Chiến lược bảo hộ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp

Chiến lược bảo hộ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp

Tài sản vô hình này ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngày nay tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Khi đã thực sự là thành viên WTO và đang trong quá trình hội nhập sâu và rộng, khi hàng rào thuế quan dần được rỡ bỏ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Một chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm...

Ý nghĩa của bảo hộ sở hữu trí tuệ

Nhờ có sở hữu trí tuệ, các nhà sáng tạo mới tạo ra nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng mới thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các đối tượng sở hữu trí tuệ. Hàm lượng trí tuệ trong chỉ số tăng trưởng GDP tăng nhanh, sẽ tạo ra một phong trào thi đua lao động sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến - sáng chế ở cơ sở, nâng cao dân trí bằng việc bảo hộ bản quyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ. Ðó chính là con đường duy nhất giúp các nước nghèo thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Kinh nghiệm của các nước đã trải qua giai đoạn công nghiệp cho thấy nếu tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ lên 10% thì đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng 50% và các công nghệ cao sẽ tăng trưởng 40%. Ðó là cơ hội vô cùng to lớn mà các nước đang phát triển phải nắm lấy.

Một chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm...

Bảo vệ quyền SHTT là việc chủ thể quyền SHTT hoặc cơ quan có thẩm quyền sử dụng các biện pháp cần thiết mà pháp luật cho phép để bảo đảm quyền SHTT được thực thi trên thực tế.

Dưới góc độ chủ thể quyền, việc bảo vệ quyền SHTT sẽ bảo đảm việc xử lý, ngăn chặn và ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền; dưới góc độ xã hội, bảo vệ quyền SHTT có tác dụng kích thích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và lành mạnh; dưới góc độ quốc tế, bảo vệ quyền SHTT luôn là mối quan tâm to lớn không chỉ ở từng quốc gia mà ở cả bình diện quốc tế.

Trong các điều ước quốc tế về SHTT được ký kết gần đây, ví dụ Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS - WTO), các chuẩn mực tối thiểu về thực thi quyền SHTT đã đặt ra và đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tuân theo.

Bảo hộ SHTT ở VN còn nhiều yếu kém

Việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa thực sự am hiểu những quy định về việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ và trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều người còn chưa hiểu sở hữu trí tuệ là gì, ngay cả các cán bộ thực thi quyền.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ còn tản mạn, chồng chéo ở nhiều văn bản, thiếu sự thống nhất đồng bộ, cho nên khó áp dụng. Mức phạt các vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhẹ, thiếu khả năng răn đe và thực thi. Hệ thống các cơ quan thực thi còn yếu, nhất là tòa án xét xử chưa nhiều các vụ án liên quan sở hữu trí tuệ.

Trong thực tế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thường được thông qua các quy định về xử lý hành chính hơn là kiện cáo trước tòa do cách này dễ thực hiện, nhanh chóng về thủ tục và ít tốn kém dù nó có một nhược điểm là tính răn đe và hiệu quả chưa cao.

Thêm nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi thủ tục tố tụng về sở hữu trí tuệ còn thiếu càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án ít đi.

Cho nên, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình qua con đường tố tụng bởi đây là cách giải quyết triệt để.

Chiến lược bảo hộ quyền SHTT của doanh nghiệp

Chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các chính sách xác lập quyền, khai thác quyền đó và chính sách giám sát quyền sở hữu trí tuệ. Một chính sách hoàn thiện như vậy sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ và phát triển giá trị cốt lõi của chính doanh nghiệp mình.

Một chiến lược Sở hữu trí tuệ cơ bản thường bao gồm chính sách về xác lập quyền Sở hữu trí tuệ. Mỗi sản phẩm, dịch vụ nhất định có thể được bảo hộ dưới các hình thức quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải xem xét để lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp nhất và đảm bảo rằng tất cả những quyền Sở hữu trí tuệ phải được xác lập đầy đủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải cân đối các chi phí và lợi ích của việc yêu cầu xác lập quyền nhất là đối với sáng chế để phù hợp ngân sách và chính sách phát triển thị trường của mình.

Bên cạnh chính sách tổng thể về xác lập quyền thì định hướng khai thác Sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng. Các tài sản Sở hữu trí tuệ có thể được khai thác theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ mang đối tượng Sở hữu trí tuệ được bảo hộ; bán các tài sản Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khác; thành lập các liên doanh; sử dụng quyền Sở hữu trí tuệ để tiếp cận công nghệ của Cty khác thông qua các hợp đồng chuyển giao quyền Sở hữu trí tuệ nhằm trao đổi hoặc sử dụng Sở hữu trí tuệ để có được nguồn đầu tư tài chính cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên quyết định cho từng trường hợp cụ thể cách thức khai thác tốt nhất.

Chính sách giám sát Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những nội dung rất quan trọng trong hoạt động quản lý quyền Sở hữu trí tuệ. Đó là việc thường xuyên tham khảo các cơ sở dữ liệu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu nhằm phát hiện những giải pháp kỹ thuật hiện tại và các công nghệ mới, xác định đối tác mới cho việc chuyển giao quyền Sở hữu trí tuệ hoặc nhà cung ứng, các thị trường mới tiềm năng, theo dõi các hoạt động của đối thủ cạnh tranh, xác định những người có khả năng xâm phạm và tránh việc xâm phạm các quyền của đối thủ cạnh tranh. doanh nghiệp cũng cần có một chiến lược rõ ràng về thực thi Sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định vì những thiệt hại có thể phải gánh chịu bởi sự xuất hiện xâm phạm quyền trên thị trường và chi phí tốn kém trong một số tranh chấp về Sở hữu trí tuệ.

Hạnh Phạm, theo Doanh nhan 360.com.vn

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan