SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW về vấn đề vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Bài viết được đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW khẳng định tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam hiện rất nghiêm trọng, làm xấu đi hình ảnh về thực thi pháp luật bản quyền của Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta?
Tôi cho rằng tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta đang ở mức báo động. Việc xâm phạm này được thể hiện cụ thể như sau:
Khi có bất kỳ một chương trình truyền hình nào ăn khách hay một bộ phim nào hay, vừa phát sóng xong thì lập tức, chương trình truyền hình đó đã đươc tải lên các mạng xã hội mà phổ biến như youtube, dailymotion... sau đó, những đối tượng tải chương trình đó lên sẽ thu được tiền từ hoạt động quảng cáo mà chính những mạng xã hội này sẽ trả cho họ.
Biểu hiện thứ hai của tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình là các website cho phép xem phim miễn phí, các phim từ Hollywood hoặc phim truyền hình, phim điện ảnh của Việt Nam, nếu hay, sẽ được tải lên và do lượng traffic cao, sẽ thu hút được nhiều quảng cáo.
Biểu hiện thứ ba đó là các trận bóng đá quốc tế, điển hình là các trận đấu của cúp C1, bị vi phạm nhiều và đối tác bán bản quyền cho truyền hình cáp Việt Nam đã cắt sóng, gây thiệt hại cho nhà đài và cho người hâm mộ, đã trả tiền rồi mà không được xem, mùa wold cup đang diễn ra, cũng chứng kiến tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng livestream trên facbook và người hâm mộ, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị cắt sóng...
Tất cả những hiện tượng trên cho thấy vi phạm bản quyền tại Việt Nam là nghiêm trọng, làm xấu đi hình ảnh về thực thi pháp luật bản quyền của Việt Nam trong mắt các đối tác quốc tế.
- Những rõ ràng chúng ta đã có hành lang pháp lý đủ rộng để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
Đúng vậy! Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chương trình truyền hình là một dạng tác phẩm và được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả và quyền liên quan.
Chủ sở hữu của các chương trình này là các nhà đài sẽ có quyền tài sản, có nghĩa là độc quyền khai thác các chương trình này trên mọi phương tiện truyền thông.
Luật cũng liệt kê ra các hành vi xâm phạm quyền như hành vi nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Hành vi xâm phạm quyền như phát tán chương trình truyền hình trên Internet có thể sẽ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, hình sự và dân sự.
Về biện pháp hành chính, hiện nay Việt Nam có Nghị định 28/2017 có quy định về mức xử phạt tối đa với hành vi vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực này như sau:
"Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Về biện pháp hình sự, hiện nay theo quy định tại điều 225 bộ luật hình sự 2015 thì tổ chức và cá nhân có hành vi xâm pham quyền và thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đã có thể bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tù đến 5 năm. Đối với pháp nhân thương mại thì có thể bị thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Ngoài ra chủ thể quyền còn có thể khởi kiện ra toà để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại mà hành vi vi phạm trên Internet gây ra. Như thiệt hại về doanh thu quảng cáo...".
Muốn áp dụng biện pháp này thì chủ thể quyền phải cung cấp chứng cứ vi phạm và có phần tính toán thiệt hại thực tế.