTT và xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam đang tăng về số lượng vụ việc và tính chất phức tạp của vụ việc. Các DN có tài sản SHTT cũng đang lo lắng về tình trạng vi phạm này, điều đó tạo cảm giác không yên tâm về hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam.
Thời gian qua, tuy các cơ quan thực thi cũng đã có những nỗ lực xử lý, nhưng do lực lượng mỏng, trình độ không đồng đều ở các cơ quan trung ương và địa phương, nên kết quả xử lý còn chưa đáp ứng được các kỳ vọng của DN. Mặt khác, nhận thức sai lệch của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu phát triển trên thị trường. Do giá bán các loại hàng này chỉ bằng 1/10 đến 1/3 giá hàng thật, nên nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn mua để sử dụng. Vấn đề lớn cho DN Việt Nam hiện nay là cần quan tâm hơn về quyền SHTT. Bởi, Nền kinh tế thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, các DN muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì phải có tài sản trí tuệ, đó là lợi thế cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, các DN Việt Nam cần có chiến lược đầu tư để tạo ra các tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình.
Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, bảo hộ SHTT đang được triển khai như thế nào? Việc bảo hộ SHTT gồm 2 mảng, mảng thủ tục xác lập quyền và mảng thực thi quyền SHTT. Đối với mảng xác lập quyền SHTT, hiện nay Việt Nam làm khá tốt. Các cơ quan tiếp nhận đơn đăng ký là Cục SHTT, Cục bản quyền đã cải thiện chất lượng tiếp nhận đơn đăng ký và xử lý đơn. Theo đó, việc thẩm định chậm trễ và cấp văn bằng đã được cải thiện nhiều. Công tác thực thi quyền như hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành và các cơ quan hải quan, cơ quan cảnh sát đã có những nỗ lực nhưng hiện tượng vi phạm SHTT còn nhiều và phổ biến, hoạt động phát hiện và xử lý còn chưa kịp thời. Điều này đòi hỏi công tác bảo hộ SHTT cần được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo