SBLAW trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trên báo Đầu tư chứng khoán với chủ đề Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu.
Trên thị trường nhôm hiện nay có tới hơn 30 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có thương hiệu gắn với “nhôm Việt Pháp”. Điều này khiến cho người tiêu dùng không biết đâu là hàng thật, hàng nhái. Theo ông, xuất phát từ nguyên nhân gì dẫn đến việc có hơn 30 doanh nghiệp sử dụng được cụm từ “nhôm Việt Pháp” này?
“Nhôm Việt Pháp” là thương hiệu đã có mặt trên thị trường từ lâu và được biết là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Theo đó, các doanh nghiệp muốn “dựa hơi” vào thương hiệu này để kinh doanh và phát triển. Vì vậy, họ đã đăng ký thành lập công ty có cụm từ “nhôm Việt Pháp” và sử dụng trong quá trình sản xuất - kinh doanh của mình.
Tại Điều 17, Luật Doanh nghiệp quy định: “Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc…”.
Theo quy định này và thực tiễn thì việc đăng ký thành lập doanh nghiệp không được đặt tên trùng (ở đây được hiểu là trùng hoàn toàn), còn việc đăng ký tên thương mại, là dấu hiệu tên phân biệt là được. Vì vậy, sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp có tên thương mại phân biệt trùng nhau, chỉ khác nhau về loại hình và các dấu hiệu chung chung không có khả năng phân biệt khác.
Như vậy, có 2 lý do dẫn đến việc có tới hơn 30 doanh nghiệp sử dụng được cụm từ “nhôm Việt Pháp” là thực tiễn phát triển của thương hiệu này và quy định chưa chặt chẽ của Luật Doanh nghiệp Việt Nam đối với việc đặt tên doanh nghiệp.
Liên quan đến việc đăng ký thương hiệu “nhôm Việt Pháp”, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, có doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh liên quan đến nhôm ra đời đầu tiên và xây dựng thương hiệu, nhưng lại "quên" không đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, trong khi doanh nghiệp thành lập sau lại “nhanh tay" đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Vậy doanh nghiệp ra đời trước được bảo vệ như thế nào và doanh nghiệp ra đời sau đăng ký nhãn hiệu có đúng luật không, thưa ông?
Theo quy định tại Điều 90, Luật Sở hữu trí tuệ về Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, thì cá nhân, pháp nhân nào có ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước thì sẽ được bảo hộ nếu đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Một doanh nghiệp ra đời và phát triển gắn liền với thương hiệu của công ty, nhưng vì chưa nắm rõ được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu nên đã “quên” hoặc không tiến hành đăng ký là một trong các thiếu sót của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi doanh nghiệp thành lập sau đăng ký nhãn hiệu này và được bảo hộ.
Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại sẽ được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần phải đăng ký với cơ quan sở hữu trí tuệ. Theo đó, tên thương mại sẽ được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Lúc này, doanh nghiệp thành lập trước có thể tự bảo vệ quyền của mình bằng cách chứng minh thương hiệu này đã được đăng ký và sử dụng là tên thương mại. Đồng thời, tiến hành thủ tục hủy hiệu lực văn bằng nhãn hiệu của doanh nghiệp thành lập sau và tiến hành đăng ký bảo hộ tên thương mại là nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Xét đến việc doanh nghiệp thành lập sau đăng ký nhãn hiệu là tên thương mại trùng với doanh nghiệp đã thành lập trước đó sẽ là đúng luật nếu doanh nghiệp này không biết đến sự tồn tại và không có mối liên hệ với doanh nghiệp trước. Còn ngược lại, doanh nghiệp sau bị coi là có hành vi đăng ký chiếm quyền.
Việc có hàng loạt công ty đăng ký tên thương mại có cụm từ "nhôm Việt Pháp" có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ?
