Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn truyền hình Quốc hội Việt Nam về nội dung giám định sở hữu trí tuệ.
Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn:
Thưa ông Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005, có hiệu lực thi hành từ năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật SHTT cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Báo cáo Tổng kết Luật SHTT NĂM 2019 của Bộ Khoa học và công nghệ đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế của Luật SHTT trong quy định liên quan đến dịch vụ giám định Sở hữu trí tuệ. Nội dung cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 201 của Luật SHTT, giám định SHTT là lĩnh vực chuyên môn được đánh giá phức tạp, nên quy định về điều kiện kinh doanh và hành nghề trong lĩnh vực này đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng những điều kiện rất khắt khe, đặc biệt là đối với điều kiện có nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đối với tổ chức và đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đối với cá nhân.
Những quy định này khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước về giám định SHTT và tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh, hành nghề dịch vụ giám định SHTT gặp phải một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thi hành. Các cơ quan quản lý nhà nước về giám định SHTT đang gặp khó khăn trong việc nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cũng như tìm kiếm các chuyên gia có trình độ cho các kỳ kiểm tra nghiệp vụ đảm bảo người được cấp Thẻ giám định vừa có kinh nghiệm thực tế, vừa có đầy đủ kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội. Do vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ giám định SHTT.
Vì vậy Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện sản xuất chương trình Từ nghị trường đến cuộc sống nhằm góp phần làm rõ hơn nội dung này. Xin gửi tới Luật sư Nguyễn Thanh Hà một số câu hỏi như sau:
Câu 1. Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề nêu trên như thế nào? Ông có đánh giá gì về những quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến công tác giám định SHTT?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bố sung năm 2009) thì “Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ”. Theo đó, khi chủ sở hữu các sản phẩm trí tuệ phát hiện thấy các hanh vi xâm phạm quyền lợi của chủ thể khác, họ có thể thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ sản phẩm, quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy vậy, họ cần phải xác định một cách chính xác về sự xâm phạm đó một cách hợp pháp, có căn cứ. Do đó, yêu cầu cần có phiếu giám định vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tại Việt Nam, công tác giám định SHTT còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tìm kiếm tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu để làm công tác giám định. Hiện nay, mới chỉ có Viện khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam là tổ chức đủ điều kiện giám định sở hữu công nghiệp và một số cá nhân được cấp thẻ giám định viên SHCN.
Câu 2. Ông có thể chia sẻ một cách chi tiết công việc của người làm công tác giám định SHTT?
Trả lời:
Giám định SHTT không phải là một hoạt động bắt buộc, công việc đầu tiên của giám định viên chỉ bắt đầu khi tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định. Giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm các nội dung được quy định tại Khoản 1 Điều 39 sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 119/2010/NĐ-CP) như sau:
- Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này;
- Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và các điều từ Điều 7 đến Điều 14 của Nghị định này;
- Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;
- Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.
Sau khi xem xét và sử dụng kiến thức chuyên môn để đánh giá đối tượng SHTT, giám định viên sẽ đưa ra kết luận giám định và bàn giao kết quả cho người yêu cầu giám định.
Câu 3. Thưa ông, Luật SHTT với những quy định về dịch vụ giám định SHTT đã tạo cơ sở pháp lý cho dịch vụ giám định SHTT ở nước ta thời gian qua. Tuy nhiên có thể nhận thấy qua thực tiễn 10 năm triển khai trên thực tế thì những quy định này đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Vậy đối với Quý công ty trong quá trình cung cấp dịch vụ giám định cho khách hàng thì đã gặp nhưng khó khăn nào liên quan đến chính sách pháp luật?
Trả lời:
Những năm gần đây, giải quyết các tranh chấp liên quan tới sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ tăng lên về số lượng vụ, việc mà còn thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Theo đó, hoạt động giám định về SHTT được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tố tụng, đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền chất xám. Tuy nhiên Luật SHTT với những quy định về dịch vụ giám định SHTT trong thực tiễn 10 năm triển khai thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng. Từ thực tiễn trải nghiệm quá trình cung cấp dịch vụ giám định cho khách hàng, tôi nhận thấy có nhiều khó khăn xuất phát từ chính sách pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
Trước hết có thể thấy, đã có thông tư riêng hướng dẫn thủ tục giám định quyền tác giả và quyền liên quan nhưng lại chưa có thông tư riêng hướng dẫn thủ tục giám định quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong khi đó, các vi phạm quyền SHTT, các tranh chấp liên quan tới SHTT đều rất đa dạng, ngày càng có diễn biến tinh vi và phức tạp hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số.
Bên cạnh đó, pháp luật có quy định về việc cấp Thẻ giám định cho những người có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn phù hợp, nhưng theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ thì hiện nay mới chỉ có một số cá nhân được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp. Như vậy, đối với các đối tượng khác của quyền SHTT thì chưa có các văn bản pháp luật hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức và cá nhân giám định về SHTT trong lĩnh vực đó.
Mặt khác, mức chi phí giám định về sở hữu trí tuệ chưa hề được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản nào nên người áp dụng cũng thường thấy “lúng túng”. Trong khi đó, kinh phí cấp cho giải quyết vụ án dân sự, hình sự lại hạn hẹp. Điều này đã dẫn đến hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trưng cầu giám định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, vẫn còn “lỗ hổng” về quy định về thời hạn giám định. Thời hạn giám định Sở hữu trí tuệ quy định trong luật không rõ ràng cụ thể và chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu, cho nên tình trạng có những vụ việc phải chờ đợi thời gian dài, gây ảnh hưởng đến những nhu cầu giải quyết điều tra, truy tố, xét xử.
Câu 4. Ông có thể nêu lên một số kiến nghị hoặc đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hơn những quy định về giám định SHTT và để công tác này có thể thực hiện hiệu quả hơn trên thực tế?
Trả lời:
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành những văn bản cần thiết hướng dẫn thủ tục giám định liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng để công tác giám định không bị vướng mắc. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức và cá nhân giám định về SHTT trong các lĩnh vực, tiêu chuẩn chung để cấp Thẻ Giám định cho các cá nhân, tổ chức đủ tiêu chuẩn.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật bằng cách quy định cụ thể về mức chi phí giám định sở hữu trí tuệ trong các văn bản có liên quan. Bỏ đi quy định chưa thực sự phù hợp đó là cơ quan nào trực tiếp trưng cầu giám định thì cơ quan đó phải thanh toán chi phí giám định bởi chi phí giám định thường rất đắt đỏ.
Thứ ba, đối với nội dung thời hạn giám định, có thể quy định như sau: giám định đơn giản thì từ 10 đến 15 ngày; phức tạp thì thời hạn từ 02 đến 03 tháng, có thể gia hạn nhưng không quá 06 tháng. Có như vậy, giám định viên tích cực làm việc hơn và người quản lý sẽ dựa vào đó để có cơ chế quản lý, chế tài phù hợp, tránh trường hợp có những vụ án phải tạm đình chỉ, chờ kết quả giám định trong thời gian dài, thậm chí tới hàng năm, ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ tư, nhiều đối tượng của quyền SHTT có tính đặc thù cao đòi hỏi đội ngũ giám định viên bên cạnh trình độ chuyên môn còn phải có kiến thức chuyên sâu về đối tượng giám định. Vì vậy, điều cốt lõi đó là cần nâng cao số lượng đội ngũ giám định viên, trình độ của giám định viên sở hữu trí tuệ.