Công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái hiện gặp nhiều khó khăn, có nguyên nhân từ quy định pháp luật chưa thực sự đủ mạnh và nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế.
Chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều khó khăn (04-12-2012)
Người tiêu dùng cần được bảo vệ khi quyền lợi bị xâm hại. Ảnh minh họa- Trung Hiếu.
Rào cản pháp luật
Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng với diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều rào cản cho công tác chống hàng giả.
Theo bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas gắn liền những hành vi vi phạm về giả nhãn hiệu, giả mạo sở hữu công nghiệp vỏ bình gas dẫn đến tình trạng chiết, nạp gas trái phép. Do việc chiết nạp lậu gas mang lại siêu lợi nhuận, trong khi mức xử phạt đối với hành vi này còn nhẹ, do đó ngay sau khi bị xử phạt các đối tượng lại tiếp tục tái phạm.
Ông Đào Ngọc Năm, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thực phẩm- Bộ NN&PTNT cho biết, việc nhập lậu chất cấm từ Trung Quốc vào sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón đang ngày càng phổ biến không chỉ ảnh hưởng xấu tới chất lượng của cây trồng, vật nuôi mà còn huỷ hoại môi trường sinh thái và sức khoẻ người tiêu dùng
Ngoài ra, trong ngành hàng nông sản, thực phẩm, tình trạng gà nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam gần đây không chỉ gây nên quy cơ đè bẹp ngành chăn nuôi trong nước mà nguy hiểm hơn gà nhập lậu đã mang các loại vi khuẩn với độc tính cao, gây nguy hiểm cho con người. Bình quân mỗi năm Việt Nam tiêu thụ từ 70 đến 100 ngàn tấn gà thải loại NK từ Trung Quốc, chưa kể từ 15 đến 30 triệu con giống gia cầm thương phẩm. Việc nhập lậu gà, trứng, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc cũng diễn ra phức tạp, hiện nay có khoảng 40% số gia cầm nhập lậu chưa kiểm soát được.
Từ góc độ của cơ quan thực thi, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lí thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe…
Người tiêu dùng chưa nhận thức rõ quyền lợi của mình
Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị “Một năm thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM phối hợp với Hội Luật gia TP.HCM tổ chức ngày 29-11, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, sau hơn một năm Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực (từ ngày 1-7-2011) đến nay, ý thức chấp hành pháp luật và ý thức xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể. Người tiêu dùng vẫn chưa có đủ điều kiện pháp lí để thực hiện quyền của mình bởi sự bất cập trong những quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa rõ ràng. Ví dụ, người tiêu dùng khi bị ảnh hưởng quyền lợi vẫn không biết gửi đơn thư đến cơ quan nào để khiếu nại, tố cáo.
Mặt khác theo Luật gia Phan Thị Việt Thu- Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, nhìn chung hầu hết người tiêu dùng chưa biết hết 8 quyền lợi của mình trong việc tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cũng như chưa hiểu được những nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình và lợi ích của cộng đồng.
Chẳng hạn như người tiêu dùng khi giao dịch, mua và sử dụng hàng hóa chưa quan tâm đến việc đòi hỏi tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp đầy đủ thông tin, hay những yếu tố liên quan đến sản phẩm hoặc liên quan đến giao dịch. Đồng thời không để ý đến việc tham khảo những hướng dẫn sử dụng hàng hóa của nhà sản xuất, từ đó dẫn đến những tranh chấp với doanh nghiệp. Còn có những người tiêu dùng lạm dụng quyền lợi của mình trên ý tưởng trục lợi riêng khi mua nhầm sản phẩm có khuyết tật.
Bên cạnh đó, tình hình tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thấy được trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng còn rất phổ biến, có những doanh nghiệp khi được mời đến tham gia hòa giải do bị người tiêu dùng kiện họ cho rằng không biết có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc nghĩ rằng Luật này không dính dáng gì đến DN…
Theo Hải Quan