Việc các công ty đăng ký tên thương mại có cụm từ "nhôm Việt Pháp" để lợi dụng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đã có sẵn trên thị trường là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bởi các sản phẩm của mỗi doanh nghiệp có mẫu mã và chất lượng khác nhau. Điều này khiến cho người tiêu dùng không biết đâu là hàng thật, hàng giả.
Doanh nghiệp đã đăng ký và được bảo hộ tên thương mại là nhãn hiệu có quyền yêu cầu và xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu của các doanh nghiệp sau đăng ký tên thương mại trùng với nhãn hiệu của công ty mình.
Hai công ty nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm trùng nhau có cụm từ "nhôm Việt Pháp" tại hai thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, công ty nộp đơn sau lại được cấp, còn công ty nộp đơn trước không. Theo ông, điều này có đúng luật?
Trong trường hợp này, để kết luận đúng sai phải dựa vào tài liệu thực tế của hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Như tôi đã nói ở trên, theo quy định tại Điều 90, Luật Sở hữu trí tuệ về Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, thì cá nhân, pháp nhân nào có ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước thì sẽ được bảo hộ nếu đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Các đơn đăng ký sau sẽ bị từ chối bảo hộ vì gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó.
Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp đơn đăng ký sau, nhưng được cấp văn bằng bảo hộ, còn đơn đăng ký nhãn hiệu không được bảo hộ, vì đã không thực hiện bước cuối cùng là nộp phí thông báo cấp bằng và có quyết định từ chối. Lúc này đơn đăng ký sau lại được bảo hộ.
Cùng một ý tưởng về nhãn hiệu của một công ty do 2 người cùng nghĩ ra và đi đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi giải quyết, một người tự tách ra khỏi công ty và âm thầm đi đăng ký nhãn hiệu đó thành của riêng mình. Điều này có đúng với Luật Sở hữu trí tuệ không, thưa ông?
Theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, pháp nhân nào có ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước sẽ được bảo hộ nếu đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Cục Sở hữu trí tuệ không có trách nhiệm tìm kiếm dữ liệu về việc nộp đơn này có “hợp lý hợp tình” hay không, mà sẽ thẩm định dựa trên dữ liệu và quy định của luật đối với nhãn hiệu. Vì vậy, theo quy định, hành vi đăng ký nhãn hiệu nói trên của người tách khỏi công ty vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và xét về mặt “tình” thì đây bị coi là hành vi đăng ký để chiếm quyền.
Lúc này, thành viên còn lại có thể nộp yêu cầu phản đối cấp đối với nhãn hiệu này, hoặc không phản đối thì nhãn hiệu đăng ký sau này chắc chắn sẽ bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối.
Việc một công ty sản xuất nhôm Việt Nam, nhưng lại gia công sản xuất sản phẩm cho một công ty khác ở nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm ra nước thứ ba. Liệu có vấn đề gian lận thương mại ở đây không?
Nội dung này liên quan đến hợp đồng OEM (Original Equipment Manufacturer), thường được dùng để chỉ các công ty thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác. Một cách dễ hiểu hơn, công ty OEM sẽ sản xuất “giúp” cho công ty khác. Sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm sản phẩm.
Vì vậy, nếu có hợp đồng OEM thì không bị đánh giá là thương mại gian lận.
Luật sư có khuyến cáo như thế nào đối với doanh nghiệp trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu công ty và bảo vệ nó?
Việc đăng ký nhãn hiệu để được bảo hộ gắn liền với sản phẩm/dịch vụ kinh doanh của công ty là vô cùng quan trọng và có giá trị lớn. Vì vậy, tôi khuyến cáo các doanh nghiệp nên: Tiến hành luôn đăng ký nhãn hiệu sau khi thành lập doanh nghiệp; Tiến hành các biện pháp ngăn chặn các hành vi làm giả, làm nhái, xâm phạm nhãn hiệu phương hại đến nhãn hiệu của mình của các cá nhân, doanh nghiệp khác.
Việt Dương thực hiện.
Báo Đầu tư Bất động sản