Hành vi làm giả xuất xứ Made in Vietnam bị xử lý thế nào?

Hành vi làm giả xuất xứ Made in Vietnam bị xử lý thế nào?

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã trả lời kênh truyền hình ANTV về hành vi làm giả xuất xử Made in Vietnam.

Mời các bạn xem nội dung bài phỏng vấn:

 

1. Hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam hay chưa? 

Trả lời:

Hiện Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Nghị định dẫn trên quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.



2. Để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam hiện nay đang được thực hiện theo quy định nào?

Trả lời:

Hàng hóa xuất khẩu cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 03/04/2018 về xuất xứ hàng hóa.

Từ 5/10/2015, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu D khi xuất khẩu sang Lào, Philippines, Indonesia và Thái Lan theo quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BCT về thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2017/TT-BCT).



3. Các chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm được thực hiện theo quy định nào?

Trả lời:

Các quy định về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm được đề cập tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư liên quan. 

Theo quy định tại các văn bản nêu trên, một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm nếu sản phẩm đó có nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó.

Đây là quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, không quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung.



4. Hành vi gian lận thương mại thông qua việc tùy ý gắn nhãn mác “made in Viet Nam” cho các hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam chính hãng để bán ra thị trường thì có thể sẽ bị xử lý ntn?

Trả lời:

Hành vi gian lận thương mại thông qua việc tùy ý gắn nhãn mác “made in Viet Nam” cho các hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam chính hãng để bán ra thị trường thì có thể sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán hàng giả.

Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, các loại hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa hoặc hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đều có thể xếp vào diện “hàng giả” và hành vi buôn bán các loại hàng hóa này đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.



5. Phải chăng hiện nay các tổ chức, cá nhân đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để gắn mác giả mạo, xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm ghi nhãn “made in Việt Nam”?

Trả lời:

Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Do đó, thiết nghĩ, cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Vietnam” cũng là một nhu cầu cấp bách trong thời gian tới đây.

6. Đối với toàn bộ sản phẩm nhập từ nước ngoài về nhưng lại ghi toàn bộ nội dung là tiếng việt, nhưng không ghi xuất xứ ở đâu. Vậy với những mặt hàng như này có đủ căn cứ pháp lý để xử lý và nếu xử lý thì được áp dụng theo quy định nào?

Trả lời:

1. Quy định về ghi nhãn hàng hóa

Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hiệu hàng hóa đã nêu rõ: “Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa;

d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan”.

Như vậy, xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải có trên nhãn hàng hóa.

 Về ghi nhãn phụ và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã hướng dẫn như sau:

– Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc  (khoản 4 Điều 10).

– Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa (khoản 4 Điều 8)

– Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc (khoản 3 Điều 7).

2. Về xử phạt vi phạm đối với trường hợp ghi thiếu thông tin trên nhãn hàng hóa

Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định cụ thể về xử phạt đối với vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa như sau: Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt còn tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa.

 

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại – Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan