Cty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có nhiều nhãn hiệu đã được
cộng đồng EU chấp nhận bảo hộ
Để bảo hộ thương hiệu (hoặc kiểu dáng cho các sản phẩm) của mình tại EU, các doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ theo hệ thống Nhãn hiệu cộng đồng (CTM) tại Cơ quan hài hoà hoá thị trường nội địa OHIM (The Office for Harmonization in the Internal Market). Đây là cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp có giá trị thi hành và bảo hộ trên toàn lãnh thổ EU, dưới sự quản lý của Uỷ ban Châu Âu.
Theo quy định của hệ thống nhãn hiệu Cộng đồng, các chủ thể có quyền nộp đơn tại OHIM bao gồm, cá nhân, pháp nhân thuộc các nước thành viên Cộng đồng Châu Âu; cá nhân, pháp nhân thuộc các nước thành viên Công ước Paris, hay Hiệp định TRIPs; cá nhân, pháp nhân có nơi cư trú hoặc trụ sở kinh doanh đóng tại một trong các nước thành viên của Cộng đồng Châu Âu, Công ước Paris, hoặc Hiệp định TRIPs. Việt Nam là thành viên của Công ước Paris. Vì vậy các cá nhân, pháp nhân Việt nam nếu có nhu cầu đều có thể nộp đơn đăng ký CTM tại OHIM.
Đơn đăng ký nhãn hiệu CTM có thể được làm bằng một trong 11 ngôn ngữ chính thức của Cộng đồng. Trong đơn, người nộp đơn phải tuyên bố chọn một trong 5 ngôn ngữ: Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp và Italia (đây là 5 ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở OHIM) là ngôn ngữ thứ hai để sử dụng khi tiến hành các thủ tục, ví dụ như phản đối đơn, huỷ bỏ hiệu lực...
Hình thức nhãn hiệu có thể được đăng ký tại EU bao gồm: nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp do OHIM cấp có giá trị tại 27 quốc gia thành viên EU.
Để đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu cộng đồng, người nộp đơn chỉ phải nộp 1 đơn duy nhất theo 1 thủ tục chung duy nhất. Do đó, chi phí cho việc nộp đơn đăng ký thấp hơn nhiều so với việc bảo hộ quyền tại từng quốc gia. Đơn đăng ký được làm bằng một loại ngôn ngữ duy nhất giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí cho việc dịch thuật.
Việc thực thi hiệu lực của Nhãn hiệu cộng đồng được thực hiện bởi Toà án nhãn hiệu Cộng đồng, điều này giúp cho các thủ tục pháp lý được đơn giản hóa, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho chủ sở hữu quyền trong quá trình giải quyết, xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Khi Nhãn hiệu được OHIM cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu có quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu; ngăn chặn việc sao chép và giả mạo nhãn hiệu; chuyển giao nhãn hiệu, cấp licence cho một số hàng hóa hoặc dịch vụ tại một phần hay toàn bộ lãnh thổ Cộng đồng; phản đối đăng ký những nhãn hiệu Cộng đồng hoặc nhãn hiệu quốc gia tương tự có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
OHIM có một trung tâm hành chính duy nhất tại Alicante - Tây Ban Nha. Để đăng ký nhãn hiệu Cộng đồng, người nộp đơn có thể nộp tại Văn phòng OHIM ở Alicante hoặc qua các cơ quan quốc gia thuộc EU. Đơn có thể được nộp bằng fax, qua đường bưu điện hoặc nộp đơn điện tử. Các công ty thuộc các quốc gia không phải là thành viên EU cần có đại diện pháp lý tại EU để tiến hành các thủ tục trong quá trình đăng ký nhãn hiệu Cộng đồng.
Ngoài ra, EU có thể được chỉ định là một phần của Đăng ký quốc tế dựa trên nhãn hiệu quốc gia hiện có (theo Nghị định thư Madrid). Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp đơn qua WIPO và tuân thủ quy trình, thủ tục đăng ký theo Madrid. Phí được nộp cho WIPO. Việc nộp đơn qua WIPO chỉ cần đại diện pháp lý khi có phản đối đơn.
Thời gian thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu Cộng đồng kéo dài khoảng 9-13 tháng với chi phí khoảng 1.800 Eur cho 1 nhãn hiệu trong trường hợp không có bất kỳ tranh chấp hay phải đối nào trong quá trình đăng ký.
Theo Lâm Oanh - dddn.com.vn